MÙA GẶT - LÝ THỊ MINH CHÂU (Lượt xem: 3590)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Cuộc thi " Viết về cánh đồng Quê Hương"

Cập nhật: 04/07/2017

Cánh đồng như dải lụa vàng sóng sánh giờ chỉ còn trơ gốc rạ lởm chởm gai nhọn chỉ thích thú cho đám cò nhặt ốc, bắt châu chấu, cào cào. Tiếng rích ri của chim sẻ cũng không còn bởi lúa đã về sân để lại nỗi buồn hiu hắt cho cánh đồng sau mùa tàn lụi.

MÙA GẶT - LÝ THỊ MINH CHÂU
Mùa gặt

  (Nguyên bản của tác giả)

Chạy đua với mặt trời để kịp gặt xong thửa ruộng trước khi cái nóng như lửa từ ông ấy đổ xối xả xuống tấm lưng gầy của mẹ tôi, của những người dân quê vốn quen với bùn sình, mưa nắng. Cái nóng ấy không dịu dàng như nắng giêng hai, không ngọt như hương bưởi đầu mùa bởi cánh đồng đã được người ta tháo nước trước khi gặt, đập. Nóng từ trên trời, nóng từ mặt đất làm cho nụ cười cũng khô quéo dẫu đang được mùa.

Trên đồng toàn là nón lá và nón lá, nó che mát cho cả đàn ông lẫn đàn bà. Với tay liềm thoăn thoắt các mẹ, các chị gặt đến đâu xếp gọn lại đến đó, đàn ông chỉ việc mang dây nhợ và cây đòn xóc đến bó lại rồi gánh đi.

Cánh đồng như dải lụa vàng sóng sánh giờ chỉ còn trơ gốc rạ lởm chởm gai nhọn chỉ thích thú cho đám cò nhặt ốc, bắt châu chấu, cào cào. Tiếng rích ri của chim sẻ cũng không còn bởi lúa đã về sân để lại nỗi buồn hiu hắt cho cánh đồng sau mùa tàn lụi.

Đêm dụi đầu vào rạ rơm ngủ vùi chỉ bật thức khi đàn gà tới xới tung mọi thứ lên bởi ở đó có nhiều thứ cám dỗ như mối, như trùn. Rơm làm ấm vùng đất mà nó ôm ấp nên cũng khá quyến rũ với loài gián nâu, bọ xít có mùi hôi của ẩm mốc và cáu bẩn của chây lười. Đàn bò cũng nhân cơ hội tới nhâm nhi những cọng rơm ngọt lừ mà mới hôm qua thôi có thèm đến líu lưỡi chúng cũng không dám bén mảng tới gần.

     Bọn trẻ cũng lăng xăng chạy lui chạy tới hẳn vì lũ muồm muỗm mập ú hay những con cua đồng béo bụ không biết chui nhủi vào đâu. Đó là lúc tiếng cười tiếng gọi nhau í ới của bọn trẻ giăng kín mặt đồng. Chúng chạy khắp ruộng, tay cầm đụt, cầm vợt để đè bắt những con cào cào lúa mập ú. Cào cào lúa khá to, da màu vàng pha xanh, cặp chân sau rất khoẻ, đùi có nhiều thịt, chúng sinh sống thành bầy đàn ở các bãi cỏ hoang hay đồng lúa. Bắt cào cào lúa về nhốt trong giỏ lưới chờ cho chúng thải hết phân rồi mới nhận nước cho chúng chết. Cắt bỏ cánh, bỏ ruột, các chân trước, chân sau chừa lại đùi rồi ngâm nước muối sau đó rửa lại bằng nước sạch, vớt ra rổ cho ráo.

Bắt chảo lên bếp, cho dầu ăn hay mỡ vào, đợi dầu nóng già cho hành tím và tỏi đập dập vào phi thơm. Khi hành tỏi vừa chín vàng thì cho cào cào cùng lá chanh, gừng hay sả vào. Nêm dầu hào, đường, bột ngọt và một ít nước mắm ngon. Cào cào lúa ăn rất thơm và ngọt, thịt ngon như thịt tôm nên mới có cái tên rất ấn tượng là “ tôm bay ”.

Khi mà không còn gì che chắn những bụi rau dại xanh mướt đành chường mặt ra nhìn đám trẻ như cố van nài. Rau dệu, tàu bay, rau  má, nút áo là món ăn gần như thân thuộc với người quê chân lấm tay bùn. Có thể ăn sống như rau má, rau càng cua; xào hay luộc rồi chấm chao rất ngon như rau tàu bay, rau dệu; nấu với các loại cá đồng, ốc, ếch để có món canh ngon như nút áo, ngó sen, bông súng…

Tổng hợp các “ sơn hào hải vị ” ấy lại bữa ăn trên đồng bỗng ngon đến lạ. Ngon đến nhớ hoài. Lũ trẻ lớn lên đâu chỉ từ cơm gạo mà còn từ cỏ nội hương đồng, từ những tung tăng chạy nhảy và cũng từ niềm vui. Mo cơm bình thường cũng có thể làm chúng nhớ hoài nếu có thêm những con muồm muỗm mập ú thơm ngất ngây trên bếp than hồng. Hay bát canh  cua ngọt lừ được cha mẹ khen hết lời do chúng nhọc công cả ngày mò bắt. Tất cả sẽ thành kỷ niệm, sẽ sống hoài trong ngăn ký ức tuổi thơ để rồi khi phải xa quê luôn đau đáu nhớ về.

Người quê làm lụng vất vả, thời gian dành cho việc bếp núc không nhiều nên các món ăn của họ không cầu kỳ và có nhiều gia vị như các món ăn của cư dân thành phố.

Với những thứ có sẵn trong vườn như chanh ớt sả gừng, rau mùi các loại, người quê luôn làm cho món ăn của mình có mùi vị thơm tho bằng các loại hương đất hương đồng không hề có chút độc hại nào, khác với hương vị bằng hoá chất trong các món ăn ở hàng quán nơi thị thành.

Tuổi thơ ra đi trong ngạo nghễ bởi khó nhọc gian lao đã nếm, đã từng. Đã trả giá cho những ngày giáp hạt bằng sự gầy gò mà trẻ ở phố hầu như chưa bao giờ nếm trải. Củ khoai lùi ngon đến nao lòng kịp cắt cơn đói do ai đó sớt chia, làm sao mà không nhớ, cho dù thời gian vật đổi sao dời.

Đi qua những cánh đồng đang vào vụ gặt lòng tôi lại náo nức, bồi hồi muốn được hoà mình vào hương đồng gió nội để san sớt, gánh gồng bớt tần tảo cho quê. Ở đó tôi còn cha mẹ già và cuộc sống dung dị cùng với những bữa cơm quê đạm bạc cốt đủ no lòng. Thương lắm quê ơi, những người vì đời mà vất vả, gian lao.

 

                                                                                               L.T.M.C 

LÝ THỊ MINH CHÂU

1.C5 – Nguyễn Trung Trực –  Phường 4

TP. Đà Lạt – Lâm Đồng

 


TIN LIÊN QUAN

QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online