Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo - Kỳ 2 (Lượt xem: 1715)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Pháp luật - Cải cách hành chính >> Pháp luật và cuộc sống

Cập nhật: 26/06/2017

thst giới thiệu Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo - Kỳ 2

Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo - Kỳ 2
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Quốc hội ban hành Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

 Chương III

ĐIỀU TRA CƠ BẢN, NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VỀ TÀI NGUYÊN,

MÔI TRƯỜNG BIỂN VÀ HẢI ĐẢO

Mục 1

ĐIỀU TRA CƠ BẢN TÀI NGUYÊN, MÔI TRƯỜNG BIỂN VÀ HẢI ĐẢO

Điều 12. Yêu cầu đối với hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo

1. Bảo đảm cung cấp thông tin, dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo phục vụ công tác quản lý, phát triển kinh tế biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

2. Phải xác định thứ bậc ưu tiên đối với các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo theo đối tượng, khu vực điều tra, phù hợp với khả năng đáp ứng về nguồn lực của Nhà nước theo từng giai đoạn.

3. Phải dựa trên nhu cầu điều tra, kế thừa kết quả điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học đã thực hiện ở khu vực dự kiến điều tra. Các hoạt động điều tra cơ bản trên một khu vực biển phải được lồng ghép phù hợp với đặc thù của hoạt động điều tra cơ bản trên biển và hải đảo để bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.

4. Kết quả điều tra cơ bản phải được nghiệm thu, phê duyệt, giao nộp, khai thác, sử dụng theo quy định của pháp luật.

Điều 13. Hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo

1. Hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được thực hiện thông qua các dự án, đề án, nhiệm vụ sau đây:

a) Dự án, đề án, nhiệm vụ điều tra cơ bản thuộc chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo;

b) Dự án, đề án, nhiệm vụ điều tra cơ bản không thuộc chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

2. Các dự án, đề án, nhiệm vụ điều tra cơ bản quy định tại điểm a khoản 1 Điều này bao gồm dự án, đề án, nhiệm vụ điều tra mang tính liên ngành, liên vùng, ở vùng biển sâu, biển xa và vùng biển quốc tế liền kề; điều tra cơ bản hải đảo, phát hiện nguồn tài nguyên mới, các dự án, đề án, nhiệm vụ điều tra cơ bản có tầm quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

3. Các dự án, đề án, nhiệm vụ điều tra cơ bản quy định tại điểm b khoản 1 Điều này do bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật; trước khi phê duyệt phải lấy ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường về sự cần thiết, đối tượng, phạm vi, nội dung điều tra, tính khả thi, hiệu quả; sau khi phê duyệt phải gửi quyết định phê duyệt và thông tin về vị trí, ranh giới, diện tích, tọa độ khu vực điều tra của dự án, đề án, nhiệm vụ về Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Điều 14. Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo

1. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển căn cứ vào nhu cầu điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo của ngành, lĩnh vực, địa phương và quy định tại khoản 2 Điều 13 của Luật này có trách nhiệm đề xuất các dự án, đề án, nhiệm vụ gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, xây dựng chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

2. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển tổ chức thực hiện các dự án, đề án, nhiệm vụ theo chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đã được phê duyệt.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 15. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo

1. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.

2. Cơ quan, tổ chức được giao thực hiện dự án, đề án, nhiệm vụ điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo có trách nhiệm sau đây:

a) Thực hiện đúng dự án, đề án, nhiệm vụ đã được phê duyệt; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức, đơn giá trong điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo;

b) Bảo đảm tính trung thực, đầy đủ trong việc thu thập, tổng hợp tài liệu, thông tin về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; bảo mật tài liệu, thông tin theo quy định của pháp luật;

c) Bảo đảm an toàn, an ninh trên biển, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trong quá trình thực hiện dự án, đề án, nhiệm vụ điều tra;

d) Trình cơ quan có thẩm quyền nghiệm thu và giao nộp báo cáo kết quả điều tra theo quy định của pháp luật.

Điều 16. Thống kê tài nguyên biển và hải đảo

1. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thống kê các loại tài nguyên biển và hải đảo do mình quản lý theo quy định của pháp luật về thống kê, gửi báo cáo kết quả về Bộ Tài nguyên và Môi trường.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổng hợp kết quả thống kê tài nguyên biển và hải đảo, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Mục 2

NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VỀ TÀI NGUYÊN,

MÔI TRƯỜNG BIỂN VÀ HẢI ĐẢO

Điều 17. Hoạt động nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo

1. Hoạt động nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được thực hiện thông qua các nhiệm vụ khoa học và công nghệ về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo theo quy định của Luật này và pháp luật về khoa học và công nghệ.

2. Nhà nước ưu tiên đầu tư cho các nhiệm vụ khoa học và công nghệ về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo thông qua chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

3. Hoạt động nghiên cứu khoa học của tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành trong vùng biển Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện và phải được cấp phép theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Điều 18. Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo

1. Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo bao gồm đề tài, dự án, nhiệm vụ nghiên cứu đáp ứng các tiêu chí sau đây:

a) Có tầm quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; phát huy tiềm lực khoa học và công nghệ về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; bảo đảm quốc phòng, an ninh;

b) Giải quyết các vấn đề khoa học và công nghệ về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, liên vùng, quốc tế;

c) Làm cơ sở lý luận để hoạch định chính sách, cơ chế nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; định hướng cho hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng;

d) Phải huy động nguồn lực quốc gia và có sự tham gia của nhiều ngành khoa học và công nghệ.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo gửi về bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cơ quan nhà nước khác ở trung ương phải phù hợp với ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý để tổng hợp, đề xuất các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đưa vào chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

3. Trên cơ sở đề xuất của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cơ quan nhà nước khác ở trung ương, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, xây dựng, đặt hàng thực hiện đề tài, dự án, nhiệm vụ thuộc chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Việc xác định và tổ chức thực hiện chương trình được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 19. Cấp phép nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam cho tổ chức, cá nhân nước ngoài

1. Tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Tổ chức có tư cách pháp nhân theo quy định pháp luật của nước nơi tổ chức được thành lập; tổ chức quốc tế là tổ chức liên chính phủ; cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định pháp luật của nước nơi cá nhân mang quốc tịch;

b) Có nhu cầu nghiên cứu khoa học độc lập hoặc hợp tác nghiên cứu khoa học với phía Việt Nam; đối với trường hợp nghiên cứu khoa học trong nội thủy, lãnh hải Việt Nam thì phải có sự hợp tác với phía Việt Nam khi Việt Nam có yêu cầu;

c) Hoạt động nghiên cứu khoa học vì mục đích hòa bình; không gây phương hại đến chủ quyền quốc gia, hoạt động quốc phòng, an ninh của Việt Nam; không gây ô nhiễm môi trường biển; không cản trở các hoạt động hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong vùng biển Việt Nam;

d) Có đủ hồ sơ đề nghị cấp phép theo quy định.

2. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép nghiên cứu khoa học cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành trong vùng biển Việt Nam sau khi lấy ý kiến các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan và thống nhất ý kiến với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học và Công nghệ. Sau khi cấp phép, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thông báo cho bộ, ngành và địa phương có liên quan để phối hợp quản lý.

3. Cơ quan có thẩm quyền cấp phép nghiên cứu khoa học có quyền cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, đình chỉ, thu hồi văn bản cấp phép.

4. Chính phủ quy định chi tiết việc cấp phép cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam.

Điều 20. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam

1. Tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam có các quyền sau đây:

a) Tiến hành hoạt động nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam theo nội dung và thời hạn đã được cấp phép;

b) Được công bố và chuyển giao thông tin, kết quả nghiên cứu khoa học theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 21 của Luật này;

c) Được hướng dẫn, cung cấp dịch vụ thông tin liên lạc và tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam.

2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam có các nghĩa vụ sau đây:

a) Tôn trọng độc lập, chủ quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; chỉ được tiến hành các hoạt động nghiên cứu khoa học vì mục đích hòa bình; không được tiến hành hoạt động khác ngoài các hoạt động nghiên cứu khoa học theo nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp phép;

b) Tuân thủ các quy định về an ninh, an toàn hàng hải; thiết lập khu vực an toàn hàng hải xung quanh thiết bị nghiên cứu; báo hiệu hàng hải; duy trì liên lạc và tuân thủ các quy định khác của pháp luật về hàng hải của Việt Nam;

c) Không được làm ảnh hưởng đến hoạt động quốc phòng, an ninh của Việt Nam và các hoạt động điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đang được tiến hành hợp pháp trong vùng biển Việt Nam; không được mang vào vùng biển Việt Nam vũ khí, vật liệu nổ, hóa chất độc, các phương tiện, thiết bị khác có khả năng gây thiệt hại đối với người, tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường biển, trừ trường hợp vật liệu nổ, hóa chất độc được cơ quan có thẩm quyền cấp phép cho phép sử dụng để thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học;

d) Tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, phục hồi môi trường và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật Việt Nam trong trường hợp hoạt động nghiên cứu khoa học gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, hệ sinh thái biển, hải đảo;

đ) Hoạt động nghiên cứu khoa học phải được thực hiện với phương thức và phương tiện thích hợp, phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế có liên quan;

e) Bảo đảm các điều kiện làm việc cần thiết bao gồm cả chi phí cho ít nhất 02 nhà khoa học được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cử tham gia nghiên cứu;

g) Phải thông báo ngay cho Bộ Tài nguyên và Môi trường khi có bất cứ thay đổi nào trong quá trình nghiên cứu khoa học so với nội dung, thời hạn đã được cấp phép và chỉ được thực hiện sự thay đổi đó sau khi có sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;

h) Khi kết thúc hoạt động nghiên cứu khoa học, tổ chức, cá nhân nước ngoài phải báo cáo kết quả nghiên cứu sơ bộ cho Bộ Tài nguyên và Môi trường; trong thời hạn không quá 30 ngày, trừ trường hợp bất khả kháng hoặc có thỏa thuận khác, phải hoàn thành việc tháo dỡ và đưa ra khỏi vùng biển Việt Nam các phương tiện, thiết bị nghiên cứu khoa học;

i) Trong thời hạn không quá 06 tháng kể từ khi kết thúc hoạt động nghiên cứu khoa học theo nội dung đã được cấp phép, tổ chức, cá nhân nước ngoài phải có báo cáo chính thức về kết quả nghiên cứu khoa học và cung cấp các tài liệu, mẫu vật gốc cho Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Điều 21. Công bố và chuyển giao thông tin, kết quả nghiên cứu khoa học của tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam

1. Tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong nội thủy, lãnh hải Việt Nam chỉ được phép công bố, chuyển giao thông tin, kết quả nghiên cứu cho bên thứ ba sau khi có sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam chỉ được phép công bố, chuyển giao thông tin, kết quả nghiên cứu liên quan trực tiếp đến thăm dò, khai thác tài nguyên cho bên thứ ba sau khi có sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

3. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định cho phép công bố, chuyển giao thông tin, kết quả nghiên cứu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học và Công nghệ.

 


QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online