ĐỒNG LẠ - Trần Hà Giang (Lượt xem: 3458)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Cuộc thi " Viết về cánh đồng Quê Hương"

Cập nhật: 13/07/2017

Tạm biệt tuổi thơ, vì ai cũng phải lớn. Tôi rời mái trường đại học, cất tấm bằng tốt nghiệp chuyên ngành Luật rồi đi làm phóng viên ở Đài truyền hình tỉnh nhà. Có những ngày đi đi về về hàng trăm cây số, ôm trong tay những cảnh quay đủ màu xanh đỏ tím vàng, vậy mà tôi cứ nhớ mãi những cánh đồng trải miết một màu xanh cứ lao vùn vụt qua tầm mắt.

ĐỒNG LẠ - Trần Hà Giang
Đồng lạ

 (Nguyên bản của tác giả)

           “Chị hai viết dùm em bài văn tả cánh đồng đi, cô bắt viết mà khó quá viết hổng được!”

             Con bé ngước mắt, trong đôi mắt đó ánh rõ một niềm tin dữ dội về khả năng của chị nó, rằng đối với chị nó, cánh đồng chỉ là một cái gì cỏn con nằm gọn trong lòng bàn tay, chỉ cần vươn vai ngồi xuống là sẽ trả lại cho nó ngay một đôi giấy đầy chữ. Cái ánh mắt đó làm con nhỏ chị nao lòng, chẳng biết giải thích làm sao, bởi căn nhà mặt phố, bởi cả tuổi thơ chị em nó chỉ gói gọn trong khoảng sân lót bạch bông nực nồng mùi nước lau nhà thơm phức, bởi cánh đồng chỉ gắn với hạt gạo trắng tinh nằm gọn gàng trong chiếc chén sứ in hoa đủ màu. Con bé em vẫn ngặt nghèo, lời từ chối của nhỏ chị gái không có tác dụng nên đành gỡ lại bằng một câu hẹn “Nếu nghĩ ra được gì thì sẽ kể cho nhỏ, nghe!”.

          Đời là vậy, lắm lúc thấy mình như đứa trẻ khờ dại vướng vào những chuyện ẩm ương, tìm đâu ra cánh đồng cho đúng ý cô giáo? Tìm đâu ra mùi rạ đồng giữa lớp khói bụi chia tầng của xe hơi, xe ga, nhà máy? Và quan trọng nhất là tìm đâu ra cái cảm giác nao nao khi đứng trên bờ đê nhìn hạt lúa chuyển vàng giữa mùa giáp hạt? Con nhỏ chị - là tôi, lục tìm giữa mớ ký ức hỗn độn những thân thương giữa nó và những cánh đồng lúa tưởng quen mà lạ quá. Tôi nhớ tới căn nhà cũ hơn chục năm về trước, nhớ đến con thỏ bông có cái lỗ mũi được đơm bằng một cái nút gỗ bị nứt làm đôi. Đó là những ngày chiều, ba nó cởi vội chiếc áo sơ vin, cứ thế khoe cái bụng tròn để chạy vội theo bón từng muỗng cơm, trong khi tôi còn mải mê nhìn con diều cá mập nhởn nhơ trên bầu trời xanh ngắt. Lần đầu tôi được đặt chân xuống đồng là khi lúa đã cắt, đồng đã đốt xong, lớp đất dưới chân đã chắc nịch, khô ráo. Đến bây giờ tôi còn nhớ mãi cái đầu tóc cháy vàng hoe của cậu bạn chăn bò, chú bò to khệ nệ bỗng trở thành chú chó phèn hiền khô, nằm phơi mình dưới nắng chiều, đợi chủ. Mùi gốc rạ cháy với chút bụi than đen đen bám vào gót chân, tạc nào trong trí nhớ tôi một cánh đồng tuổi thơ đủ hương sắc.

          Lớn hơn một chút, cánh đồng gần nhà nằm xuống dưới hàng tấn nhựa đường, hàng cỏ lau được thay bằng dãy đèn đường thẳng tắp, cậu bé chăn bò năm xưa giờ chắc vẫn đang bươn chải ở nơi nào đó. Không biết giờ cậu và… những con bò của cậu đang ở đâu, và liệu bây giờ cánh diều có đổi được của cậu tiếng cười giòn như chục năm về trước?

          Tạm biệt tuổi thơ, vì ai cũng phải lớn. Tôi rời mái trường đại học, cất tấm bằng tốt nghiệp chuyên ngành Luật rồi đi làm phóng viên ở Đài truyền hình tỉnh nhà. Có những ngày đi đi về về hàng trăm cây số, ôm trong tay những cảnh quay đủ màu xanh đỏ tím vàng, vậy mà tôi cứ nhớ mãi những cánh đồng trải miết một màu xanh cứ lao vùn vụt qua tầm mắt. Cánh đồng đến với tôi qua câu chuyện của cô học trò nghèo đã mấy năm rồi em không được gặp cha, người phụ nữ em gọi là “mẹ”, trong tiếc nấc chị chỉ cho tôi xem mảnh ruộng nhà, giờ đã đứng tên người khác. Mười công ruộng lúa trổ đòng, hứa hẹn một mùa ấm no cho người chủ đất… mà giờ đâu phải là chị nữa. Ánh mắt chua chát của chị cứ làm tôi ray rứt mãi câu hỏi “Liệu cánh đồng đã lỡ thân quen…. có thể làm người ta đau đến thế nào?”

           Cánh đồng đến với tôi trong những ngày đến thăm Ba Trúc – Tri Tôn, bức ảnh trắng đen ở Cánh đồng Cầu sắt Vĩnh Thông khiến tôi ám ảnh mãi. Những xác người còng queo, rải đầy nơi cánh đồng như những cây mạ bị gả khổng lồ gieo xuống mảnh đất vừa xới cày. Đó là những ngày tôi cố gắng chạy về thật nhanh để hình ảnh cánh đồng chẳng lọt kịp vào màn mắt, vì tôi chỉ sợ quay ngang. Đồng của tôi trông chẳng thấy màu xanh mà lại chuyển đỏ, đỏ như những ngày đồng bào của tôi nằm im lìm trên cánh đồng quê cha đất tổ, đỏ gay như ánh mắt bà cụ già, kể lại chuyện đã ngót nghét 40 năm.

             Nghĩ lại, nghề làm truyền hình đưa tôi đến nhiều nơi. Cho tôi thấy đằng sau mỗi cánh đồng là những câu chuyện, những mảnh đời, những phận người cứ khấp khởi đến rồi đi. Cánh đồng thơ ấu theo dấu chân tôi chuyển màu bởi những băn khoăn, nỗi niềm mà tôi trót rót vào lòng. Biết kể làm sao với đứa em gái nhỏ, biết nói làm sao cho em hiểu được những cánh đồng em chưa                                  từng đi qua. Chiều nay tôi chạy ra con đường sau trường, chọn mua một con diều trong tầm tay với. Nôn nao như một đứa trẻ, tôi chạy thật nhanh về nhà để bắt đầu kể lại cho em câu chuyện về cánh đồng trong tôi ngày còn thơ ấu.

 

 

          Tác giả: Trần Hà Giang

           Địa chỉ: 42A/27 Trần Văn Ơn – Phường Mỹ Thới – Thành phố Long Xuyên – Tỉnh An Giang.

           


TIN LIÊN QUAN

QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online