LUẬT ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ - Kỳ 2 (Lượt xem: 2217)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Pháp luật - Cải cách hành chính >> Pháp luật và cuộc sống

Cập nhật: 18/08/2016

thst giới thiệu LUẬT ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ - Kỳ 2

LUẬT ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ - Kỳ 2
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Quốc hội ban hành Luật điều ước quốc tế.

Chương II

KÝ KẾT ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ

Mục 1. ĐÀM PHÁN ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ

 Điều 8. Thẩm quyền đề xuất đàm phán điều ước quốc tế

1. Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi là cơ quan đề xuất), căn cứ vào nhiệm vụ, quyền hạn của mình, yêu cầu hợp tác quốc tế, đề xuất với Chính phủ để Chính phủ trình Chủ tịch nước về việc đàm phán điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về việc đàm phán điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ.

2. Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và cơ quan, tổ chức có liên quan đề xuất về việc đàm phán điều ước quốc tế liên quan đến chiến tranh, hòa bình, chủ quyền quốc gia.

Điều 9. Chuẩn bị đàm phán điều ước quốc tế

1. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm chuẩn bị đàm phán điều ước quốc tế và thực hiện các công việc sau đây:

a) Đánh giá sơ bộ tác động chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế - xã hội và các tác động khác của điều ước quốc tế;

b) Rà soát sơ bộ quy định của pháp luật hiện hành và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên trong cùng lĩnh vực, so sánh với nội dung chính của điều ước quốc tế dự kiến đàm phán;

c) Lấy ý kiến của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và cơ quan, tổ chức có liên quan trước khi trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định về việc đàm phán điều ước quốc tế.

2. Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến quy định tại điểm c khoản 1 Điều này có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ lấy ý kiến.

Điều 10. Thẩm quyền quyết định đàm phán điều ước quốc tế

1. Chủ tịch nước quyết định đàm phán, ủy quyền đàm phán, chủ trương đàm phán và kết thúc đàm phán điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước.

2. Thủ tướng Chính phủ quyết định đàm phán, ủy quyền đàm phán, chủ trương đàm phán và kết thúc đàm phán điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ.

Điều 11. Hồ sơ trình về việc đàm phán điều ước quốc tế

1. Hồ sơ trình về việc đàm phán điều ước quốc tế bao gồm:

a) Tờ trình của cơ quan trình, trong đó nêu rõ sự cần thiết, yêu cầu, mục đích đàm phán điều ước quốc tế; nội dung chính của điều ước quốc tế; đánh giá sơ bộ tác động chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế - xã hội và các tác động khác của điều ước quốc tế; kết quả rà soát sơ bộ quy định của pháp luật hiện hành và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên trong cùng lĩnh vực, so sánh với nội dung chính của điều ước quốc tế dự kiến đàm phán; kiến nghị về việc đàm phán và ủy quyền đàm phán;

b) Ý kiến của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và cơ quan, tổ chức có liên quan; báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức và kiến nghị biện pháp xử lý.

2. Trường hợp kiến nghị kết thúc đàm phán điều ước quốc tế thì hồ sơ trình phải có dự thảo điều ước quốc tế thể hiện phương án kết thúc đàm phán.

Điều 12. Tổ chức đàm phán điều ước quốc tế

1. Chính phủ tổ chức đàm phán điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước theo ủy quyền của Chủ tịch nước. Thủ tướng Chính phủ tổ chức đàm phán điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ.

2. Căn cứ vào quyết định của cơ quan quy định tại Điều 10 của Luật này, cơ quan đề xuất chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phương án đàm phán, dự thảo điều ước quốc tế của phía Việt Nam và thành phần đoàn đàm phán.

3. Cơ quan đề xuất chủ trì tham vấn tổ chức đại diện đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của điều ước quốc tế trong quá trình đàm phán.

4. Cơ quan đề xuất kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề phát sinh trong quá trình đàm phán và kiến nghị biện pháp xử lý.

5. Chủ tịch nước, Chính phủ có trách nhiệm báo cáo Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc đàm phán điều ước quốc tế thuộc thẩm quyền phê chuẩn của Quốc hội.

Mục 2. ĐỀ XUẤT KÝ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ

 

Điều 13. Thẩm quyền đề xuất ký điều ước quốc tế

1. Căn cứ vào nhiệm vụ, quyền hạn, yêu cầu hợp tác quốc tế, cơ quan quy định tại Điều 8 của Luật này đề xuất để Chính phủ trình Chủ tịch nước quyết định ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước hoặc để Chính phủ quyết định ký điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ.

2. Trước khi đề xuất ký điều ước quốc tế, cơ quan đề xuất phải lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan, ý kiến kiểm tra của Bộ Ngoại giao và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp.

3. Trong trường hợp cơ quan, tổ chức có liên quan đã có ý kiến về việc đàm phán điều ước quốc tế mà dự thảo điều ước quốc tế đề xuất ký có nội dung không thay đổi so với nội dung đàm phán đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thì cơ quan đề xuất lấy ý kiến kiểm tra của Bộ Ngoại giao, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp; không nhất thiết phải lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan khác.

4. Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến quy định tại khoản 2 Điều này có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hoặc theo thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 18 và khoản 1 Điều 20 của Luật này.

Điều 14. Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc ký điều ước quốc tế

1. Trước khi quyết định ký điều ước quốc tế có quy định khác hoặc chưa được quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội, quy định trái pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặcđiều ước quốc tế mà việc thực hiện cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, ban hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, cơ quan có thẩm quyền quyết định ký điều ước quốc tế quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 15 của Luật này trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Quy định này không áp dụng trong trường hợp điều ước quốc tế thuộc thẩm quyền phê chuẩn của Quốc hội quy định tại khoản 1 Điều 29 của Luật này.

2. Căn cứ vào ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ quyết định ký điều ước quốc tế đó.

Điều 15. Thẩm quyền, nội dung quyết định ký điều ước quốc tế

1. Chủ tịch nước quyết định ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước.

2. Chính phủ quyết định ký điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ.

3. Việc quyết định ký điều ước quốc tế phải được thể hiện bằng văn bản bao gồm các nội dung sau đây:

a) Tên gọi, hình thức và danh nghĩa ký điều ước quốc tế;

b) Người đại diện, thẩm quyền của người đại diện trong việc ký điều ước quốc tế;

c) Bảo lưu, chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài, tuyên bố đối với điều ước quốc tế nhiều bên;

d) Trách nhiệm của cơ quan đề xuất, Bộ Ngoại giao và cơ quan, tổ chức có liên quan;

đ) Quyết định áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế; quyết định hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế. Quy định này không áp dụng trong trường hợp điều ước quốc tế phải được phê chuẩn hoặc phê duyệt quy định tại Điều 28 và Điều 37 của Luật này.

Điều 16. Nội dung tờ trình đề xuất ký điều ước quốc tế

1. Sự cần thiết, yêu cầu, mục đích đề xuất ký điều ước quốc tế.

2. Nội dung chính của điều ước quốc tế.

3. Tên gọi, hình thức, danh nghĩa ký, người đại diện ký, ngôn ngữ, hiệu lực, hình thức hiệu lực, thời hạn hiệu lực và việc áp dụng tạm thời điều ước quốc tế.

4. Quyền và nghĩa vụ phát sinh từ điều ước quốc tế đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

5. Đánh giá việc tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Điều 3 của Luật này.

6. Kiến nghị bảo lưu, chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài, tuyên bố đối với điều ước quốc tế nhiều bên.

7. Đánh giá về việc áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế hoặc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế.

8. Những vấn đề còn ý kiến khác nhau giữa cơ quan đề xuất với cơ quan, tổ chức có liên quan, giữa bên Việt Nam với bên ký kết nước ngoài và kiến nghị biện pháp xử lý.

Điều 17. Hồ sơ trình về đề xuất ký điều ước quốc tế

1. Tờ trình của cơ quan trình theo nội dung quy định tại Điều 16 của Luật này.

2. Ý kiến kiểm tra của Bộ Ngoại giao, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan; báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan và kiến nghị biện pháp xử lý; dự kiến kế hoạch thực hiện điều ước quốc tế.

3. Báo cáo đánh giá tác động chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế - xã hội và các tác động khác của điều ước quốc tế.

4. Báo cáo đánh giá sự tương thích của điều ước quốc tế đề xuất ký với điều ước quốc tế trong cùng lĩnh vực mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

5. Báo cáo đánh giá sự phù hợp giữa quy định của điều ước quốc tế với quy định của pháp luật Việt Nam.

6. Văn bản điều ước quốc tế.

Điều 18. Trách nhiệm của Bộ Ngoại giao trong việc kiểm tra điều ước quốc tế

1. Bộ Ngoại giao có trách nhiệm kiểm tra điều ước quốc tế trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định tại Điều 19 của Luật này hoặc trong thời hạn 30 ngày trong trường hợp thành lập Hội đồng kiểm tra quy định tại khoản 3 Điều này.

2. Nội dung kiểm tra điều ước quốc tế bao gồm:

a) Sự cần thiết, mục đích ký điều ước quốc tế trên cơ sở đánh giá quan hệ giữa Việt Nam và bên ký kết nước ngoài;

b) Đánh giá sự phù hợp của điều ước quốc tế với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế;

c) Đánh giá sự phù hợp của điều ước quốc tế với lợi ích quốc gia, dân tộc, đường lối đối ngoại của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

d) Đánh giá sự tương thích của điều ước quốc tế đề xuất ký với điều ước quốc tế trong cùng lĩnh vực mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

đ) Tên gọi, hình thức, danh nghĩa ký, cấp ký, ngôn ngữ, hiệu lực, kỹ thuật văn bản điều ước quốc tế;

e) Việc tuân thủ trình tự, thủ tục đề xuất ký điều ước quốc tế;

g) Tính thống nhất của văn bản điều ước quốc tế bằng tiếng Việt với văn bản điều ước quốc tế bằng tiếng nước ngoài.

3. Trong trường hợp điều ước quốc tế có nội dung quan trọng, phức tạp thì Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thành lập Hội đồng kiểm tra để kiểm tra điều ước quốc tế.

Thành phần của Hội đồng kiểm tra điều ước quốc tế bao gồm đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và cơ quan, tổ chức có liên quan.

Điều 19. Hồ sơ đề nghị kiểm tra điều ước quốc tế

1. Văn bản đề nghị kiểm tra điều ước quốc tế, trong đó có các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 18 của Luật này.

2. Dự thảo tờ trình Chính phủ về đề xuất ký điều ước quốc tế.

3. Báo cáo đánh giá sự tương thích của điều ước quốc tế đề xuất ký với điều ước quốc tế trong cùng lĩnh vực mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

4. Báo cáo đánh giá tác động chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế - xã hội và các tác động khác của điều ước quốc tế.

5. Ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức có liên quan.

6. Văn bản điều ước quốc tế.

Điều 20. Trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc thẩm định điều ước quốc tế

1. Bộ Tư pháp có trách nhiệm thẩm định điều ước quốc tế trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định tại Điều 21 của Luật này hoặc trong thời hạn 60 ngày trong trường hợp thành lập Hội đồng thẩm định quy định tại khoản 3 Điều này.

2. Nội dung thẩm định điều ước quốc tế bao gồm:

a) Tính hợp hiến;

b) Mức độ phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam;

c) Khả năng áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế;

d) Yêu cầu sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế.

3. Trong trường hợp điều ước quốc tế do Bộ Tư pháp đề xuất ký, điều ước quốc tế đề xuất ký còn nhiều ý kiến khác nhau hoặc có nội dung quan trọng, phức tạp thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp thành lập Hội đồng thẩm định để thẩm định điều ước quốc tế.

Thành phần của Hội đồng thẩm định điều ước quốc tế bao gồm đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ và cơ quan, tổ chức có liên quan.

Điều 21. Hồ sơ đề nghị thẩm định điều ước quốc tế

1. Hồ sơ đề nghị thẩm định điều ước quốc tế bao gồm:

a) Văn bản đề nghị thẩm định điều ước quốc tế, trong đó có các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 20 của Luật này;

b) Dự thảo tờ trình Chính phủ về đề xuất ký điều ước quốc tế;

c) Báo cáo đánh giá sự phù hợp giữa quy định của điều ước quốc tế với quy định của pháp luật Việt Nam;

d) Ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức có liên quan;

đ) Văn bản điều ước quốc tế.

2. Số lượng hồ sơ gửi thẩm định là năm bộ.

Mục 3. ỦY QUYỀN ĐÀM PHÁN, KÝ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ, ỦY NHIỆM THAM DỰ HỘI NGHỊ QUỐC TẾ

Điều 22. Ủy quyền, ủy nhiệm

1. Trưởng đoàn đàm phán, người ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước phải được Chủ tịch nước ủy quyền bằng văn bản.

2. Trưởng đoàn đàm phán điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ phải được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền bằng văn bản. Người ký điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ phải được Chính phủ ủy quyền bằng văn bản.

3. Trưởng đoàn tham dự hội nghị quốc tế phải được Thủ tướng Chính phủ ủy nhiệm bằng văn bản.

Trong trường hợp phải ủy nhiệm cho các thành viên của đoàn Việt Nam tham dự hội nghị quốc tế theo quy định của hội nghị thì cơ quan đề xuất có trách nhiệm trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

4. Người được ủy quyền đàm phán, ký điều ước quốc tế hoặc ủy nhiệm tham dự hội nghị quốc tế phải là lãnh đạo cơ quan đề xuất hoặc là người được cơ quan đề xuất trình cơ quan có thẩm quyền quyết định.

5. Trong trường hợp cơ quan đề xuất không cử trưởng đoàn đàm phán, người ký điều ước quốc tế hoặc trưởng đoàn tham dự hội nghị quốc tế ở nước ngoài thì sau khi thỏa thuận với Bộ Ngoại giao, cơ quan đề xuất trình cơ quan có thẩm quyền quyết định ủy quyền hoặc ủy nhiệm cho người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao, người đứng đầu cơ quan đại diện tại tổ chức quốc tế hoặc người đại diện khác làm trưởng đoàn đàm phán, người ký điều ước quốc tế hoặc trưởng đoàn tham dự hội nghị quốc tế đó.

6. Việc cấp giấy ủy quyền, giấy ủy nhiệm được thực hiện theo quy định tại Điều 63 của Luật này.

Mục 4. TỔ CHỨC KÝ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ

Điều 23. Rà soát, đối chiếu văn bản điều ước quốc tế

Trước khi tiến hành ký tắt điều ước quốc tế, ký điều ước quốc tế, cơ quan đề xuất phối hợp với Bộ Ngoại giao và cơ quan nhà nước có liên quan rà soát, đối chiếu văn bản bằng tiếng Việt với văn bản bằng tiếng nước ngoài để bảo đảm chính xác về nội dung và thống nhất về hình thức.

Điều 24. Ký điều ước quốc tế

1. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm phối hợp với Bộ Ngoại giao hoàn thành thủ tục ký và văn bản điều ước quốc tế, tổ chức ký điều ước quốc tế theo thỏa thuận với bên ký kết nước ngoài.

2. Trong trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã quyết định cho ký điều ước quốc tế nhưng chưa thể tổ chức ký thì cơ quan đề xuất có trách nhiệm kịp thời báo cáo và kiến nghị biện pháp xử lý với Chính phủ, đồng thời thông báo cho Bộ Ngoại giao để phối hợp.

3. Trong trường hợp có những thay đổi liên quan đến danh nghĩa ký, quyền, nghĩa vụ của bên Việt Nam, quy định trái hoặc chưa được quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội, quy định trái pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc có những thay đổi cơ bản so với nội dung văn bản điều ước quốc tế đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định cho ký thì cơ quan đề xuất phải trình lại về việc ký điều ước quốc tế theo quy định tại Mục 2 của Chương này.

4. Chủ tịch nước, Chính phủ có trách nhiệm báo cáo Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc ký điều ước quốc tế thuộc thẩm quyền phê chuẩn của Quốc hội.

Điều 25. Ký điều ước quốc tế trong chuyến thăm của đoàn cấp cao

1. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm phối hợp với Bộ Ngoại giao hoàn thành thủ tục ký và văn bản điều ước quốc tế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định cho ký trong chuyến thăm của đoàn cấp cao Việt Nam tại nước ngoài hoặc của đoàn cấp cao nước ngoài tại Việt Nam.

2. Bộ Ngoại giao chủ trì hoặc phối hợp rà soát, đối chiếu văn bản cuối cùng của điều ước quốc tế, phối hợp với bên nước ngoài tổ chức lễ ký điều ước quốc tế trong chuyến thăm của đoàn cấp cao Việt Nam tại nước ngoài hoặc của đoàn cấp cao nước ngoài tại Việt Nam, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với bên ký kết nước ngoài hoặc quyết định khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 26. Trách nhiệm gửi văn bản điều ước quốc tế sau khi ký

1. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày điều ước quốc tế hai bên được ký ở trong nước hoặc kể từ ngày đoàn ký điều ước quốc tế ở nước ngoài về nước, cơ quan đề xuất có trách nhiệm gửi Bộ Ngoại giao:

a) Bản chính điều ước quốc tế;

b) Bản dịch bằng tiếng Việt trong trường hợp điều ước quốc tế chỉ được ký bằng tiếng nước ngoài;

c) Bản ghi điện tử nội dung điều ước quốc tế bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài;

d) Giấy ủy quyền hoặc bằng chứng về việc đại diện của phía nước ngoài có đủ thẩm quyền ký điều ước quốc tế.

2. Trong trường hợp người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao hoặc cơ quan đại diện tại tổ chức quốc tế ký điều ước quốc tế thì người ký có trách nhiệm báo cáo, gửi ngay bản sao điều ước quốc tế đã ký cho Bộ Ngoại giao và bản chính điều ước quốc tế đến cơ quan đề xuất.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được bản chính điều ước quốc tế, cơ quan đề xuất thực hiện trách nhiệm quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm gửi Bộ Ngoại giao bản sao điều ước quốc tế nhiều bên đã được cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên chứng thực, cung cấp hoặc công bố, bản dịch điều ước quốc tế bằng tiếng Việt, bản ghi điện tử nội dung điều ước quốc tế bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày điều ước quốc tế được ký ở trong nước hoặc kể từ ngày đoàn ký điều ước quốc tế ở nước ngoài về nước.

Điều 27. Trao đổi văn kiện tạo thành điều ước quốc tế

Việc trao đổi văn kiện tạo thành điều ước quốc tế được thực hiện theo quy định từ Điều 8 đến Điều 26 của Luật này.

Mục 5. PHÊ CHUẨN ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ

 Điều 28. Các loại điều ước quốc tế phải được phê chuẩn

1. Điều ước quốc tế có quy định phải phê chuẩn.

2. Điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước.

3. Điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ có quy định trái với luật, nghị quyết của Quốc hội.

Điều 29. Thẩm quyền phê chuẩn, nội dung văn bản phê chuẩn điều ước quốc tế

1. Quốc hội phê chuẩn các loại điều ước quốc tế sau đây:

a) Điều ước quốc tế liên quan đến chiến tranh, hòa bình, chủ quyền quốc gia của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

b) Điều ước quốc tế về việc thành lập, tham gia tổ chức quốc tế và khu vực nếu việc thành lập, tham gia, rút khỏi tổ chức đó ảnh hưởng đến chính sách cơ bản của quốc gia về đối ngoại, quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, tiền tệ;

c) Điều ước quốc tế làm thay đổi, hạn chế hoặc chấm dứt quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo quy định của luật, nghị quyết của Quốc hội;

d) Điều ước quốc tế có quy định trái với luật, nghị quyết của Quốc hội;

đ) Điều ước quốc tế do Chủ tịch nước trực tiếp ký với người đứng đầu Nhà nước khác.

2. Chủ tịch nước phê chuẩn điều ước quốc tế quy định tại Điều 28 của Luật này, trừ các điều ước quốc tế quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Văn bản phê chuẩn điều ước quốc tế bao gồm các nội dung sau đây:

a) Tên điều ước quốc tế được phê chuẩn, thời gian và địa điểm ký;

b) Nội dung bảo lưu, chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài, tuyên bố đối với điều ước quốc tế nhiều bên và những vấn đề cần thiết khác;

c) Quyết định áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế; quyết định hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội để thực hiện điều ước quốc tế được phê chuẩn;

d) Trách nhiệm của cơ quan đề xuất, Bộ Ngoại giao và cơ quan, tổ chức có liên quan về việc hoàn thành thủ tục phê chuẩn và tổ chức thực hiện điều ước quốc tế;

đ) Toàn văn điều ước quốc tế bằng tiếng Việt dưới hình thức Phụ lục. Trong trường hợp điều ước quốc tế chỉ được ký bằng tiếng nước ngoài thì Phụ lục là toàn văn điều ước quốc tế bằng một trong số các ngôn ngữ ký và bản dịch bằng tiếng Việt của điều ước quốc tế đó.

Điều 30. Đề xuất phê chuẩn điều ước quốc tế

1. Cơ quan đề xuất trình Chính phủ để Chính phủ trình Chủ tịch nước về việc phê chuẩn điều ước quốc tế sau khi lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và cơ quan, tổ chức có liên quan.

2. Chính phủ trình Chủ tịch nước để Chủ tịch nước trình Quốc hội phê chuẩn đối với điều ước quốc tế do Quốc hội phê chuẩn.

3. Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến.

Điều 31. Hồ sơ trình về việc phê chuẩn điều ước quốc tế

1. Tờ trình của cơ quan trình, trong đó có đánh giá tác động của điều ước quốc tế đối với Việt Nam; kiến nghị về việc phê chuẩn, thời điểm phê chuẩn, nội dung bảo lưu, chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài, tuyên bố đối với điều ước quốc tế nhiều bên; kiến nghị về việc áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế.

2. Ý kiến của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và cơ quan, tổ chức có liên quan; báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức và kiến nghị biện pháp xử lý; dự kiến kế hoạch thực hiện điều ước quốc tế.

3. Văn bản điều ước quốc tế.

Điều 32. Phạm vi thẩm tra điều ước quốc tế

1. Sự cần thiết phê chuẩn điều ước quốc tế.

2. Việc tuân thủ trình tự, thủ tục đề xuất phê chuẩn điều ước quốc tế.

3. Tính hợp hiến và mức độ phù hợp với luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

4. Khả năng áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế.

5. Yêu cầu sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội để thực hiện điều ước quốc tế.

Điều 33. Thẩm quyền thẩm tra điều ước quốc tế

Ủy ban đối ngoại của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra điều ước quốc tế thuộc thẩm quyền phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực của Quốc hội.

Điều 34. Hồ sơ đề nghị thẩm tra điều ước quốc tế

1. Tờ trình của Chủ tịch nước đề nghị phê chuẩn điều ước quốc tế.

2. Báo cáo thuyết minh của Chính phủ.

3. Các tài liệu quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 31 của Luật này.

Điều 35. Thủ tục thẩm tra điều ước quốc tế

1. Văn phòng Chủ tịch nước phối hợp với cơ quan đề xuất gửi hồ sơ đề nghị thẩm tra điều ước quốc tế đến cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan tham gia thẩm tra điều ước quốc tế chậm nhất là 30 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội.

2. Cơ quan chủ trì thẩm tra tổ chức phiên họp để thẩm tra điều ước quốc tế với sự tham gia của cơ quan tham gia thẩm tra và cơ quan, tổ chức có liên quan trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị thẩm tra.

Điều 36. Trình tự Quốc hội xem xét, phê chuẩn điều ước quốc tế tại kỳ họp Quốc hội

1. Chủ tịch nước trình bày về đề nghị phê chuẩn điều ước quốc tế.

2. Đại diện Chính phủ hoặc đại diện cơ quan đề xuất trong trường hợp cơ quan đề xuất không phải là bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trình bày báo cáo về điều ước quốc tế.

3. Đại diện cơ quan thẩm tra trình bày báo cáo thẩm tra.

4. Quốc hội thảo luận tại phiên họp toàn thể về việc phê chuẩn điều ước quốc tế. Trước khi thảo luận tại phiên họp toàn thể, việc phê chuẩn điều ước quốc tế có thể được thảo luận tại Tổ đại biểu Quốc hội.

Trong quá trình thảo luận, cơ quan quy định tại khoản 2 Điều này được trình bày bổ sung về những vấn đề liên quan đến việc phê chuẩn điều ước quốc tế.

5. Ủy ban thường vụ Quốc hội trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo nghị quyết về việc phê chuẩn điều ước quốc tế.

6. Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết về việc phê chuẩn điều ước quốc tế.

Mục 6. PHÊ DUYỆT ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ

 Điều 37. Các loại điều ước quốc tế phải được phê duyệt

Trừ trường hợp thuộc thẩm quyền phê chuẩn của Quốc hội, các điều ước quốc tế sau đây phải được phê duyệt:

1. Điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ có quy định phải phê duyệt hoặc phải hoàn thành thủ tục pháp lý theo quy định của mỗi nước để có hiệu lực;

2. Điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ có quy định trái với quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ.

Điều 38. Thẩm quyền phê duyệt, nội dung văn bản phê duyệt điều ước quốc tế

1. Chính phủ phê duyệt điều ước quốc tế quy định tại Điều 37 của Luật này.

2. Văn bản phê duyệt điều ước quốc tế bao gồm những nội dung tương tự văn bản phê chuẩn điều ước quốc tế quy định tại khoản 3 Điều 29 của Luật này.

Điều 39. Đề xuất phê duyệt điều ước quốc tế

1. Cơ quan đề xuất trình Chính phủ quyết định phê duyệt điều ước quốc tế sau khi lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và cơ quan, tổ chức có liên quan.

2. Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến.

Điều 40. Hồ sơ trình về việc phê duyệt điều ước quốc tế

Hồ sơ trình Chính phủ về việc phê duyệt điều ước quốc tế bao gồm các tài liệu tương tự hồ sơ trình về việc phê chuẩn điều ước quốc tế quy định tại Điều 31 của Luật này.

Mục 7. GIA NHẬP ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ

 Điều 41. Thẩm quyền đề xuất gia nhập điều ước quốc tế

1. Cơ quan quy định tại Điều 8 của Luật này, căn cứ vào nhiệm vụ, quyền hạn của mình, yêu cầu hợp tác quốc tế, đề xuất với Chính phủ để Chính phủ quyết định, trình Chủ tịch nước quyết định hoặc trình để Chủ tịch nước trình Quốc hội quyết định về việc gia nhập điều ước quốc tế theo thẩm quyền quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 43 của Luật này.

2. Trước khi đề xuất về việc gia nhập điều ước quốc tế, cơ quan đề xuất phải lấy ý kiến bằng văn bản của cơ quan, tổ chức có liên quan, ý kiến kiểm tra của Bộ Ngoại giao, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp.

3. Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến quy định tại khoản 2 Điều này có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ lấy ý kiến.

4. Việc đàm phán, ký, phê chuẩn, phê duyệt điều ước quốc tế mới để gia nhập điều ước quốc tế được thực hiện theo quy định từ Mục 1 đến Mục 6 của Chương này.

Điều 42. Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc gia nhập điều ước quốc tế

1. Trước khi quyết định gia nhập điều ước quốc tế có quy định khác hoặc chưa được quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội, quy định trái pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, điều ước quốc tế mà việc thực hiện cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, ban hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, cơ quan có thẩm quyền quyết định gia nhập điều ước quốc tế quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 43 của Luật này trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Quy định này không áp dụng trong trường hợp điều ước quốc tế thuộc thẩm quyền quyết định gia nhập của Quốc hội quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này.

2. Căn cứ vào ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ quyết định gia nhập điều ước quốc tế đó.

Điều 43. Thẩm quyền, nội dung quyết định gia nhập điều ước quốc tế

1. Quốc hội quyết định gia nhập điều ước quốc tế quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 29 của Luật này.

2. Chủ tịch nước quyết định gia nhập điều ước quốc tế quy định tại khoản 2 Điều 29 của Luật này.

3. Chính phủ quyết định gia nhập điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

4. Văn bản quyết định gia nhập điều ước quốc tế bao gồm những nội dung tương tự văn bản phê chuẩn điều ước quốc tế quy định tại khoản 3 Điều 29 của Luật này.

Điều 44. Trình tự, thủ tục Quốc hội quyết định gia nhập điều ước quốc tế

Trình tự, thủ tục Quốc hội quyết định gia nhập điều ước quốc tế được thực hiện tương tự trình tự, thủ tục phê chuẩn điều ước quốc tế quy định tại các điều 32, 33, 34, 35 và 36 của Luật này.

 Điều 45. Hồ sơ trình về việc gia nhập điều ước quốc tế

1. Tờ trình của cơ quan trình có các nội dung tương tự quy định tại Điều 16 của Luật này.

2. Ý kiến kiểm tra của Bộ Ngoại giao, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan; báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan; dự kiến kế hoạch thực hiện điều ước quốc tế.

3. Văn bản điều ước quốc tế.

4. Danh sách các thành viên của điều ước quốc tế, văn bản sửa đổi, bổ sung điều ước quốc tế, bảo lưu, chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu, tuyên bố của các bên ký kết nước ngoài đối với điều ước quốc tế, thủ tục pháp lý cần thiết và các thông tin khác liên quan đến việc gia nhập điều ước quốc tế.

Điều 46. Trách nhiệm gửi văn bản điều ước quốc tế sau khi nhận được quyết định gia nhập

Cơ quan đề xuất có trách nhiệm gửi Bộ Ngoại giao văn bản điều ước quốc tế được cơ quan lưu chiểu chứng thực, cung cấp hoặc công bố, bản dịch điều ước quốc tế bằng tiếng Việt, bản ghi điện tử nội dung điều ước quốc tế bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định gia nhập điều ước quốc tế của cơ quan có thẩm quyền.


QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online