Mô hình nuôi Càng Đước, nuôi Rắn Hổ Mang (Lượt xem: 497)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Tin địa phương

Cập nhật: 27/11/2024

Thời gian gần đây, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã mạnh dạn tiếp cận các mô hình gây nuôi động vật rừng, động vật hoang dã. Nhiều mô hình đã khẳng định được hiệu quả kinh tế rõ rệt. Có mô hình cho lợi nhuận từ vài chục đến vài trăm triệu đồng/năm. Điển hình có mô hình nuôi Càng Đước, nuôi Rắn Hổ Mang.

Mô hình nuôi Càng Đước, nuôi Rắn Hổ Mang
Mô hình nuôi Càng Đước của bà Nguyễn Thị Sáu.

Mô hình nuôi Càng Đước

Hộ gia đình bà Nguyễn Thị Sáu ở ấp Cảng, thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề không tận dụng lợi thế sẵn có của địa phương để phát triển kinh tế biển mà lại mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại để gây nuôi Càng Đước. Yêu cầu về chuồng trại và môi trường sống của Càng Đước không quá cao nên tỷ lệ hao hụt rất thấp. Nuôi từ 2 - 3 năm là Càng Đước đạt được kích cỡ xuất bán. Nhu cầu tiêu dùng đối với loài vật nuôi này chủ yếu là ở các nhà hàng lớn nên giá bán luôn dao động ở mức từ 350.000 - 400.000 đ/kg.

Từ nuôi Càng Đước theo hình thức bán thịt, hiện nay, trang trại của gia đình bà Sáu còn là cơ sở cung cấp Càng Đước giống có uy tín cho những hộ nuôi có nhu cầu. Bà Sáu chia sẻ, năm đầu tiên nuôi Càng Đước thấy hiệu quả cao nên mới tiếp tục nuôi, đến nay đã 4 năm. Bắt đầu từ tháng 9 đến Tết là Càng Đước đẻ trứng 3 đợt. Trong 50 cặp Càng Đước của trang trại thì đẻ khoảng hơn 200 trứng; tỷ lệ ấp nở Càng Đước con đạt khoảng 70%, sau nở 1 tuần là xuất bán Càng Đước con được với là 450.000đ/con (loại đen); đối với Càng Đước con Sen Vàng là 350.000đ/con.  

Mô hình nuôi Rắn Hổ Mang

Gắn bó lâu năm với nghề vận chuyển động vật hoang dã cho một số cơ sở thuộc các tỉnh thành lân cận với tỉnh Sóc Trăng, giờ đây, anh Phan Thanh Bình ở ấp Mỹ Lợi C, xã Mỹ Tú, huyện Mỹ Tú đã trở thành chủ trang trại Rắn Hổ Mang có tiếng tại địa phương. Với xuất phát điểm chỉ đơn thuần là sự thích thú đối với loài vật hoang dã, vậy mà từ 70 con Rắn giống ban đầu hồi năm 2015, đến nay, trang trại  của anh Bình đã phát triển được hơn 800 con Rắn Hổ Mang bố mẹ và gần 14.000 con Rắn giống.

Trại nuôi Rắn Hổ Mang của anh Phan Thanh Bình.

Chia sẻ về việc chăm sóc Rắn, anh Bình, nói: “Cách 5 ngày mới vào chuồng cho Rắn ăn và kiểm tra Rắn một lần. Dịch bệnh trên Rắn cũng ít khi xảy ra”. Hiểu rõ đây là vật nuôi khá nguy hiểm nên các khu nuôi được anh xây dựng biệt lập với nhà ở của gia đình cũng như các hộ lân cận. Mỗi khu đều được xây dựng bằng đá, có cửa khóa chắc chắn, các hộc cho Rắn trú cũng được che chắn kĩ bằng lưới sắt mắt nhỏ, đảm bảo không để Rắn thoát ra bên ngoài. Cũng theo anh Bình, nuôi từ Rắn con đến khoảng 15 tháng là mỗi con Rắn có trọng lượng trên 2kg thì bắt đầu xuất bán.Hiện tại giá bán từ 600.000-750.000đ/kg.  

Hiện nay, việc gây nuôi các loại động vật rừng được thực hiện theo Nghị đinh 06 ngày 22/1/2019 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; Nghị định số 84 ngày 22/9/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06. Về công tác cấp mã số đăng ký gây nuôi dựa theo quy định tại Nghị định 06 và Nghị định số 84. Hiện tại các cơ sở trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đều được cấp Giấy chứng nhận đăng ký gây nuôi các loài thuộc nhóm IIB, Phụ lục II, III Cites.

Để đảm bảo các cơ sở gây nuôi đều tuân thủ tốt các quy định của pháp luật có liên quan, hằng năm, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện trình tự, thủ tục, đồng thời, xây dựng Kế hoạch kiểm tra các cơ sở theo từng quý hoặc tiến hành kiểm tra đột xuất. Nhờ triển khai nhiều giải pháp trong công tác quản lý nên từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình nuôi nhốt động vật rừng, động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh được kiểm soát chặt chẽ, đa số tổ chức, cá nhân chăn nuôi đã tự giác lập hồ sơ đăng ký nuôi nhốt và cấp mã số theo quy định, chấp hành tốt các quy định về nuôi nhốt, không có cơ sở vi phạm.

Theo quy định, trước khi gây nuôi, cơ sở phải làm đề nghị cấp mã số và xây dựng phương án gây nuôi. Khi đã có đủ điều kiện về chuồng trại thì phải đảm bảo được giấy tờ chứng mình nguồn gốc khi nhập con vật về nuôi theo Nghị định 84 ngày 22/4/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06 ngày 22/1/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp. Về nguồn gốc phải đảm bảo động vật được mua từ các cơ sở gây nuôi hợp pháp. Khi đã được cấp mã số gây nuôi các cơ sở cũng phải mở sổ theo dõi. Hàng tháng, hàng quý phải kê vào sổ theo dõi về tình hình diễn biến đán vật nuôi, tăng giảm như thế nào,… ông Nguyễn Thanh Quang (ảnh trên) - Phó Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng, thông tin thêm.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có 323 cơ sở/50.377 cá thể động vật rừng. Các loài được gây nuôi nhiều là: Cá sấu, Trăn, Rắn, Ba Ba, Cua Đinh, Rùa Răng, Cầy Vòi Hương, Cầy Vòi Mốc, Rắn Hổ Mang, Nhím, Chim công Ấn Độ, Dúi, Heo Rừng lai… hiệu quả kinh tế thấp hay cao tùy vào từng loài nuôi.

Trước tình trạng nhiều loài động vật rừng bị suy giảm nghiêm trọng do môi trường sống bị thu hẹp; nạn săn bắt, buôn bán trái phép và nhu cầu sử dụng của người dân ngày càng cao, việc gây nuôi sinh sản, sinh trưởng các loài động vật rừng là một trong các hướng giải pháp cần dược quan tâm và khuyến khích, nhằm với mục tiêu phát triển kinh tế với chiến lược bảo tồn lâu dài./.

Trọng Phước, Ngọc Thơ


QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online