Quê hương tuổi thơ tôi (Lượt xem: 2654)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Cuộc thi " Viết về cánh đồng Quê Hương"

Cập nhật: 28/11/2016

Tôi sinh ra ở một vùng quê yên bình, mọi người sống với nhau chân thành, đầy ắp tình làng nghĩa xóm. Trước đây, mọi thứ ở đây đều rất đơn sơ, không điện, không lộ nhựa, chỉ có một con sông nhỏ và một con đường đất với những hàng bần, hàng mắm ven sông.

Quê hương tuổi thơ tôi
Quê hương tuổi thơ tôi

 (Nguyên bản của tác giả)

          Tôi sinh ra ở một vùng quê yên bình, mọi người sống với nhau chân thành, đầy ắp tình làng nghĩa xóm. Trước đây, mọi thứ ở đây đều rất đơn sơ, không điện, không lộ nhựa, chỉ có một con sông nhỏ và một con đường đất với những hàng bần, hàng mắm ven sông. Mỗi buổi chiều mọi người cùng quây quần lại bên khoảng sân rộng ở nhà nội tôi để đờn ca tài tử, uống trà và trò chuyện cùng nhau. Ông còn kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện khi đất nước còn chiến tranh, ông tham gia du kích và mọi người ở đây đã kiên cường chống giặc như thế nào. Những bác vui tính còn kể những câu chuyện “Bác ba Phi”, “nói dóc” để chọc cười chúng tôi,…

Cũng giống như tất cả những người con sinh ra ở một vùng quê nghèo khó, cuộc sống của tôi, kỷ niệm của tôi, tuổi thơ của tôi gắn liền với cánh đồng lúa bao la, bạt ngàn. Quê tôi nằm ở vùng nước mặn, trong năm chỉ trồng được duy nhất một vụ lúa nên mỗi lần chuẩn bị trồng lúa là cả vùng nhộn nhịp, vui như mở hội. Những cơn mưa đầu mùa kéo đến, các chú các bác bắt đầu cày ruộng, làm đất để chuẩn bị bắt đầu một vụ mùa mới. Người lớn thì ra đồng làm việc, bọn trẻ con chúng tôi cũng lon ton chạy theo lội xuống ruộng mò cua bắt ốc lấm lem cả mặt mũi chân tay. Khi cha ủ những hạt giống thì chúng tôi là người sốt ruột và hồi hộp hơn ai hết, cứ thỉnh thoảng lại mở tấm bạt phủ xem những hạt giống đã lớn được bao nhiêu. Và lúc nào lén xem cũng bị cha la nhưng tò mò quá nên cứ lén xem hoài. “Con nít mà!” Nhìn thấy những mầm trắng bé tí nhú ra rồi từ từ phát triển thì thích thú lắm đấy. Đến ngày, những hạt giống được cha đem đi gieo, chỉ vài ngày sau những cây lúa non đã mọc lên là dần dần phủ xanh cả cánh đồng. Chỉ cần 1 tuần không ra đồng thì đã thấy khác, những cây lúa non đã cứng cáp, cao hơn và xanh um.

Vài tuần sau, những cây lúa đã khỏe, phát triển mạnh thì mọi người bắt đầu ra đồng giặm lúa. Nghe cha mẹ nói đi giặm lúa tôi có một thắc mắc to đùng và thế là hỏi ngay mẹ: “Lúa đang tốt như vậy, mẹ giậm rồi nó xẹp xuống, nó chết hết rồi sao?” Mẹ chỉ biết phì cười vì câu hỏi ngớ ngẩn của tôi, mẹ gọi tôi cùng ra ruộng để xem mẹ giặm lúa là như thế nào. Tôi ngoan ngoãn đi theo ba mẹ. Nhìn cha mẹ thoăn thoắt nhổ những cây lúa ở chỗ mọc dày đem trồng ở những chỗ lúa trống tôi mới hiểu như thế nào gọi là giặm lúa.

Bạn có bao giờ đứng trước một cánh đồng lúa vào buổi sáng chưa? Tôi thích nhất là cùng cha đi thăm ruộng vào buổi sáng, nhìn những giọt sương long lanh còn đọng trên những lá non rồi hít thở không khí trong lành. Cảm nhận mùi thơm của đất, của lúa, bạn sẽ cảm thấy một cảm giác bình yên đến lạ. Đặc biệt là khi lúa bắt đầu làm đòng thì mùi thơm của lúa càng rõ rệt và mùi hương đó không thể lẫn đâu được, đi từ xa đã có thể cảm nhận được. Trẻ con chúng tôi rất thích ăn đòng đòng vì nó có vị ngọt lại thơm. Vì thế chúng tôi thường lén cha mẹ ra ruộng “trộm” những ngọn đòng đòng non nhất to nhất để ăn, và tất nhiên khi bị phát hiện thì cả đám bị một trận no đòn, dù biết sẽ bị la, bị đánh đòn nhưng chúng tôi vẫn thực hiện “phi vụ” của mình vì không thể cưỡng lại được mùi vị của những ngọn đòng đòng thơm ngon được và cái cảm giác vừa ăn vừa nhìn quanh sợ bị phát hiện thú vị vô cùng.

Những bông lúa trổ ra rồi bắt đầu ngậm sữa, hấp thụ tinh hoa của đất trời để tạo thành hạt ngọc để nuôi sống con người. Những hạt lúa no tròn lên từng ngày, trĩu hạt, chắt hạt như là phần thưởng, là lời cảm ơn đến những người nông dân đã chăm sóc vun trồng. Những hạt lúa bắt đầu chín, cả cánh đồng dần dần chuyển từ màu xanh sang vàng. Lúa đã chín đều, mọi người bắt đầu ra đồng để cắt lúa đem về nhà. Đây là thời điểm vui nhất của cả xóm, mọi người cùng ra đồng, ở mỗi ruộng, những người phụ nữ đứng thành hàng ngang tay cầm lưỡi hái thoăn thoắt cắt những cây lúa, còn những chú, bác và các thanh niên khỏe mạnh ôm những bó lúa to lên bờ và chất thành đống ngay ngắn.

Chúng tôi cũng tham gia giúp mọi người, lăng xăng chạy xuống ôm lúa và để ngay ngắn như mọi người. Làm việc mệt nhưng trên đồng không bao giờ ngớt tiếng cười đùa vì ai cũng vui. Khi mọi người đã xong việc ngồi nghỉ mệt thì công việc của chúng tôi chính thức bắt đầu, chúng tôi chia nhóm đi khắp cánh đồng để “mót lúa”, nhặt những bông lúa còn sót lại sau đó gom lại và cả bọn cùng ngồi đợi ghe sương sáo, bánh lọt đến để đổi. Đứa nào cũng rất vui. Các chú, bác nghỉ mệt xong lại bắt đầu “dàn trận” rượt bắt những con chuột đồng mập mạp sống trong ruộng lúa. Trong lúc đợi ghe sương sáo thì chúng tôi cũng tham gia cùng mọi người. Các anh dùng gốc rạ đốt để hun khói vào hang, những con chuột phải chạy ra thì bên ngoài đã có người đợi sẵn để rượt bắt, những chú chó cũng lăng xăng nhảy cẩng lên bên ngoài cửa hang, thế là hôm đó có một bữa thịt chuột chiên ngon lành để kết thúc một ngày mệt nhoài.

Đến ngày suốt lúa, những cái máy suốt thủ công được đưa đến, mọi người lại ra đồng. Người thì ôm lúa, ngươi thì cầm bao, người thì vác lúa về phơi luôn chân luôn tay và rất nhộn nhịp. Lúc bấy giờ thì trên cả cánh đồng chỉ còn những gốc rạ lởm chởm và những đống rơm, chúng tôi được tha hồ chơi. Nào là đá bóng, nào là thả diều, nào là trốn tìm. Có lẽ thú vị nhất là trò trốn tìm, những đống rơm là chỗ trốn lý tưởng, chúng tôi khéo léo làm những cái hang trong đống rơm và trốn ở đấy. Đối với tôi đó là những trò chơi tuyệt vời nhất.

          Giờ đây, tôi đã lớn, có công việc ổn định, quê tôi cũng không còn trồng lúa như trước nhưng mỗi lần trở về tôi lại nhớ về cánh đồng lúa bạt ngàn và những kỷ niệm bình yên lúc còn thơ bé. Những lúc mệt mỏi chỉ cần nhớ về quê hương, nhớ về cánh đồng và những kỷ niệm thì bất giác sẽ mỉm cười vì mọi muộn phiền đều tan biến. Có thể nói cánh đồng quê hương là nơi chốn bình yên trong tâm hồn nhất trong lòng tôi và trong lòng những ai đã từng lớn lên ở nơi đây...

 

Họ và tên: Lâm Thị Thanh Thoảng

Đơn vị: Trường Cao đẳng Sư phạm Sóc Trăng

Địa chỉ: Phòng 14A, Ký túc xá Cao đẳng Sư phạm Sóc Trăng

 


TIN LIÊN QUAN

QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online