Nôn nao tiếng ếch - Cao Văn Quyền (Lượt xem: 3959)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Cuộc thi " Viết về cánh đồng Quê Hương"

Cập nhật: 05/07/2017

Tôi trở về thăm quê vào mùa mưa, mùa ếch đồng râm ran. Con đường làng qua đồng bị ngăn cách bởi dòng nước chảy xiết. Xe không thể vào tận nhà được. Tôi phải đi bộ băng qua đồng rồi nhờ xuồng dân chèo vào. Đạp chân lên gốc rạ, bỗng tôi mang máng nhớ đến sinh vật bé nhỏ quen thuộc. Lúc lên xuồng tôi bất giác hỏi bác nông dân: “Quê bây giờ có còn nhiều ếch không bác

Nôn nao tiếng ếch - Cao Văn Quyền
Nôn nao tiếng ếch

(Nguyên bản của tác giả)

          “Ôi, lại mưa rồi à? Mưa xuống thì chán chết đi được ấy!”, không ít lần tôi thấy nhiều người than như vậy. Nhưng tôi thì lại rất thích mưa, cực thích là đằng khác. Bởi chỉ có mùa mưa mới có mùa ếch.

Sau đợt mưa mùa hạ trút xuống, ếch kêu râm ran không ngớt. Lúc bấy giờ chẳng có tiếng gì khác ngoài tiếng ếch kêu ộp oạp. Âm thanh ấy, như thôi thúc, “là cục nam châm” hút về sự háo hức tò mò trong đám trẻ con ở làng chúng tôi.

Một cuộc hẹn nhanh chóng được xẩy ra cho sự kiện trọng đại trong mùa: “Đi săn ếch”. Sau khi đã hẹn địa điểm, giờ giấc, từng nhóm, từng nhóm tản ra đi kiếm những chiếc lốp xe đạp, xe máy hư. Đó là thứ ánh sáng duy nhất và không mất đồng nào để chúng tôi làm đuốc soi ếch. Buổi cơm tối vừa dứt, đứa nào đứa nấy, tay nghề đầy đủ: giỏ mây giắt ngang thắt lưng, tay trái cầm đuốc, còn tay phải cầm vợt. Không khác một thợ săn chuyên nghiệp là bao. Ra tới đồng, nhằm nơi nào tiếng ếch kêu lớn nhất là chúng tôi đi tới, lũ ếch đồng hễ thấy ánh sáng liền chui ra giương đôi mắt ngó nghiêng, tò mò quên cả cảnh giác. Chỉ chờ có thế, chúng tôi nhanh lẹ vợt chúng vào giỏ. 

Bọn trẻ chúng tôi đi săn ếch phần vì không cưỡng nỗi những món ngon từ thịt ếch. Này là cháo ếch ngọt lừ, ếch xào măng lẫn cay ăn đưa cơm hết xẩy, rồi thì ếch nướng sả ớt… Chỉ cần nhắc tới thôi, đứa nào đứa nấy xuýt xoay bảo đừng có kể nữa, kẻo không chịu nổi cơn thèm.  Có đứa đi săn ếch về bán lấy tiền bỏ ống lợn, tới ngày khai giảng mổ ra mua áo mới, cặp sách. Còn với tôi, ngoài hai điều trên còn thêm một lý do nữa, đi săn ếch hệt như một… trò chơi thú vị. Tôi thích được chinh phục những chú ếch. Mỗi buổi tối, cầm giỏ ếch đầy ụ, trước sự ngưỡng mộ của đám bạn tôi lại thấy sướng râm ran trong lòng. Việc săn ếch cho tôi những trải nghiệm mới mẻ như cách xử lý, “dụ” ếch ra sao để chúng “mê hoặc” cho dễ bắt. Đi săn ếch cũng giup tôi kỷ luật được tính kiên nhẫn. Tôi nhớ những pha “vồ ếch” đau ê ẩm cũng vì tính hậu đậu. Mặt mũi, người ngợm nhem nhuốc trông đến là buồn cười. Tôi tưởng tượng mình là một chú hề trong một vở kịch đó đây đã từng xem. Và chú hề ấy, bị lũ bạn chọc quê, “xả” ra một tràng cười khoái chí dài vô tận. Đó là kỷ niệm tuổi thơ “ngọt ngào” mà tôi chẳng thể nào quên.

Những ngày ốm lay ốm lắt không đi săn ếch với tụi bạn được lại thấy nhớ khôn xiết. Nhất nữa trùng những đêm trăng mùa hạ. Âm thanh gần gũi thân thuộc ấy gợi lên những vẻ đẹp bình dị của miền quê. Không săn ếch được nhưng tôi vẫn được lũ bạn xúm lại cho một xâu ếch to để mẹ nấu cháo. Chúng nó bảo, thấy tôi ốm cũng không đành, ăn một mình nhớ bạn không nỡ không sẻ chia. Tình bạn chúng tôi, thân kiểu “con chấy cắn đôi”, có cái gì cũng san sẻ cho nhau mà không sợ thiệt hơn. Tình bạn thuở thiếu thời sâu sắc, chân tình hiếm mà thấy trong những mối quan hệ bạn bè ở thời đại này.

Mỗi mua săn ếch ba tôi lại làm cho tôi một chiếc trống ếch. Ba chọn con lớn nhất, lột da, phơi phô để bịt vào lon sữa bò. Ba khéo tay còn phết sơn xanh đỏ tô điểm thêm cho chiếc trống nổi bật, trông rất đẹp. Âm thanh của trống ếch không vang vọng như trống da bò mà trầm đục. Mỗi dịp trung thu tôi lại mang trống hòa cùng với hội vui với lũ bạn. Âm thanh ấy theo tôi mãi cho đến tận bây giờ. Thi thoảng hồi tưởng về ký ức xưa tôi lại điện thoại cho ba, tỉ tê về chuyện cũ. Ba cười nắc nẻ bảo, khi nào lấy vợ có cháu ông sẽ làm cho chúng những chiếc trống ếch. Những khoảnh khắc ấy tôi thấy mình hạnh phúc gì đâu. Lại cười như ngây như dại, thấy mình thật may mắn khi sống trong mái ấm gia đình ba mẹ ngọt ngào yêu thương.

Tôi trở về thăm quê vào mùa mưa, mùa ếch đồng râm ran. Con đường làng qua đồng bị ngăn cách bởi dòng nước chảy xiết. Xe không thể vào tận nhà được. Tôi phải đi bộ băng qua đồng rồi nhờ xuồng dân chèo vào. Đạp chân lên gốc rạ, bỗng tôi mang máng nhớ đến sinh vật bé nhỏ quen thuộc. Lúc lên xuồng tôi bất giác hỏi bác nông dân: “Quê bây giờ có còn nhiều ếch không bác?”. Bác cười hiền hậu: “Có lẽ cháu đi xa mới về đúng không? Đồng quê giờ người ta dùng nhiều thuốc trừ sâu, nên muốn tìm được ếch nhái cũng khó”. Sau cơn mưa đêm. Tôi vẫn nằm bên khung cửa sổ năm nào. Cảm giác thanh vắng bao trùm. Tiếng ếch nhái xưa kia đâu rồi? Trong cơn mộng mị, tôi thấy mình lang bạt giữa cánh đồng quê với thứ âm thanh hồn nhiên thánh thiện.

Cao Văn Quyền

Địa chỉ: Thôn 7, Quỳnh Trang, Hoàng Mai, Nghệ An.

 

 


TIN LIÊN QUAN

QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online