Phản biện sẽ góp phần ổn định các chủ trương chính sách. (Lượt xem: 1878)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Pháp luật - Cải cách hành chính >> Pháp luật và cuộc sống

Cập nhật: 31/10/2016

Thời gian qua, hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng đạt được nhiều kết quả, nhất là trong thực hiện các quy định về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Với hoạt động này, việc thực hiện giám sát thông qua Ban Thanh tra Nhân dân tại các cơ quan, đơn vị và cấp xã, từ đó phát hiện những sai sót, yếu kém và kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền khắc phục, từng bước nâng cao nhận thức xã hội trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật.

Phản biện sẽ góp phần ổn định các chủ trương chính sách.
Hội nghị giám sát việc thực hiện công tác phòng chống tham nhũng ở cơ sở.

         Giám sát và phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ và các tổ chức đoàn thể. Trong đó, giám sát đã được quy định trong Hiến pháp 1992 và trong nhiều văn kiện của Đảng, văn bản pháp luật của Nhà nước. Còn phản biện xã hội là chức năng mới được xác định trong các văn bản hiện hành. Yêu cầu đặt ra đối với hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức đoàn thể là rất lớn. Trong đó, hoạt động giám sát chủ yếu dựa trên 3 hình thức là tham gia giám sát với cơ quan quyền lực Nhà nước, vận động nhân dân giám sát và tự giám sát. Thực tế những năm qua, MTTQ và đoàn thể các cấp tỉnh Sóc Trăng luôn chủ động thực hiện vai trò giám sát thông qua việc tham gia với Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND tỉnh giám sát việc chấp hành và thực hiện pháp luật trên các lĩnh vực của đời sống xã hội và nhiều hoạt động khác, như cùng với người dân thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động Ban Thanh tra Nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng ở xã, phường, tổng hợp kiến nghị của nhân dân để phản ánh cho các cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý. Tổ chức lấy phiếu tín nhiệm các chức vụ chủ chốt cấp xã. Giám sát công tác bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp; tổ chức các đoàn giám sát việc chấp hành thực hiện pháp luật ở một số cơ quan, đơn vị; việc giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân… Qua đó, đã góp ý, kiến nghị cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân khắc phục các hạn chế thiếu sót trong công tác điều hành, quản lý Nhà nước và việc chấp hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng lãng phí.

Với đoàn thể và các tổ chức thành viên của MTTQ, mà nhất là với Hội CCB, công tác giám sát, phản biện khi thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng càng rõ nét hơn. Theo Quyết định số 217 của Bộ Chính trị về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của các đoàn thể chính trị - xã hội” và Quyết định số 218 “Quy định về các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”, năm qua, Hội CCB các cấp trong tỉnh đã tổ chức quán triệt, học tập các quy định của Quyết định 217, 218 thông qua đó, từng hội viên đã nhận thức được trách nhiệm trong thực hiện các Quyết định này, xác định rõ hơn về chức năng giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. Với Hội CCB huyện Trần Đề, những năm qua, Hội đã tập trung giám sát các nội dung liên quan đến thực hiện một số chính sách về bảo hiểm y tế, giải quyết việc làm đối với CCB, Cựu quân nhân, giải quyết các chế độ chính sách theo Quyết định 290, 62… của Thủ tướng Chính phủ. Qua giám sát đã nắm bắt được tình hình và giải thích, giải quyết kịp thời những tâm tư nguyện vọng, những vướng mắc của các đối tượng chính sách, hội viên CCB và nhân dân. Ngoài ra cùng với việc triển khai các hoạt động giám sát, Hội CCB huyện còn tham gia phản biện đối với việc xây dựng dự thảo các văn bản về phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, qua đó kịp thời phản ánh, đề xuất để góp phần đảm bảo các chủ trương phù hợp với điều kiện phát triển tại cơ sở.  Ông Trần Hồng Ứng, Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Trần Đề, cho biết: “Thực tế trong công tác phản biện xã hội, chúng tôi có những khó khăn do còn hạn chế và chưa am hiểu về lĩnh vực cần phải có ý kiến phản biện xã hội. Chỉ có những vấn đề, chính sách của địa phương đưa ra để phản biện như: Công trình hạ tầng nông thôn này xây dựng như vậy là đạt chuẩn chưa? Có đảm bảo yếu tố môi trường không?... Những nội dung như thế thì hội viên biết và có thể tham gia phản biện được, còn những nội dung khác cao hơn, những công trình lớn hơn thì việc phản biện của chúng tôi còn có những hạn chế nhất định”.

 

 

Tổ chức MTTQ và đoàn thể tham gia giám sát thực hành chống lãng phí, tham nhũng ở cơ sở

Liên đoàn Lao động tỉnh Sóc Trăng cũng đóng vai trò rất lớn trong phản biện và giám sát việc thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng. Đây là tổ chức có cơ sở hoạt động rộng khắp, chặt chẽ và hoạt động trên nhiều lĩnh vực, những năm qua Công đoàn các cấp đã tham gia rất tích cực vào hoạt động giám sát và phản biện xã hội. Tuy vẫn còn những hạn chế nhất định, nhưng hoạt động rộng khắp và trên hầu hết các lĩnh vực lao động, đời sống nên công tác giám sát và phản biện xã hội trong phòng, chống tham nhũng đã có hiệu quả và từng bước đi vào chiều sâu.

Trong thực hiện các quy định về phòng, chống tham nhũng, với LĐLĐ, bên cạnh việc công khai minh bạch về tài chính, thì các khoản thu- chi, hỗ trợ, đóng góp cũng được công khai minh bạch tại từng đơn vị cơ sở, các hoạt động khác như kiểm tra, giám sát cũng rất được chú trọng, trong đó mỗi tháng, mỗi quý, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của Liên đoàn đều tiến hành kiểm tra, phối hợp các hoạt động phòng, chống tham nhũng khá sâu sát, tạo niềm tin trong cơ quan đơn vị và người lao động. Ông Trang Phước, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Mỗi năm, đơn vị tôi đều củng cố Ban Chỉ đạo PCTN và các hoạt động như giám sát, kiểm tra về PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thực hiện tốt quy chế dân chủ trong cơ quan và luôn đảm bảo công khai, minh bạch các hoạt động để khuyến khích đội ngũ cán bộ tham gia phát hiện hành vi tham nhũng, lãng phí tại cơ quan”.

Những năm qua, khi thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh, đã tích cực tham gia góp ý, phản biện xã hội đối với nhiều dự thảo Luật, các chế độ, chính sách, Chỉ thị, Nghị quyết các cấp, có thể nói, đây mới chỉ là những kết quả bước đầu nhưng đã thể hiện được vai trò, trách nhiệm của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm giúp cấp uỷ đảng lãnh đạo, chỉ đạo sát với tình hình của địa phương, đồng thời chính quyền các cấp quản lý, điều hành hoạt động được tốt hơn. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, việc giám sát và phản biện xã hội của các đoàn thể chính trị - xã hội vẫn còn khá mới mẻ, do đó trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, có lúc còn lúng túng trong tổ chức giám sát và phản biện, cho nên định hướng tới Ủy ban MTTQ tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, bên cạnh đó là nâng cao năng lực phản biện cho các đoàn thể chính trị xã hội, qua đó nâng cao dần chất lượng giám sát và phản biện xã hội, để thực sự đáp ứng được yêu cầu, nhất là trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Ông Trương Phước Thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, nhấn mạnh: “Thời gian tới, MTTQ sẽ tăng cường công tác phối hợp với các ngành, tăng cường hoạt động giám sát, tạo điều kiện để người dân và các đoàn thể, tổ chức thành viên thực hiện quyền giám sát, phản biện, phòng chống tham nhũng, đặc biệt là giám sát việc công khai minh bạch các nguồn qũy, kinh phí, thu nhập cá nhân của CBCC, qua đó tổng hợp để hoàn thiện hơn hoạt động giám sát, phản biện của Mặt trận và các tổ chức thành viên”.

Hội nghị đánh giá công tác giám sát phòng chống tham nhũng cấp huyện

Với những kết quả bước đầu cũng như những bất cập, hạn chế nhất định trong giám sát và phản biện xã hội, năm 2016 và những năm tiếp sau, dự kiến Ủy ban MTTQ tỉnh sẽ trình Tỉnh ủy, Ủy ban Trung ương MTTQ những chương trình kế hoạch cụ thể hơn, trong đó chú trọng bổ sung nội dung hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, cải cách hành chính, phát huy dân chủ ở cơ sở và tăng cường giám sát xã hội để phòng, chống tham nhũng, lãng phí hiệu quả. Ngoài ra, các đoàn thể chính trị xã hội cũng tăng cường giám sát việc thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình xã hội, đó cũng là cách thiết thực nhất tăng cường dân chủ và trách nhiệm giám sát xã hội của các tổ chức này./.

Quang Nhuần

 


QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online