QUYỂN VỞ GIẤY RƠM - LÊ QUANG TRẠNG (Lượt xem: 19766)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Cuộc thi " Viết về cánh đồng Quê Hương"

Cập nhật: 13/07/2017

Tuổi thơ ba quanh quẩn quanh cánh đồng nhà. Mấy ngày đầu ra trường huyện học, phải ở lại nhà người quen vì từ trường đến nhà đường xa. Mỗi đêm ôm gối ngủ mà nước mắt ba chảy ròng vì nhớ. Cảm giác nhớ ba nhớ mẹ và nhớ cả cánh đồng như những cọng rơm bay xa xa mà sao dửng dưng xa lạ

QUYỂN VỞ GIẤY RƠM - LÊ QUANG TRẠNG
Cánh đồng quê hương

 (Nguyên bản của tác giả)

Trong mớ sách vở của ba, có mấy quyển vở ngả màu vàng úa. Những nét chữ trẻ thơ như những góc rạ nằm trên cánh đồng là tờ giấy vàng theo năm tháng. Lật tới vài trang là thấy có một cọng rơm. Ba nói, những con chữ đầu đời của ba được gieo trên những quyển vở giấy rơm. Loại giấy vừa dày vừa nhám, đôi lúc còn dính lại nguyên liệu là những cọng rơm. Loại giấy mà khi đặt ngòi bút xuống viết đến đâu là cảm nhận được độ không bằng phẳng của giấy đến đó. Cầm cây viết viết lên những dòng chữ trên giấy mà như cầm cái lưỡi cày, cày những đường cày trên đồng ruộng hạn…

Mấy mươi năm rồi, thời của những trang vở rơm đã lùi vào ký ức. Những đứa trẻ lớn lên với những trang giấy mới, bằng phẳng, trắng phau, dòng kẽ ngay ngắn và đẹp đẽ. Ba cầm quyển vở mới của tôi trên tay, mắt ba như nói được bao điều. Những năm của tuổi thơ ba, ước mơ có được quyển vở trắng là một điều ước xa xôi và xa xỉ. Vậy nên những cọng rơm từ đồng, được người ta đem về chế biến thành những trang giấy rơm, rồi đóng thành tập bán cho những đứa học trò quê, bình dân, gieo ước mơ trên trang giấy vàng như gieo hạt lúa giống lên cánh đồng thơm mùi rơm rạ.

Mỗi lần lật lại những quyển vở giấy rơm, ba tôi lại nhớ về cánh đồng…

Nơi xa xa khói sương trong mắt ba là một cánh đồng. Trắng xóa khói rơm chiều bảng lảng, dần dần hiện ra một khung cảnh cũ mà thân quen, mùi rạ rơm và đất mới nồng lên sống mũi. Ông nội ở trần trùng trục cùng con trâu da đen xì bước từng bước trên đồng để lật đất lên thành những lối cày, những ngôi nhà của tụi dế mun dế lửa. Bà nội ngồi cậm cụi cắt cỏ bờ đê, ngó vào lòng thấy ước mơ mai này cánh đồng lúa trúng. Ba lùa bầy vịt cò đi ăn ở cánh đồng trên, ngồi ngó tụi vịt ngây thơ suốt ngày “cạp cạp”. Khung cảnh đó suốt một ngày với ba con người trên cánh đồng cùng làm từ sáng đến chiều thì vừa vặn đủ mua mớ quần áo trắng đến trường và mấy quyển vở rơm đến lớp.

Ba nói, những lúc đến trường nhớ đồng, nhớ đất. Ba cầm quyển vở rơm lên ngửi, mùi rơm đánh thức trong ba nơi xa xa có một đánh đồng, những cọng lúa sắp đến mùa oằn bông; những con chữ trên trang giấy như những cọng lúa cũng reo vui đón chờ mùa gặt sắp về.

Tuổi thơ ba quanh quẩn quanh cánh đồng nhà. Mấy ngày đầu ra trường huyện học, phải ở lại nhà người quen vì từ trường đến nhà đường xa. Mỗi đêm ôm gối ngủ mà nước mắt ba chảy ròng vì nhớ. Cảm giác nhớ ba nhớ mẹ và nhớ cả cánh đồng như những cọng rơm bay xa xa mà sao dửng dưng xa lạ. Lúc ấy ba lại lật những trang vở rơm ra xem, và mùi rạ rơm lại trở về thân quen, thôi thúc ba nắm lấy những kiến thức đầu đời; bỏ vào túi hành trang bằng những con chữ trên trang vở giấy rơm, đổi lấy từ mồ hôi nước mắt mẹ cha trên cánh đồng nhà.

Đã lâu rồi, ba xa cánh đồng, xây nhà trên phố. Đã lâu rồi không ai còn xài đến những cuốn vở giấy rơm vừa xấu vừa khó viết. Những nhắc nhớ về giấy rơm chìm vào mớ ký ức một thời kỳ khó khăn và thiếu thốn. Người ta bắt đầu đón nhận cái mới và giã từ cái cũ không chút gì luyến tiếc, ngậm ngùi. Tôi không tìm thấy bất cứ thứ gì của thời gian khó có hình ảnh ông bà nội và ba. Mớ ký ức đó chỉ hiện ra trong những lời kể mà tôi là người hình dung, vẽ ra và sắp xếp lại theo góc nhìn của đứa trẻ thời hiện đại. Ba và ông bà nội cũng thấy những năm tháng qua từ từ xa xa mờ mờ như có một lằn khói chắn ngang muốn thấy phải vén tìm trong hồi tưởng. Nhưng rồi hôm nọ, ba lấy từ trong tủ ra mấy quyển vở rơm ngã màu. Những cọng rơm còn sót lại đâu đó trong trang viết. Những chữ cái nắn nót năm nào nằm vẹn nguyên nới đó đánh thức bao ký ức trong ba. Trước mắt tôi mênh mông một cánh đồng, mùi rạ rơm không ngửi thấy mà sao nghe thân quen rất lạ.

Và cứ thế, mãi đến sau này, mỗi lần cầm quyển vở trắng tinh trên tay là tôi lại nhớ về những quyển vở giấy rơm của ba. Những quyển vở mang hơi thở của cánh đồng, có cọng rơm vô tình sót lại mà như hữu tình nhắc nhớ con người về một cánh đồng xa. Tôi - đứa trẻ không biết mùi vị cánh đồng; mỗi lần cầm quyển vở trắng trong tay lòng lại bồi bồi nhớ về những trang vở của ba như một sợi dây truyền cảm từ cánh đồng đến con chữ i tờ mà tôi đang cầm nắm để đi về phía trước: Tương lai.

 

 LÊ QUANG TRẠNG

Số nhà 24, Tỉnh lộ 942, ấp Thị 2, Thị trấn Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang

 


TIN LIÊN QUAN

QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online