Đi qua mùa gặt (Lượt xem: 3383)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Cuộc thi " Viết về cánh đồng Quê Hương"

Cập nhật: 28/11/2016

Đối với những người sinh ra và lớn lên ở thôn quê thì dường như cánh đồng đã trở thành một phần ký ức chẳng thể nào quên được. Bởi nó gắn liền với tuổi thơ – phần thời gian trong trẻo nhất của đời người.

Đi qua mùa gặt
Đi qua mùa gặt

(Nguyên bản của tác giả) 

Đối với những người sinh ra và lớn lên ở thôn quê thì dường như cánh đồng đã trở thành một phần ký ức chẳng thể nào quên được. Bởi nó gắn liền với tuổi thơ – phần thời gian trong trẻo nhất của đời người.

Quê tôi thời trước chỉ trồng được một vụ lúa. Tháng Sáu âm lịch, khi mùa mưa vừa đến thì cả vùng quê rộn ràng chuẩn bị gieo mạ. Đến tháng Bảy, tháng Tám, bắt đầu cấy. Cây lúa cứ thế mà chắt chiu tinh túy của đất trời, và lớn lên. Thời ấy, trẻ con vô tư lắm! Chỉ biết rằng mình yêu cây lúa vì nó làm ra hạt gạo. Và mình yêu quê hương vì nơi ấy có cây lúa. Mọi thứ tình cảm đều thanh tao như sắc hương của cây lúa vậy!

Tôi thích lắm cái cảm giác mỗi sáng, bước ra sau nhà và vươn vai đón ngày mới. Trước mặt tôi là màu xanh non của những đồng lúa nối tiếp nhau, trải dài đến tận chân trời. Nắng xuyên qua những giọt sương, long lanh như giọt thủy tinh đang nằm mơ ngủ trên ngọn lúa. Thỉnh thoảng, từng cơn gió thổi nhẹ qua, những cây lúa đồng loạt khẽ lung lay, vỗ giọt sương bay lên không trung rồi bỗng vỡ tan giữa màu nắng, khiến cho không gian quê tôi tựa hồ một miền vũ khúc. Vị trong của hương lúa, vị ngọt của sương sớm, và cái dìu dịu của nắng mai. Êm ả đến lạ thường!

Đến tháng 11, tháng Chạp là mùa gặt.

Lúa sắp chín, mặc dù trên đồng đã có vài chú bù nhìn rơm nhưng anh em tôi vẫn được phát nào nắp, xoong, thùng thiếc để đuổi chim sẻ. Khi chim vừa sà xuống, chúng tôi vội gõ thùng, khua nắp loảng xoảng để chúng hốt hoảng bay đi. Bầy này bay đi thì bầy khác bay đến, chúng tôi cứ chạy lăng xăng cho đến tối mới thôi.

Lúa gặt xong, gia đình nào cũng tụ tập lại với nhau để tuốt lúa. Tiếng động cơ của những chiếc máy tuốt vang đều khắp xóm, cùng với tiếng chuyện trò vui vẻ làm nên giai điệu của ngày mùa. Lúa được cho vào bao, rồi vác vào nhà bởi những người đàn ông khỏe mạnh. Tối đến, bà con trong xóm tụ tập trước sân nhà một người nào đó, kể chuyện ngày mùa, ôn chuyện đời mình. Những ngày tiếp theo, con đường quê bỗng chốc được phủ lên một màu vàng tươi mới của thóc lúa đang phơi. Hạt lúa phải một nắng hai sương, từ gieo cấy đến trổ bông, gặt rồi phơi là cả một quá trình đầy mồ hôi và nước mắt.

Khi mùa gặt đã xong, rơm được chất thành từng đống để đưa về nhà nhóm lửa, phần còn lại để trên đồng, gần đến mùa gieo hạt thì đốt làm phân hữu cơ nuôi dưỡng những mầm non mới.

Vào những buổi chiều nghỉ học, tôi rủ đám bạn trong xóm thả diều trên những mảnh ruộng vừa gặt xong. Tôi hay tìm những cọng rạ to để làm kèn rồi chia cho đám bạn cùng thổi. Tiếng “toe toe” cứ vang vang trong gió chiều. Một cảm giác bình dị, thân thương.

Không chỉ vậy, chúng tôi còn tinh nghịch chơi quanh ụ rơm cao ngất, lăn dài, rồi rúc mình vào trong rơm để ngửi một mùi thơm nồng nàn, đặc trưng. Mặc dù tối về thấy ngứa nhưng miệng đứa nào cũng cười mãi không thôi.

Ngoại tôi bảo, người nhà quê chỉ biết gắn mình với con trâu, đồng lúa, ụ rơm để tìm niềm vui. Nếu một ngày nào đó mà không thể tiếp tục ra đồng nữa, sẽ buồn lắm! Ông bà tôi nuôi đàn con khôn lớn nhờ hạt thóc. Cha mẹ tôi yêu nhau, hò hẹn nhau nơi ụ rơm trước nhà, giữa những đêm trăng sáng như gương. Rồi sắc lúa, hương rơm nuôi dưỡng tâm hồn tôi trong trẻo, thuần khiết. Tất cả đều nhẹ nhàng mà thấm đẫm nghĩa tình, tình đất – tình lúa – tình người. Tôi hiểu vì sao ngoại tôi vẫn thường ru đời bằng một khúc ca của Trịnh: “Đời sao im vắng, như đồng lúa gặt xong”.

Nhiều năm sau, người dân quê tôi dần chuyển canh tác từ đất ruộng sang đất nuôi tôm. Đám bạn một thời cũng rời quê hương lên Sài Gòn mưu sinh. Ngoại tôi không còn ra đồng vì tuổi cao sức yếu. Những đàn chim sẻ chắc cũng đang mải mê sải cánh mà không về đây như trước nữa. Không còn ai gõ thùng, khua nắp, cũng chẳng ai hò reo khi nhìn thấy chiếc máy tuốt nhả hạt lúa vàng tươi vào bao và phun rơm lên bầu trời nữa. Những chiếc liềm cắt lúa được thay thế bằng máy gặt đập liên hợp. Cuộc sống khấm khá hơn, nhưng cái không khí ngày mùa ấm cúng thì chẳng bao giờ trở lại.

Tôi xa quê, học Đại học. Cứ mỗi dịp về quê đúng ngay mùa gặt, tôi lại tự tay làm một con diều rồi chạy thật nhanh ra mảnh ruộng sau nhà, tung cánh diều bay theo chiều gió. Những lần như thế, mắt tôi lại ươn ướt, vì bất giác nhận ra rằng chỉ còn mỗi tôi, mỗi cánh diều chơi vơi giữa bầu trời rộng lớn.

Người ta bảo Cần Thơ là một đô thị đặc biệt, không thuần thành phố, cũng chẳng thuần thôn quê. Để hôm nay, giữa lòng mảnh đất được mệnh danh “thủ phủ của miền Tây”, tôi nghe trong gió mùi lúa chín, mùi rơm thơm, mùi cơm mới đang quyện hòa, ngào ngạt đến tận mũi.

 

Liệu còn mấy ai cảm thấy xốn xang mỗi khi mùa gặt về?

 

Họ và tên: Quách Minh Vinh

Nguyên quán: Đông Hải – Bạc Liêu

Hiện đang là sinh viên trường Đại học Cần Thơ, chuyên ngành Chính trị học

Địa chỉ hiện tại: Khu dân cư 91B, đường Nguyễn Văn Linh, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ

 

Bài dự thi Cuộc thi “Viết về cánh đồng quê hương”:

 


TIN LIÊN QUAN

QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online