Nhớ lắm ếch ơi (Lượt xem: 1573)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Cuộc thi " Viết về cánh đồng Quê Hương"

Cập nhật: 15/12/2016

Quê tôi bốn bề ruộng đồng nước ngập quanh năm, nên cá lươn, ếch nhái đầy đồng. Thuở còn bé, tôi thường theo ba và cậu đi soi ếch đêm. Thấy tôi còn nhỏ, sợ bị té mương nên mẹ thường không cho đi.

Nhớ lắm ếch ơi
Nhớ lắm ếch ơi

(Nguyên bản của tác giả) 

Quê tôi bốn bề ruộng đồng nước ngập quanh năm, nên cá lươn, ếch nhái đầy đồng. Thuở còn bé, tôi thường theo ba và cậu đi soi ếch đêm. Thấy tôi còn nhỏ, sợ bị té mương nên mẹ thường không cho đi. Mỗi lần như thế, tôi đều mếu máo, năn nỉ cho đến khi được đi thì thôi. Nói là đi soi cho oai chứ nhiệm vụ của tôi chỉ cầm giỏ, khi nào cậu vợt được ếch thì chìa giỏ ra để bỏ vô. Được phân công nhiệm vụ nhỏ nhặt ấy nhưng tôi cũng cảm thấy sung sướng và tự hào lắm rồi. Chiếc giỏ ông ngoại tôi đan bằng tre, hong khói bếp cả năm trời nên đen nhánh, bền chắc lắm.

Mùa mưa, khi đêm xuống cũng là lúc những con ếch béo vàng, cặp đùi căng tròn ra khỏi hang làm thiên chức duy trì nòi giống. "Ếch chết tại miệng" nên vừa đi ba và cậu tôi vừa nghe, hễ nơi nào có tiếng "ộp...ộp" là rọi đèn đến. Tội nghiệp, những con ếch đực chưa kịp tìm bạn tình hay chuẩn bị quấn vào nhau đã bị ba và cậu cháu tôi bắt. Nhiều con ếch khôn ranh, thoát bao nhiêu tay soi ếch nhưng đều chịu thất thủ trước tài nghệ của cậu tôi. Thời đó chưa có bình ắc-quy hay đèn pin như bây giờ, cậu tôi thường dùng đuốc, đèn dầu hay đốt vỏ xe đạp để đi soi. Cái mùi hăng hắc, khen khét pha lẫn với mùi lúa, cây cỏ, đồng ruộng đã đi vào ký ức tuổi thơ tôi, chẳng bao giờ quên được.

Mỗi lúc đi soi ếch về, mẹ thường lựa những con to nhất đưa ra chợ bán lấy tiền đong gạo, còn lại thì làm đủ các món xào lá lốt, xào sả ớt, ếch nấu mẻ… Được thưởng thức thường xuyên nhưng tôi chẳng hề ngán mà cứ nghĩ chẳng có món nào trên đời lại ngon như ếch đồng xào lá lốt, ếch xào sả ớt... Thương thằng "đệ tử" có công xách giỏ, lội sìn lầy hì hụt suốt đêm, cậu và ba tôi thường gắp cho tôi những miếng đùi trắng lớp, ăn ngon ngọt nhức tận chân răng.

Đêm khuya, tiếng ếch nhái gọi bạn tình râm ran cả vùng quê nghèo. Có hôm bất chợt tỉnh giấc nửa đêm, âm thanh ấy nghe vui tai đến lạ khiến tôi quên cả giấc ngủ. Sáng sớm, trước lúc đánh trâu ra đồng chăn thả, tôi và mấy đứa nhỏ trong xóm đã chuẩn bị đầy đủ nào lưỡi câu móc, cần câu, mồi để bắt ếch. Đồng mới gặt, những gốc rạ lú nhú chồi non, cỏ trên bờ đê xanh mơn mởn nên trâu bò tha hồ ăn no nê, tụi nhóc chúng tôi không phải lo canh giữ, cứ mặc sức bày trò nấu nướng, quậy phá.

Thời gian trôi qua, tiếng ếch kêu rộn rã, khắc khoải năm nào như chìm dần vào quá khứ. Những cánh đồng phẳng phiu, thẳng cánh cò bay, bây giờ như chiếc áo rách, vá đụp vá chằng trông đến thảm thương. Nhà cửa, quán xá mọc lung tung, lấn ra cả những thửa ruộng phì nhiêu, bao đời cho hạt lúa vàng, thơm ngon. Có nơi người ta cho máy cẩu, xe ben hoạt động ì xèo, ủi múc thành từng vũng để lấy đất làm gạch, đổ nền nhà. Lạ lùng thay, có những quán nhậu, cà phê chòi lại mọc ngay giữa cánh đồng lúa xanh mơn mởn. Tiếng cụng ly inh ỏi, tiếng nhạc giật ầm ầm, những cậu ấm cô chiêu, tóc xanh đỏ, thuốc ngậm phì phèo ra vào quán đông như đi xem hội.

Bây giờ về quê, muốn ăn món ếch đồng xào lá lốt, xào sả ớt phải đặt ba bốn ngày mới có hàng. Mà cũng chưa chắc là ếch đồng, bởi giờ toàn ếch nuôi, cho ăn cám bột công nghiệp, thịt nhão bở, chẳng có mùi vị gì. Đêm khuya thanh vắng, muốn nghe lắm một tiếng dế gáy, ếch kêu, cái âm thanh chộn rộn đặc thù vùng quê mà khó khăn biết chừng nào.

Có những giá trị thiên nhiên đang dần biến mất bởi sự "hiện đại", vô tình và nhẫn tâm của con người. Rồi đây những đứa trẻ lớn lên, khờ khạo trước những trò chơi thôn dã, chẳng chịu học hành, suốt ngày cắm đầu vào máy tính chơi game, trả giá cho những trò điện tử vô bổ, độc hại. Ngày trước mọi nhà chả phải đóng cửa, xe cộ, nồi niêu cứ vứt chỏng chơ nhưng chẳng bao giờ mất. Ấy vậy mà bây giờ, đến đứa trẻ chín, mười tuổi đã biết trộm vặt, bắt gà, lừa gạt người lớn để có tiền chơi game. Mấy năm trở lại đây, cái "chết trắng" len lỏi về các vùng quê nghèo, tàn phá những mảnh đời non trẻ. Còn đâu nữa tiếng sáo vi vu trên đồng, những trò chơi tinh nghịch, nụ cười vô tư, trong sáng của lũ trẻ mục đồng.

Những ngày cuối năm này, chuyến xe đi công tác trên đường về quê hương Thạnh Trị. Sương sớm còn giăng kín trời, hơi lạnh phả vào mặt khiến người con xa quê lâu ngày rúm người trong chiếc áo mỏng manh. Trên cánh đồng xa thẳm, những đụn khói bay là đà, mờ ảo. Cố nheo mắt kiếm tìm, lục lọi trong kí ức thẳm sâu, nhưng cảnh cũ người xưa đâu còn. Bên cánh đồng lố nhố những kiến trúc hỗn tạp, tôi chợt thèm nghe một tiếng kêu rộn ràng, da diết gọi bạn tình của loài lưỡng cư thủ phận, hiền lành mà khó làm sao.

Có lẽ từ lâu, tiếng kêu ấy đã lịm dần trong kẽ đất. Nhớ lắm ếch ơi!...

 Họ và tên: LƯU HỒNG TÀI

Địa chỉ: Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, số 5, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.

 


TIN LIÊN QUAN

QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online