Sóc Trăng: Kết quả nổi bật trong thực hiện Quy chế dân chủ năm 2024 (Lượt xem: 599)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Đoàn thể >> Quy chế Dân chủ cơ sở

Cập nhật: 28/12/2024

Thực hiện dân chủ ở cơ sở là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, đảm bảo công khai, minh bạch và nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền. Năm 2024, tỉnh Sóc Trăng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong việc triển khai và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. 

Sóc Trăng: Kết quả nổi bật trong thực hiện Quy chế dân chủ năm 2024
 Bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng tiếp công dân.

Năm 2024, được sự quan tâm của trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng ủng hộ của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội để tháo gỡ khó khăn, khơi thông các điểm nghẽn. Từ đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đạt nhiều kết quả nổi bật.  

Công tác chuyển đổi số, xây dựng Chính quyền số, Kkinh tế số, Xã hội số được quan tâm thực hiện và đạt một số kết quả nhất định. Lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm và có nhiều tiến bộ, nhất là triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với người có công, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đảm bảo đầy đủ, kịp thời. Tỉnh đã quan tâm triển khai thực hiện tốt 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc thiểu số tiếp tục được giữ vững, ổn định. Công tác tư pháp, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện tốt; giải quyết khiếu nại, tố cáo, hoà giải ở cơ sở đạt tỷ lệ khá cao. Công tác phòng, chống tham nhũng đã được các cấp, các ngành chỉ đạo quyết liệt, có bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh được các cấp ủy đảng quan tâm, thực hiện thường xuyên.

Trong tình hình đó, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở được các cấp ủy Đảng, Chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai. Qua đó, dân chủ ở cơ sở được phát huy, quyền làm chủ của Nhân dân tiếp tục đi vào thực chất trên mọi lĩnh vực của đời sống, góp phần tăng cường sự đồng thuận xã hội, củng cố niếm tin của Nhân dân đối với Đảng, Chính quyền. Ông Phạm Khắc Điệp (ảnh trên) - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm, nói: chúng tôi rà soát đối tượng xong mới tổ chức họp dân để xin ý kiến nhân dân về đối tượng. Tất cả đều thực hiện công khai, dân chủ nên được Nhân dân đồng tình ủng hộ cao, không có khiếu nại, thưa kiện.

Ở cấp cơ sở, phương châm "Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân kiểm tra, Dân giám sát, Dân thụ hưởng" đã được triển khai hiệu quả. Các nội dung liên quan đến đời sống, kinh tế, và an sinh xã hội như xây dựng các công trình phục vụ sản xuất, phục vụ đời sống, đền bù giải phóng mặt bằng, và các chính sách hỗ trợ được công khai minh bạch. Người dân được tham gia đóng góp ý kiến, trực tiếp quyết định nhiều nội dung quan trọng tại địa phương.

Bộ phận một cửa.

Các xã, phường, thị trấn cũng chú trọng cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, góp phần xây dựng chính quyền thân thiện, nâng cao hiệu quả phục vụ. Đến nay, đã có 1.696 thủ tục hành chính của tỉnh được cung cấp trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, đạt tỷ lệ 100%; trong đó, có 420 thủ tục hành chính được cung cấp ở mức toàn trình, đạt tỷ lệ 24,76% và 1.073 thủ tục hành chính được cung cấp ở mức một phần, đạt tỷ lệ 63,27%.

Công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị quan tâm chỉ đạo thực hiện. Qua đó đã giải quyết kịp thời những phản ánh, kiến nghị và khiếu nại, tố cáo của công dân, tổ chức. “Những vấn đề bức xúc trong Nhân dân như về cơ sở hạ tầng nông thôn, môi trường, nước hợp vệ sinh… đây không chỉ là vấn đề của cá nhân mà là của toàn xã hội, cũng như của xã Lâm Kiết. Để giải quyết vấn đề này, Chính quyền địa phương cũng đã tăng cường tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng; phối hợp với Cấp uỷ, Chính quyền địa phương để có sự đồng lòng và hành động chung thì vấn đề mới được giải quyết đạt kết quả như mong đợi”, ông Nguyễn Quốc Trạng (ảnh dưới) - Chủ tịch UBND xã Lâm Kiết, huyện Thạnh Trị, nói. 

Việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện, nhất là phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện các nội dung công khai. Theo đó, các cơ quan, đơn vị và người đứng đầu thực hiện nghiêm quy định về các nội dung công khai để cán bộ, công chức, viên chức biết, tham gia ý kiến, kiểm tra, giám sát theo quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Qua đó phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong việc bàn và quyết định, tham gia ý kiến, kiểm tra, giám sát. Các Ban Thanh tra nhân dân của cơ quan, đơn vị đã thực hiện được công tác giám sát việc thực hiện nghị quyết hội nghị cán bộ, công chức, việc thực hiện các chế độ, chính sách của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần phát huy dân chủ, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ có hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Bà Trần Thị Hoàng Mỹ (ảnh dưới) - Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Sở LĐ-TB&XH tỉnh Sóc Trăng, nói: Hằng năm sau khi ngành Lao động hoàn thành các công việc nhiệm vụ, chỉ tiêu của ngành thì Công đoàn cơ sở phối hợp với Chính quyền để tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức thực hiện theo Luật dân chủ cơ sở, Đảng uỷ, Ban Giám đốc Sở phối hợp với các Công đoàn xây dựng kế hoạch để triển khai, quán triệt các Nghi quyết, văn bản của cấp trên; thành viên BCH Công đoàn luôn thực hiện tốt Quy chế dân chủ trong hoạt động Công đoàn.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục duy trì mô hình “Gặp gỡ, ăn sáng với doanh nghiệp”, được tổ chức định kỳ vào sáng thứ Bảy của tuần đầu hàng tháng nhằm đồng hành cùng doanh nghiệp, lắng nghe những khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.

Buổi lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng “gặp gỡ, ăn sáng với doanh nghiệp”.

Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đã thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ tại nơi làm việc. Hội nghị người lao động được tổ chức đúng theo quy định, phát huy dân chủ, tạo điều kiện cho người lao động đóng góp ý kiến vào biện pháp thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh, các cam kết thực hiện chính sách liên quan đến quyền lợi người lao động, bàn và thống nhất các giải pháp khắc phục khó khăn nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; giúp người sử dụng lao động đề ra các giải pháp phù hợp trong công tác quản lý, điều hành và giải quyết các chế độ, chính sách liên quan đến người lao động. Qua đó góp phần ổn định sản xuất, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao thu nhập cho người lao động và phát huy vai trò tổ chức công đoàn trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, trong bảo vệ quyền lợi người lao động. Việc tổ chức đối thoại tại nơi làm việc được các cấp công đoàn quan tâm chỉ đạo và diễn ra thường xuyên hơn. Số lượng doanh nghiệp tổ chức đối thoại định kỳ tăng về số lượng, chất lượng được nâng lên. Công đoàn tổ chức tập huấn, hướng dẫn lựa chọn thành viên tham gia đối thoại định kỳ, chuẩn bị các nội dung đối thoại từ các phòng, ban, phân xưởng… trực thuộc đơn vị. Việc tổ chức đối thoại, hội nghị người lao động đã giải quyết kịp thời những phát sinh trong quan hệ lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. 

Ông Trần Văn Việt - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Sóc Trăng, cho biết những năm gần đây công tác tiếp dân được thực hiện rất tốt, hàng tháng các huỵên có lịch tiếp dân; MTTQ, cơ quan Tư pháp, Chính quyền, các xã hàng tuần đều có ngày tiếp dân, từ đó các vụ việc phức tạp, phát sinh từ cơ sở được giải quyết rất kịp thời.

Về thời gian tới, ông Trần Văn Việt cũng đề nghị cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, tập trung chỉ đạo kiểm tra thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở ở các loại hình cơ sở, nhất là những ngành, lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân; tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả các văn bản pháp luật về Quy chế dân chủ ở cơ sở, trọng tâm là thực hiện Luật dân chủ cơ sở; chú trọng đối thoại với dân, thực hiện tốt phương châm “Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân kiểm tra, Dân giám sát, Dân thụ hưởng".  

Năm 2024, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh tiếp tục đạt được nhiều kết quả, tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đến cán bộ, công chức và các tầng lớp Nhân dân, từ đó đã tạo không khí dân chủ, đồng thuận trong xã hội, phát huy được vai trò của Nhân dân, tôn trọng quyền tham gia ý kiến của Nhân dân./.

 Hải An, Reng Xây, Văn Dô, Sa Phép

Tag:

QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online