Kí ức tuổi thơ tôi... (Lượt xem: 2017)
>> TIN TỨC
>> Cuộc thi " Viết về cánh đồng Quê Hương"
Tôi đã không biết bắt đầu từ đâu vì những kỉ niệm cứ chen nhau ùa về, những kỉ niệm như đống giấy yên ắng, xếp gọn trong hộc tủ, được khóa cẩn thận. Hôm nay, vô tình lục lại, trong lòng đầy hồi hộp, xốn xang, từng giọt… từng giọt nước mắt lăn tròn trên má khi tôi nghĩ về cánh đồng quê hương tôi – nơi tôi đã sinh ra và lớn lên cùng năm tháng, nơi tôi đã chứng kiến những cảnh đời cơ cực, nơi tôi đã nếm trải mùi vị của cuộc đời, nơi tôi đã học được những bài học quý giá để tôi mạnh mẽ đứng lên và làm người có ích…

Ký ức tuổi thơ
(Nguyên bản của tác giả)
Khi tôi sinh ra, trước mắt tôi là một cánh đồng rộng lớn, bao la, thẳng cánh cò bay, quanh năm bà con làm lụng vất vả mà chẳng đủ đâu vào đâu, cuộc sống cơ cực bám riết trên từng gương mặt khắc khổ và trên từng manh áo chẳng lành.
Mùa cấy lúa, buổi sáng, ai ai cũng ra đồng, gia đình tôi cũng vậy, những đêm khuya khi còn ngon giấc, tôi và các anh chị đã bị gọi dậy để chuẩn bị cho một ngày làm việc mới trên cánh đồng ấy, người thì cấy lúa, người thì nhổ cỏ, người thì nhổ mạ, người thì gánh… Mỗi người một nhiệm vụ, kết thúc buổi sáng, chúng tôi quáng quàng chạy về tắm rửa thay đồ đi học, chuẩn bị chặng đường cuốc bộ trên con đường sình lầy 6 – 7 cây số. Tôi còn nhớ lúc ấy học tiểu học, có lần tôi nói với má: “Con sẽ ráng học chứ con không làm ruộng như nhà mình đâu! Cực lắm!”. Má tôi cười vì nghĩ rằng đó chỉ là câu nói bồng bột của một đứa trẻ tuổi ăn chưa no, lo chưa tới…
Có lẽ vui nhất là những ngày thu hoạch lúa. Cứ đến dịp này, cánh đồng quê tôi lại nhộn nhịp hẳn lên. Nào là tiếng máy suốt lúa, nào là tiếng ghe máy ầm ì, nào là tiếng người nói chuyện rôm rả và tiếng của mấy anh phu vác lúa gọi nhau í ới sau chầu nhậu khi vừa hoàn tất một “hợp đồng” vác thuê… Bọn trẻ con trong xóm nhà tôi, đứa nào cũng mình trần, đầu không đội nón, quần tà lỏn mỏng tanh xách giỏ đi nhặt lúa hoặc chạy đi bắt cua, cá trên đồng sau mùa gặt. Năm ấy, tôi học lớp 5, bão nhiều, nhà tôi thu hoạch lúa xong, tôi đi học về thấy má tôi nằm võng khóc. Tôi hỏi, má không trả lời. Tôi cũng không dám hỏi nữa nhưng trong lòng cứ thắc mắc. Sau đó mới tình cờ biết được bão về nên giá lúa thấp, nhà không trả hết nợ, thế là má rầu quá, nằm khóc. Chuyện này, cho đến bây giờ vẫn còn là nỗi ám ảnh, day dứt trong lòng tôi…
Từ tiểu học cho đến cấp 3, chẳng có lúc nào tôi học mà đầy đủ sách. Có khi nhập học cả nửa học kì, tôi cũng không có sách, cứ “học ké” bạn. Có lúc thầy cô cho bài tập về nhà, tôi rất lo, phải tranh thủ chép lại bài tập rồi về làm. Đêm đêm, dưới bóng tối lu mờ của ngọn đèn dầu, tôi thẩn thờ, lắng nghe tiếng ếch nhái kêu vang ngoài đồng và tiếng lách tách của con thiêu thân lao vào ngọn đèn. Tôi biết lúc ấy dù không nói ra, nhưng ba má tôi cũng khổ tâm lắm, vụ mùa chưa tới, chả lẽ phải đi vay mượn hoài. Cánh đồng mùa vàng, trĩu bông, đang nẩy hạt căng mình trước nắng gió nhưng số phận thì lệ thuộc hoàn toàn vào người khác, số phận của gia đình tôi cũng lệ thuộc như thế…
Có những đêm mưa rả rít, nghe tiếng đêm dài thăm thẳm, tôi chợt nghĩ đến con đường lầy lội mình phải đi qua, cả một mùa mưa dài đăng đẵng và cả một đời dài dịu vợi mà lòng quặn thắt, tôi cứ khóc và chập chờn giữa cơn mơ thời trẻ dại, con mơ ấy kéo dài và những giọt nước mắt ấy cứ lăn dài … cho đến những ngày tôi đã trở thành cô giáo trẻ, mang bao nhiêu ước mơ bước vào đời, quẳng đôi gánh kí ức nặng trĩu đôi vai để cười đón tương lai, thỉnh thoảng cơn mơ ấy làm tôi bật dậy, quệt dòng nước mắt thấm đẫm và thật khó khăn để tiếp tục giấc ngủ.
Mỗi lần chở con gái về quê ngoại, chạy dọc triền đê hun hút uốn lượn, ôm lấy cánh đồng vàng trĩu hạt giữa cái nắng xế chiều nhàn nhạt, tôi hỏi con gái, “Con có biết đây là mùi gì không?!”, “Dạ, con không biết!”, “Đây là mùi cánh đồng quê hương đã sinh ra và nuôi mẹ lớn khôn đó con!”, “Ủa, mùi cánh đồng là sao hả mẹ…?” (Con gái tôi vô tư hỏi và khi nghe tôi giải thích thì gật đầu lia lịa nhưng chắc không hiểu nhiều đâu). Lúc ấy, tim tôi nhoi nhói và sóng mắt cay cay. Tôi chợt nhớ đến quay quắt mùi hương nồng nồng, ngai ngái của rơm rạ, cái mùi gắn chặt với mảnh đất quê nghèo nuôi tôi khôn lớn, tôi nhớ đến bao la những cánh đồng chim én chao lượn và những tiếng xuồng ghe mùa thu hoạch, tôi nhớ ba tôi, má tôi một đời vất vả, nhớ những con người nghĩa tình, chất phác, nhớ một cô bé nho nhỏ, đen nhẻm, có một “tuổi thơ dữ dội”, cứng cỏi giữa chông gai, mang bao nhiêu niềm mơ ước, mạnh mẽ bước đi giữa cuộc đời và thầm nói lời cảm ơn cánh đồng quê hương…
Sóc Trăng, tháng 10/2016
Triệu Thị Ngọc Diễm
Địa chỉ: Phòng Công tác HSSV - Trường Cao đẳng Sư phạm Sóc Trăng
TIN LIÊN QUAN
- Tin địa phương
- Học và làm theo gương Bác
- Lễ hội Oóc-om-bóc - Đua Ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng
- Tin trong nước
- Đời sống - Xã hội
- Tin thế giới
- Doanh nghiệp - Người tiêu dùng
- Giáo dục - Khoa học & Công nghệ
- Nông nghiệp - Nông thôn
- Pháp luật - Cải cách hành chính
- Lực lượng vũ trang
- Đoàn thể
- Thông báo
- Góc doanh nghiệp
Khuôn viên UBND tỉnh Sóc Trăng làm điểm tham quan, giải trí trong dịp Tết
Du lịch vườn đón Tết
Sóc Trăng thực hiện nhiều chính sách kêu gọi đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp
Thanh niên Vĩnh Châu vui Xuân không quên nhiệm vụ
Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng thăm, tặng quà Tết cho đội ngũ y, bác sĩ và công nhân trực đêm Giao thừa
Trailer Những hoạt động chính Lễ hội Óoc Om Bóc Đua ghe Ngo khu vực ĐBSCL lần thứ VI và tuần lễ VHTT&DL lần thứ I - 2024
Đài PT-TH Sóc Trăng thông báo tuyển hợp đồng lao động (17-09-2024)
HĐND tỉnh Sóc Trăng thông báo Kỳ họp thứ XXIII (Chuyên đề) HĐND tỉnh Sóc Trăng, Khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026
Công văn số 1963 - CV-TU về Lễ Quốc tang Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Công Văn 1633-CT-TU về việc thực hiện nghiêm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.
Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.
Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.
Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.
Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.
® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.