Sức sống mới ở Làng nghề đan đát xã Phú Tân (Lượt xem: 2152)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Đời sống - Xã hội

Cập nhật: 08/09/2024

Xác định tầm quan trọng của Văn hóa, thời gian qua, các Cấp ủy Đảng, Chính quyền huyện Châu Thành luôn quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc cộng cư trên địa bàn, đáng chú ý là nỗ lực khôi phục và phát triển làng nghề đan đát xã Phú Tân. 

Sức sống mới ở Làng nghề đan đát xã Phú Tân
 Lãnh đạo Tỉnh uỷ Sóc Trăng tham quan làng nghề đan đát xã Phú Tân.

Hỏi thăm những người cao tuổi ở xã Phú Tân, không ai biết rõ nghề đan đát ở địa phương được hình thành lúc nào. Trong kí ức tuổi thơ của mình có nhiều ông, bà kể về bóng dáng người cha, người mẹ đan từng cái thúng, cái rổ, cái lờ, cái lợp… từ tre, trúc để phục vụ cuộc sống, dôi dư ra thì đem bán kiếm thêm tiền. Thế hệ này truyền lại cho thế hệ khác mà thành nghề.

Ông Mai Duy (ảnh dưới) ở ấp Phước Quới kể, từ khi còn bé, tôi đã thấy trước nhà có trồng những bụi trúc”. Đến nay, tuổi đã hơn 60, ông Duy vẫn thấy trúc sống xung quanh mình và và nhà hàng xóm. Vì vậy đối với ông, "trúc là bạn, là nguồn sống của gia đình và làng xóm". Theo ông Duy, “nghề đan đát này chắc có cỡ chừng sáu, bảy chục năm về trước. Hồi xưa thì nhiều lắm, từ khi làng nghề qua bên đây (ấp Phước Quới) nhà nào cũng đan Cần Xế đem ra Sóc Trăng bán mỗi ngày”. Gắn bó gần như cả cuộc đời với cây trúc, ông Mai Duy cho biết để làm ra sản phẩm đẹp mắt và dùng bền theo thời gian thì phải chọn cây trúc vừa già tới để vừa có độ dẻo dai, vừa chắc chắn.

Cùng ngụ ấp Phước Quới, nghề đan đát gắn bó với vợ chồng bà Lý Hên với như một cái duyên. Khi con cái ông bà đến tuổi trưởng thành đi làm ăn xa, trong nhà chỉ còn hai vợ chồng, bà được bà con hàng xóm hướng dẫn cách đan rổ để khi rảnh rỗi có việc làm, vừa có tiền trà nước, bà đã bàn với ông và dều đặn mỗi sáng, ông vót trúc, bà đan rổ. Bà Hên chia sẻ: Vốn mình nói một trăm ngàn đồng đi, rồi bán ra được hai trăm hay hai trăm rưỡi ngàn đồng, mình có mối ở Sóc Trăng chở ra người ta mua hết. Mình thích nghề này nên mới làm. Mua trúc phải lựa trúc già, cây thẳng mới làm ra sản phẩm đẹp.

Bà Lý Hên (bìa phải ảnh) hướng dẫn cách đan sản phẩm.

Nghề đan đát cực công, sáng tạo nên cần có sự khéo léo, kiên nhẫn, đa phần bà con tranh thủ lúc nông nhàn để kiếm thêm thu nhập, còn bấp bênh nên người trẻ không mặn mòi với nghề truyền thống này. Để bảo tồn và phát huy làng nghề, các Cấp ủy Đảng, Chính quyền đã thực hiện nhiều giải pháp, như: đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hỗ trợ vốn vay, tìm đầu ra cho sản phẩm, gắn sản phẩm đan đát với phát triển du lịch… nên đến nay đã có nhiều khởi sắc. 

Năm 2023, bằng tình yêu dành cho văn hóa dân tộc, chị Trương Thị Bạch Thủy (ảnh dưới) ở xã Phú Tân đã sản xuất ra những sản phẩm đan đát của làng nghề và xuất sắc đạt giải Nhất cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức. Tạo tiền đề cho sự ra đời của Hợp tác xã Mây tre đan Thủy Tuyết do chị làm Giám đốc. Hiện tại, Hợp tác xã có hơn 1.000 sản phẩm các loại từ sản phẩm sinh hoạt, tiêu dùng, vật lưu niệm, trang trí… cung ứng thị trường trong và ngoài nước, góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương, 

Chị Thủy chia sẻ, định hướng của tôi là làm thế nào để sản phẩm của Hợp tác xã làng nghề xã Phú Tân đáp ứng với thị trường. Hướng tới mục tiêu bà con làm ra sản phẩm phải đáp ứng thị trường du lịch và khách nước ngoài để nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm, bà con sẽ có thêm nguồn thu nhập thì sẽ tạo động lực để gắn bó với nghề. Mở các lớp đào tạo nghề cho con em để có thế hệ kế thừa làm ra những sản phẩm truyền thống ngày một tốt hơn.

Năm 2024, tỉnh Sóc Trăng chọn Chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc và con người Sóc Trăng, đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển” là một chủ trương để Cấp ủy, Chính quyền địa phương thêm phấn đấu, thực hiện các mục tiêu có liên quan đã đề ra. 

“Trong nhiệm kỳ 2020- 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ xã Phú Tân đã thống nhất khôi phục bảo tồn và phát triển làng nghề đan đát của địa phương. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách mà Ban Chấp hành Đảng bộ xã thực hiện từ năm 2020 đến năm 2025, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn bền vững tại địa phương”, bà Dương Thị Trang (ảnh trên) - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Phú Tân, cho biết thêm.

Để khôi phục và phát triển làng nghề đan đát ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành thì trước hết cần giải bài toán về kinh tế để đồng bào sống được với nghề, song song đó là bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Khi đó Phú Tân sẽ có ngành du lịch văn hóa phát triển, các sản phẩm từ làng nghề đan đát của đồng bào Khmer đến với đông đảo du khách gần xa./.   

Hằng Nghi, Mỹ Dung 

 

Tag:

QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online