Phát huy lợi thế kinh tế từ vùng trũng thấp (Lượt xem: 316)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Đoàn thể >> Cựu chiến binh Sóc Trăng

Cập nhật: 24/11/2024

Để giúp hội viên Cựu chiến binh (CCB) phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, thời gian qua, Hội CCB huyện Mỹ Tú đã tổ chức rút kinh nghiệm các mô sản xuất có hiệu quả để hội viên áp dụng phù hợp thổ nhưỡng tại địa phương và thị trường tiêu thụ. Tại Hội CCB xã Mỹ Phước, Mỹ Tú và Long Hưng có nhiều mô hình đã và đang cho hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ hội viên có cuộc sống khấm khá.

Phát huy lợi thế kinh tế từ vùng trũng thấp
Mô hình trồng Sen lấy ngó của CCB Trần Thanh Dân.

Trồng Sen lấy ngó

Mô hình trồng Sen đã được nhiều hộ dân và hội viên CCB các xã Mỹ Phước, Mỹ Tú và Long Hưng chọn trồng lấy ngó, lấy gương, vì nhiều khu vực ở các xã này trũng thấp, rốn phèn, nhiều đất Lung Bàu, canh tác lúa khó khăn, năng suất thấp nên cây Sen chiếm ưu thế hơn so với trồng lúa ở khu vực đất cao hơn.  

Ở lung Bàu Rán thuộc ấp Phước Thuận, xã Mỹ Phước, nhiều hộ dân đang thực hiện mô hình trồng Sen lấy ngó kết hợp nuôi cá để phát triển kinh tế gia đình. CCB Trần Thanh Dân có 2 ha đất thì 1ha trồng lúa, còn 1ha đất thấp hơn, ông trồng Sen lấy ngó. Theo ông Dân, trồng Sen lấy ngó không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên không tốn chi phí, nhẹ công chăm sóc. Bình quân, mỗi ngày thu hoạch trên 30kg ngó Sen, giá bán khoảng 30.000đ/kg, do đó, lợi nhuận kinh tế cao hơn gấp nhiều lần trồng lúa. 

Để có mô hình thành công như hiện nay, ông Dân cho hay, “nhờ anh, em trong Hội vận động chuyển đổi cây trồng, vật nuôi nên tôi chọn trồng cây Sen vì thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng đất đai và cho thu nhập ổn định. Phần đất thấp Lung Bàu phía dưới thì tôi trồng Sen, phần đất trên cao hơn thì trồng Lúa. Từ khi trồng Sen đến giờ, thu nhập gia đình ổn định hơn”.

Ở xã Mỹ Tú, Mỹ Phước chủ yếu là hộ trồng Sen lấy ngó cung cấp cho các chợ nông thôn. Còn ở xã Long Hưng khu vực lung Béc Trang thì hộ dân trồng Sen lấy Gương và tiêu thụ hạt Sen cho các đầu mối ở Đồng Tháp nên đầu ra rất ổn định. Khai thác lợi thế vùng trũng phèn ở Mỹ Tú không chỉ từ cây Sen mà còn có nguồn thu từ cá đồng, 1ha đất trồng Sen, sau mỗi đợt cải tạo lại mặt ruộng thì cá đồng cũng cho nguồn thu từ 15 - 20 triệu đồng, đất chuyên trồng Sen vẫn cho lợi nhuận luôn cao hơn so với đất chuyên lúa.

Tại huyện Mỹ Tú, có đến 2/3 đất nông nghiệp thuộc địa bàn trũng thấp. Phát huy đặc điểm tự nhiên của vùng trũng, người dân đã biết khai thác lợi thế tiềm năng đất đai, ao hồ để tăng gia sản xuất, đa dạng các mô hình kinh tế, làm giàu trên mãnh vườn, thửa ruộng của mình như mô hình Cá - Sen,  Cá - Bồn Bồn… Có nguồn thu nhập đa dạng từ các loài vật nuôi, cây trồng mà cuộc sống người dân ngày càng phát triển ổn định, khấm khá. Từ hiệu quả của mô hình, Hội CCB tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức tham quan đánh giá để rút kinh nghiệm, nhân rộng trong hội viên.    

Mô hình nuôi Ba Ba   

Huyện Mỹ Tú là vùng thấp, nguồn thức ăn tự nhiên khá phong phú từ Ốc bươu vàng, Cá đồng kết hợp với nguồn thức ăn công nghiệp nên mô hình nuôi con Ba Ba phát triển mạnh ở các xã Mỹ Tú, Hưng Phú và Mỹ Phước, có nhiều hộ nuôi khám khá, vươn lên làm giàu từ mô hình này.

Hội CCB tỉnh Sóc Trăng đến tham quan mô hình nuôi BaBa của CCB Võ Thanh Thủy (áo thun).

Ở xã Mỹ Phước, CCB Võ Thanh Thủy đầu tư 2 ao nuôi hơn 1.000 con Ba Ba sinh sản với diện tích 800 m². Sau 3 năm đầu tư, đến nay, ông Thủy trở thành điểm cung ứng Ba Ba giống có quy mô lớn ở địa phương. Bình quân mỗi ngày anh cung cấp trên 500 con giống Ba Ba cho hộ nuôi, với giá bán sỉ bình quân chỉ khoảng 1.500đ/con. So với trước đây, anh Thủy đã có nhiều kinh nghiệm nuôi, ấp trứng, kỹ thuật chăm sóc con Ba Ba giống nên với giá bán này, anh vẫn có lợi nhuận, vì giảm được chi phí do có nguồn thức ăn tự nhiên từ ốc, cá đồng.

Phát huy lợi thế này, nghề nuôi Ba Ba ở huyện Mỹ Tú phát triển mạnh, tạo nguồn thu nhập rất quan trọng ở nông thôn. Riêng hội CCB huyện Mỹ Tú khuyến khích hội viên chuyển giao con giống, kỹ thuật để phát triển rộng rãi đối tượng này. Mô hình nuôi Ba Ba của CCB Võ Thanh Thủy đã được hội viên CCB và người dân học tập, nhân rộng. 

Để có mô hình thành công như hiện nay, ông Võ Thanh Thủy cho hay, về nghỉ hưu, gặp lại anh em trao đổi, hướng dẫn cách làm chuồng, đào ao, chọn giống, chăm sóc nuôi Ba Ba… nói chung là bước đầu nhờ anh em giúp đỡ hết. Bây giờ mình bán giống, anh em, đồng chí, đồng đội hay bà con cần thì mình giúp. Cái nào mình giúp được thì mình giúp, còn cái nào vượt quá khả năng thì nhờ anh em khác hỗ trợ, mong sao anh em nuôi đạt hiệu quả cao để để phát triển kinh tế gia đình.

Mô hình trồng Keo lai

Nhiều năm nay, mô hình trồng cây Keo lai ở Mỹ Phước đã mang lại nguồn lợi kinh tế rất quan trọng đối với  nông dân ở khu vực rốn phèn quanh rừng tràm. Mô hình trồng cây Keo lai trong hội viên CCB trở thành những mô hình điểm để nông dân rút kinh nghiệm, vì biết tận dụng đất bờ bao, bờ kênh thủy lợi để trồng Keo lai để tạo ra nguồn thu nhập rất đáng kể. Trong đó phải kể đến hội viên Nguyễn Văn Thơi và Trần Văn Công với mô hình trồng Keo lai đạt hiệu quả cao hơn so với các loại cây trồng khác.

CCB Nguyễn Văn Thơi chia sẻ về hiệu quả từ mô hình trồng cây Keo lai.

Theo hội viên Nguyễn Văn Thơi, mình chọn loại cây trồng phải phù hợp thổ nhưỡng vùng đất thì trồng mới có hiệu quả. Nhiều năm qua, tôi với mấy anh em ở đây cũng nhờ chọn đúng cây Keo này trồng phù hợp mà bây giờ có nhà cửa ổn định. Lợi nhuận từ cây Keo nhiều hơn cây trồng khác.

Ngoài cây Lúa, Hội CCB huyện Mỹ Tú luôn khuyến khích hội viên phát triển thêm các đối tượng cây trồng, vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, thjị trường có nhu cầu, để tăng nguồn thu nhập, nâng cao mức sống. Ông Trương Tấn Lập (ảnh dưới) - Chủ tịch Hội CCB huyện Mỹ Tú, cho biết: các mô hình kinh tế của hội viên CCB huyện Mỹ Tú được Hội cấp trên đánh giá rất cao và tổ chức tham quan, rút kinh nghiệm nhân rộng mô hình làm ăn hiệu quả. Các mô hình kinh tế bắt đầu từ chủ trương “1 cây - 1 con” mà hội CCB huyện nhân rộng ra trở thành phong trào sản xuất đa canh, đa con để giúp hội viên phát triển kinh tế. Điển hình như mô hình nuôi BaBa của CCB Võ Thanh Thủy, mô hình trồng Sen lấy ngó của CCB Trần Thanh Dân… nói chung, nhờ thực hiện hiệu quả và nhân rộng các mô hình kinh tế rất đa dạng trong hội viên CCB mà đã tạo điều kiện để hội viên nâng cao đời sống.

Trung bình 1ha đất trồng Sen, 1.000m² nuôi Ba Ba, nông dân có nguồn thu khoảng từ 200 - 250 triệu đồng/năm, lợi nhuận cao hơn nhiều lần so với trồng lúa. Hội CCB huyện Mỹ Tú tiếp tục vận động, nhân rộng các mô hình kinh tế, để hội viên khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng trũng thấp mà chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế hiệu quả./.

Văn Hòa, Công Toàn


TIN CÙNG ĐỊA BÀN

QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online