CÁNH ĐỒNG ÔM TUỔI THƠ TÔI - Lê Minh Hải (Lượt xem: 6299)
>> TIN TỨC >> Cuộc thi " Viết về cánh đồng Quê Hương"
Cập nhật: 04/07/2017Tuổi thơ tôi cũng thật là êm ả với bao kỷ niệm không thể nào quên nơi cánh đồng làng. Cánh đồng vốn đã rộng rồi nhưng khi gặt xong thì hình như nó còn trải ra mênh mông hơn nữa. Những ngày chăn trâu, thả bò trên cánh đồng sau mùa gặt thật là sướng,
Cánh đồng ôm tuổi thơ tôi
(Nguyên bản của tác giả)
Cánh đồng quê tôi là cánh đồng chiêm trũng, chỉ cấy dược vụ chiêm, vụ mùa hầu như mất trắng. Ấy vậy mà vẫn phải cấy, biết đâu năm nay trời cho ăn. Dân làng tôi vẫn nói với nhau như thế mỗi khi rủ nhau cấy lúa vụ mùa.
Tôi nhớ có năm vào độ lúa bắt đầu chín thì mưa xối xả, mưa như trút nước xuống đồng, mưa suốt ngày suốt đêm. Thế là cả đêm dân làng tôi mất ngủ, mọi người lo lắng cho những ruộng lúa ngoài kia. Sáng ra mọi người hò nhau đi gặt lúa. Tiếng liềm hái lẻng xẻng, tiếng chân người, tiếng nói lao xao át cả tiếng mưa. Bố tôi đội thuyền, mẹ tôi cắp thúng sơn chạy ra đồng. Nếu có ai đó mới đến làng tôi chắc sẽ rất lạ, bởi không phải dân sông nước mà nhà nào cũng có thuyền và thúng sơn. Thì đấy, chúng nằm cả năm để rồi hạ thủy vào những dịp thế này để cứu lúa mà. Thường những dịp như thế, cánh đồng ngập nước trắng xóa, mênh mông, những thân lúa ngâm mình trong nước, bông lúa chấp chới đợi tay người. Tôi còn nhớ rõ dáng mẹ tôi cúi gập cố mò mẫm những bông lúa là mồ hôi, công sức bao ngày của mình, tay gặt lúa mà nước mắt mẹ lã chã rơi. Tôi nhớ bóng bố tôi gồng mình chống sào đưa chiếc thuyền nhỏ nhoi bạt gió, đội mưa chở lúa vào bờ. Đó là những năm may mắn còn vớt vát được, nhưng có những năm dân làng tôi chỉ biết nhìn nước mà kêu trời, mà rền rĩ, ủ ê…
Đấy là những hình ảnh cánh đồng của vụ mùa. Còn vụ chiêm thì lại khác hẳn, cả cánh đồng vàng rộm một màu vàng náo nức, màu của lúa chín hòa với màu nắng hè tạo nên một bức tranh tươi sáng diệu kỳ. Ngay từ lúc sáng sớm chưa rõ mặt người, dân làng đã kéo nhau ra đồng gặt lúa, tiếng cười nói xé toang màn sương. Những bàn tay của các bà, các chị thi nhau thoăn thoắt gặt lúa, tiếng liềm cắt lúa roàn roạt, tiếng những hạt lúa va vào nhau lao xao thật vui tai. Các ông, các bác, các anh thì thu lúa lại thành từng bó rồi gánh lúa về nhà. Trên con đường uốn lượn ở cánh đồng, hàng đoàn người gánh lúa nối dài như một đoàn quân bước đi hồ hởi, rộn ràng. Những ngày mùa như thế dường như những người nông dân như bố mẹ tôi không thấy mêt, mặc dù mồ hôi ướt đầm lưng áo, nhưng nụ cười vẫn nở trên môi sáng ngời rạng rỡ. Chao ôi! Đó là những năm được mùa.
Tuổi thơ tôi cũng thật là êm ả với bao kỷ niệm không thể nào quên nơi cánh đồng làng. Cánh đồng vốn đã rộng rồi nhưng khi gặt xong thì hình như nó còn trải ra mênh mông hơn nữa. Những ngày chăn trâu, thả bò trên cánh đồng sau mùa gặt thật là sướng, chúng tôi chẳng phải lo trông bò ăn lúa mà tha hồ vui chơi. Chúng tôi thích thú bắt châu chấu, muồn muỗm đem sâu thành từng sâu dài đem về rang lên ăn. Mùi thơm, vị bùi bùi ngầy ngậy ấy thật là khó quên.Ở ngoài đồng gió thổi lồng lộng thật mát mẻ. Chúng tôi tha hồ thả lên trời những cánh diều phấp phới, thả lên đó cả những mơ ước ngô nghê, thơ dại của mình. Có lần mải mê với bầu trời mà quên cả mặt đất, đến khi bàn chân trần vấp phải gốc rạ đến tứa máu mới giật mình xuýt xoa quay về thực tại. Trên cánh đồng quê, lũ trẻ chúng tôi đã có biết bao trò chơi tinh nghịch khác nữa, những tiếng nô đùa, những tiếng cãi vã, tranh giành vẫn văng vẳng trong tâm hồn tôi, gọi tôi về những ngày ấu thơ trong trẻo.
Tôi cũng rất nhớ những cọng rau má thơm ngon trong bữa cơm ngày nào. Thời ấy quê tôi còn nghèo, bữa cơm họa hoằn mới có thịt cá, thức ăn chủ yếu là rau, mà rau toàn những thứ mẹ kiếm ngoài đồng. Cánh đồng quê cũng nảy nở những loài rau thật là mát lành cho những bữa ăn nhà nghèo. Tôi cũng bao lần tha thẩn hái rau cải đồng về cho mẹ nấu canh. Mà phải nói rằng thứ rau ấy là ngon nhất, nó ngọt, đậm đà và mát lành lắm. Mà hình như nó thương người, nó sinh sôi nhanh và non mơn mởn gọi mời bàn tay tôi, tôi sung sướng hái chúng cho vào mũ đem về.
Bây giờ, cánh đồng quê tôi đã có trạm tiêu úng nên chẳng lo ngập lụt nữa, cánh đồng luôn được hai mùa lúa. Mùa gặt bây giờ cũng có nhiều máy móc, con người không phải vất vả. Sẽ chẳng còn cảnh mò mẫm vớt từng bông lúa như ngày xưa. Và những ngày no ấm bây giờ dễ làm người ta quên đi những gian khó của một thời. Tôi thì vẫn còn lưu luyến những ngày trong ký ức mình với bao cảm xúc. Những hình ảnh của cánh đồng quê luôn là một điều thật đặc biệt ở trong tôi. Cánh đồng đã ôm ấp tuổi thơ, nuôi lớn tôi từ đói nghèo và bao điều mộc mạc. Nghe đâu đây hương đồng thơm ngan ngát, vương vấn ở trong hồn…
Lê Minh Hải
ĐC: Xưởng Thành Phẩm, Công ty CP Prime Đại Việt, KCN Khai Quang, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc.
TIN LIÊN QUAN
- Tin địa phương
- Học và làm theo gương Bác
- Lễ hội Oóc-om-bóc - Đua Ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng
- Tin trong nước
- Đời sống - Xã hội
- Tin thế giới
- Doanh nghiệp - Người tiêu dùng
- Giáo dục - Khoa học & Công nghệ
- Nông nghiệp - Nông thôn
- Pháp luật - Cải cách hành chính
- Lực lượng vũ trang
- Đoàn thể
- Thông báo
- Góc doanh nghiệp
- Biến đổi khí hậu gây thiệt hại ngang khủng hoảng tài chính
- Mô hình “Dân vận khéo ở cơ sở”
- Chính phủ lấy ý kiến Dự thảo Nghị quyết về vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước, giai đoạn 2026 - 2030
- Điều chỉnh giá khám, chữa bệnh tăng theo lương cơ sở
- Ngôi vô địch 2 đội ghe Ngo Nam, Nữ tiếp tục thuộc về chùa Tum Núp, huyện Châu thành
- Trailer Những hoạt động chính Lễ hội Óoc Om Bóc Đua ghe Ngo khu vực ĐBSCL lần thứ VI và tuần lễ VHTT&DL lần thứ I - 2024
- Đài PT-TH Sóc Trăng thông báo tuyển hợp đồng lao động (17-09-2024)
- HĐND tỉnh Sóc Trăng thông báo Kỳ họp thứ XXIII (Chuyên đề) HĐND tỉnh Sóc Trăng, Khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026
- Công văn số 1963 - CV-TU về Lễ Quốc tang Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Công Văn 1633-CT-TU về việc thực hiện nghiêm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.
Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.
Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.
Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.
Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.
® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.