Mẹ với ruộng nhà ta - Lê Thị Kim Ngân (Lượt xem: 21051)
>> TIN TỨC >> Cuộc thi " Viết về cánh đồng Quê Hương"
Cập nhật: 13/07/2017Mẹ ơi, con làm sao quên được mùi hương dân dã đó, mùi hương từ hạt ngọc nuôi con lớn khôn, mùi hương vấn vương theo mẹ về nhà sau mỗi lần mẹ làm ruộng. Cho tới tận bây giờ, khi con đã trưởng thành, chính mùi hương đó vẫn dạy dỗ con bài học quý giá, dạy con phải biết nhớ quê hương, biết trân trọng những gì con đang có.
Mẹ với ruộng nhà ta
(Nguyên bản của tác giả)
Thuở ban thơ con được mẹ dẫn ra đồng, nay đã lớn lòng vẫn nhớ không nguôi.
Mẹ ơi, con làm sao quên được mùi hương dân dã đó, mùi hương từ hạt ngọc nuôi con lớn khôn, mùi hương vấn vương theo mẹ về nhà sau mỗi lần mẹ làm ruộng. Cho tới tận bây giờ, khi con đã trưởng thành, chính mùi hương đó vẫn dạy dỗ con bài học quý giá, dạy con phải biết nhớ quê hương, biết trân trọng những gì con đang có. Con nhớ mẹ lắm mẹ à, nhớ luôn đồng ruộng xanh tươi mát của ta. Nhà ta bây giờ ra sao rồi hở mẹ, mùa màng có ổn không? Quê mình hay xảy ra nhiều sóng gió nhưng con chắc rằng với bàn tay mẹ, ruộng nhà ta vẫn giữ năng suất mẹ nhỉ. Nhớ ngày xưa khi con chưa đi xa, sáng sớm phụ mẹ ra đồng cấy mạ non. Mạ non xanh mơn xanh mởn, được mẹ rải đều khắp đồng, dệt nên tấm lụa ngọc bích nhạt điểm sắc nâu bùn đẹp tuyệt vời. Mạ được mẹ cấy thì thẳng hàng, mạ con cấy thì xiên xẹo, nhưng tất cả đều chứa chân chất bao nỗ lực và hy vọng. Kỳ lúa đẻ nhánh thì ngát xanh hơn cả, lúa giờ đã cao và mọc dày hơn. Đẹp nhất là lúc gió tinh nghịch lợn lờ quanh thân lúa, lúa ưỡn mình đung đua là múa theo bản phong ca. Cộng với ánh hoàng hôn nhuộm vàng một khoảng, nhìn lâu có thể làm ta ngỡ vẻ đẹp trước mắt là do người nào đó nghịch ngợm rười mật ong lên ngọn sóng xanh đó. Rồi đến kỳ lúa thụ phấn, phấn lúa li ti óng ánh bay giữa làn xanh mát, tạo ra trước mắt ta một cảnh tượng đẹp đến lạ lùng. Mẹ có nhớ con đòi thả diều vào chiều đầy gió, phấn lúa bay vào đầy thân con, tối tắm nhiều lần vẫn không đỡ ngứa. Lần đó bị mẹ mắng đến rươm rướm nước mắt, giờ nghĩ lại sao mà nhớ quá mẹ ha! Kỳ lúa ngậm sữa thì thơm phưng phức, hương thoang thoảng phớt qua cánh mũi trên đường con đi học về. Kỳ lúa chín sáp, đám em con hay vặt trộm lúa người ta mà ăn sống, con thấy hay cũng làm theo, thế là cả đám bị chủ ruộng rượt cho một trận. Nghịch là thế nhưng vị bùi bùi lúa sáp lại cho con một cảm giác gì đó hết sức dân dã, thân thương. Kỳ lúa chín vàng là kỳ trông mong nhất, cũng là kỳ mẹ vất vả biết bao. Hạt lúa nặng trĩu kéo cái thân lúa mẹ bé tẹo rạp xuống, cũng như bờ vai nặng trĩu của mẹ nặng nề khó nhọc nuôi ba đứa tụi con vậy. Bây giờ, đồng ruộng không con lụa xanh nữa, giờ nó giống thảm vàng hơn. Điểm trên thảm vàng là những tấm lưng nâu cúi xuống, bán mặt cho đất bán lưng cho trời, tay cầm liềm gặt hái thành quả vụ mùa.
Ruộng nhà mình nhỏ, không đủ nuôi năm miệng ăn lâu ngày được, thế là mẹ cùng tụi nhỏ bọn con đi mót. Ba đứa con mót trước cũng chả làm được nhiều, khi mẹ mót lại được cả nạm tay đầy. Mót hết nhà mình đến mót nhà người khác, mót nguyên vài ba ngày liền. Sau khi tuốt lúa, con được mẹ phân nhiệm vụ phơi cùng, tuy con là con cả nhưng lúc con nhỏ, không suy nghĩ nhiều, chưa hiểu được nỗi khổ của mẹ, nên khi được phân thì mặt nhăn nhó. Nhớ mẹ trưa nọ được nắng, thấy con đang ngủ không dám thức, một mình cào lúa cho chín đều. Đến khi con thức giấc thay mẹ cào lúa, để mẹ vào ngủ một lúc thì trời bắt đầu có đám mây đen nhỏ kéo đến. Con thì chủ quan không sao đâu, mưa vài hạt nhỏ rồi sẽ tạnh, lại thấy mẹ ngủ nên không hỏi lại nữa. Kết quả là mây đen ùn ùn kéo đến nhiều hơn, đến khi con phát hiện thì không kịp nữa, gọi 2 đứa nhỏ ra phụ cũng không ăn thua. Mưa làm lúa ướt hơn phân nửa. Thế là tối đó, à không, cả tối mấy hôm sau nữa, con bị mẹ mắng một trận nên hồn. Nhưng con biết con có lỗi, con cũng biết mẹ vì thương con, thương cả nhà mới nặng lời như thế. Nhớ lại mà thương mẹ quá! Nhớ cả hạt ngọc sữa mẹ dùng nuôi con!
Con biết mẹ quý mảnh ruộng nho nhỏ nhà mình lắm, vì thế khi nghe con đề xuất cả nhà lên sống cùng con một thời gian, mẹ liền chối phắt đi. Không sao cả, con hiểu mà mẹ, đối với một con người luôn dãi nắng dầm mưa nuôi năm miệng ăn thì ngoài ngôi nhà và gia đình thì mảnh ruộng là tài sản quý giá nhất của mình. Người ta có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một chốn để quay về. Vậy nên con hứa, sẽ không lâu đâu, sau khi con hoàn thành công việc nơi đây, con hứa sẽ nhanh chóng về nhà, về với mẹ và mấy đứa nhỏ, về với cánh đồng phẩng phất mùi thơm dân dã quê ta.
Thương mẹ nhiều lắm
Con gái của mẹ
Lê Thị Kim Ngân
Địa chỉ: Xóm 7, thôn Thượng Phong, xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình
TIN LIÊN QUAN
- Tin địa phương
- Học và làm theo gương Bác
- Lễ hội Oóc-om-bóc - Đua Ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng
- Tin trong nước
- Đời sống - Xã hội
- Tin thế giới
- Doanh nghiệp - Người tiêu dùng
- Giáo dục - Khoa học & Công nghệ
- Nông nghiệp - Nông thôn
- Pháp luật - Cải cách hành chính
- Lực lượng vũ trang
- Đoàn thể
- Thông báo
- Góc doanh nghiệp
- Biến đổi khí hậu gây thiệt hại ngang khủng hoảng tài chính
- Mô hình “Dân vận khéo ở cơ sở”
- Chính phủ lấy ý kiến Dự thảo Nghị quyết về vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước, giai đoạn 2026 - 2030
- Điều chỉnh giá khám, chữa bệnh tăng theo lương cơ sở
- Ngôi vô địch 2 đội ghe Ngo Nam, Nữ tiếp tục thuộc về chùa Tum Núp, huyện Châu thành
- Trailer Những hoạt động chính Lễ hội Óoc Om Bóc Đua ghe Ngo khu vực ĐBSCL lần thứ VI và tuần lễ VHTT&DL lần thứ I - 2024
- Đài PT-TH Sóc Trăng thông báo tuyển hợp đồng lao động (17-09-2024)
- HĐND tỉnh Sóc Trăng thông báo Kỳ họp thứ XXIII (Chuyên đề) HĐND tỉnh Sóc Trăng, Khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026
- Công văn số 1963 - CV-TU về Lễ Quốc tang Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Công Văn 1633-CT-TU về việc thực hiện nghiêm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.
Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.
Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.
Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.
Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.
® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.