Sóc Trăng sơ kết mô hình Dự án Khuyến nông Trung ương (Lượt xem: 882)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Tin địa phương

Cập nhật: 01/04/2025

Chiều ngày 31/3, Trung tâm Giống nông nghiệp và Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng phối hợp cùng Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền tổ chức Hội nghị sơ kết mô hình Dự án Khuyến nông Trung ương “Xây dựng mô hình canh tác lúa giảm phát thải phục vụ phát triển bền vững vùng nguyên liệu lúa gạo xuất khẩu của Đồng bằng sông Cửu Long” tại tỉnh Sóc Trăng. Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo các đơn vị chuyên môn thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh cùng hơn 100 nông dân trong và ngoài mô hình.

Sóc Trăng sơ kết mô hình Dự án Khuyến nông Trung ương
Mô hình được triển khai tại HTX Nông sản Mỹ Hương tại ấp Trà Coi B, xã Mỹ Hương, huyện Mỹ Tú.

Mô hình được triển khai tại HTX Nông sản Mỹ Hương tại ấp Trà Coi B, xã Mỹ Hương, huyện Mỹ Tú trong vụ lúa Đông Xuân 2024 - 2025, với diện tích là 50 ha. Mô hình canh tác giống lúa ST25, áp dụng phương pháp sạ hàng có vùi phân. Nhờ tuân thủ đầy đủ quy trình canh tác lúa chất lượng cao phát thải thấp được ngành chuyên môn hướng dẫn như: giảm lượng giống gieo sạ, giảm số lần bón phân, phun thuốc, thực hiện phương pháp tưới ướt - khô xen kẽ… Mỗi ha lúa trong mô hình giúp nông dân tiết giảm chi phí sản xuất khoảng 4.500.000 so với ruộng đối chứng, nhờ vậy lợi nhuận cao hơn khoảng 15 triệu đồng/1 ha. Ngoài ra, do gieo sạ bằng máy sạ cụm, mật độ thưa nên trà lúa ít nhiễm sâu bệnh. Lúa cứng cây, sinh trưởng tốt với năng suất bình quân đạt từ 6,5 tấn/ 1 ha.

Theo ông Mai Quốc Biên - Giám đốc HTX Nông sản Mỹ Hương, xã Mỹ Hương, huyện Mỹ Tú cho biết: “Nếu ruộng khác sạ giống 120 ký/ 1 ha thì 1 ha trong mô hình chỉ gieo sạ khoảng 70 kg. Ngoài ra, việc sạ vùi phân giúp giảm được cử phân lúc đầu, việc rút nước giữa vụ giúp lúa cứng cây. Bên cạnh đó, còn hạn chế xịt thuốc bảo vệ thực vật, lượng phân bón cũng giảm hơn so với trước khi thực hiện mô hình. Nếu ngoài mô hình phun thuốc 1 vụ lúa như vậy là 6,7 lần thì trong mô hình chỉ cần từ 3 đến 4 lần phun thuốc.”

Tại hội nghị, bên cạnh việc đánh giá kết quả thực hiện và rút ra những bài học kinh nghiệm để nhân rộng trong thời gian tới, bà con nông dân còn được các cơ quan chuyên môn thông tin, hướng dẫn thêm về một số giải pháp canh tác lúa theo hướng giảm phát thải. Đồng thời, được các công ty cung cấp thiết bị nông nghiệp  thông tin thêm về các thông số kĩ thuật, cách sử dụng và bảo trì cũng như những chính sách hỗ trợ khi có nhu cầu mua sắm trang thiết bị phục vụ sản xuất.

Mô hình dự án “Xây dựng mô hình canh tác lúa giảm phát thải phục vụ phát triển bền vững vùng nguyên liệu lúa gạo xuất khẩu của Đồng bằng Sông Cửu Long” do Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền làm đơn vị chủ trì. Trong vụ lúa Đông Xuân 2024 - 2025, Dự án được triển khai tại 4 tỉnh với 6 mô hình trình diễn. Tại tỉnh Sóc Trăng, dự án được triển khai tại 2 địa phương là huyện Mỹ Tú và TX. Ngã Năm. Bên cạnh  mục tiêu chính là giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Dự án còn góp phần nâng cao nhận thức của nông dân trực tiếp tham gia mô hình về việc sản xuất có trách nhiệm với môi trường thông qua quy trình canh tác giảm phát thải. Qua đánh giá, hầu hết các mô hình được triển khai đều đạt đúng mục tiêu đề ra. Đảm bảo lợi nhuận sản xuất tăng từ 10 đến 15%, giảm được phát thải khí nhà kính khoảng 8 tấn khí cacbon.

Ông Trần Tấn Thành - Trưởng vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền cho biết: “Kết quả triển khai cho thấy lượng phân bón mà bà con đã sử dụng trong mô hình đã giảm đi rất nhiều so với tập quán canh tác của bà con trong mô hình, giảm gần 40 kg đạm nguyên chất và 50 kg lân nguyên chất. Khi thực hiện mô hình bà con cũng đã thực hiện được 3 lần rút nước: Giai đoạn từ 30 - 40 ngày, giai đoạn từ 55 - 65 ngày và giai đoạn trước khi thu hoạch khoảng 2 tuần. Việc giảm lượng nước tưới này cũng góp phần giảm phát thải khí nhà kín. Sau khi thu hoạch, phần rơm cũng sẽ được mang ra khỏi đồng, phần gốc rạ còn lại được xử lý bằng các chế phẩm sinh học”.

Thực hiện Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long”, tỉnh Sóc Trăng đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao toàn tỉnh là 38.500 ha, đến năm 2030 diện tích đạt 72.000 ha. Các quy trình trồng lúa thuộc dự án khuyến nông Trung ương khi triển khai và nhân rộng sẽ tạo thêm điều kiện để tỉnh hiện thực hóa mục tiêu đề ra. Góp phần thực hiện tốt cam kết của Chính phủ, đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050./.

Ngọc Thơ, Văn Đại


TIN CÙNG ĐỊA BÀN

QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online