Lễ hội Oóc-om-bóc 2024 - Du khách ấn tượng với Đèn nước và ghe Cà Hâu (Lượt xem: 824)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Lễ hội Oóc-om-bóc - Đua Ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng

Cập nhật: 21/11/2024

Lễ hội Oóc-om-bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng, khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng, lần thứ I năm 2024 diễn ra từ ngày 9-15/11 đã khép lại. Bên cạnh sự hấp dẫn, hào hứng của 60 đội ghe Ngo tranh tài thì trên sông Maspero, TP. Sóc Trăng, Đèn nước và ghe Cà Hâu được trình diễn đã để lại ấn tượng sâu sắc cho người dân, du khách trong và ngoài nước.

Lễ hội Oóc-om-bóc 2024 - Du khách ấn tượng với Đèn nước và ghe Cà Hâu
Ghe Cà Hâu trình diễn trên mặt sông Maspero TP. Sóc Trăng.

Đến Sóc Trăng những ngày giữa tháng 10 âm lịch hàng năm sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh đầy sắc màu của Lễ hội Oóc-om-bóc – đua ghe Ngo. Năm 2024 này, Lễ hội mang tầm khu vực nên Giải đua có 60 đội với gần 7.200 vận động viên, huấn luyện viên và nhân viên phục vụ cùng tham gia, trong đó có 48 đội của tỉnh Sóc Trăng và 12 đội đến từ các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang và TP. Cần Thơ tranh tài ở cự ly 1.200m Nam và cự ly 1.000m Nữ.

Tâm điểm của Lễ hội Oóc-om-bóc là Giải đua ghe Ngo. Những chiếc ghe với hình dáng thuôn dài, trang trí hoa văn sặc sỡ, lướt nhanh trên mặt sông. Trên ghe là hàng chục người nhịp nhàng tay chèo, quyết tâm đưa ghe về đích. Hai bên bờ sông là tiếng reo hò phấn khích của người xem. Những nụ cười chiến thắng, những giọt nước mắt tiếc nuối. Bầu không khí nhiều cảm xúc ấy, không ngôn từ nào diễn tả đủ. Phải một lần trải nghiệm mới có thể cảm nhận được.

Giải đua ghe Ngo đã khép lại sau 2 ngày tranh tài sôi nổi, hào hứng thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến xem. Lần thứ 2 liên tiếp ngôi vô địch ở nội dung ghe Ngo Nam và ghe Ngo nữ đều thuộc về chùa Tum Núp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng  

Những chiếc ghe đặc biệt thu hút sự chú ý của khách chơi hội, nhưng ít ai biết rằng, trong cuộc đua ghe Ngo ngày xa xưa, song hành với những chiếc ghe Ngo là hình ảnh của chiếc ghe Cà Hâu. “Hồi xưa, sư nghe các vị trước nói lại là ghe Cà Hâu để sử dụng cho các vị cao tăng đi tụng kinh, sử dụng làm ghe chở cơm phục vụ cho vận động viên ghe Ngo và chỉ huy các đội ghe Ngo”, Hòa thượng Dương Nê - Trụ trì chùa Prek Tà Cuôl, xã Thạnh Quới, nói.  

Du khách lưu lại hình ảnh chiếc ghe Cà Hâu và chiếc Đèn nước.

Ngày xưa, mỗi chiếc ghe Cà Hâu được làm từ thân cây to khoét rỗng, có kích thước khác nhau, thường có chiều dài từ 15 đến 20m, rộng từ 1m rưỡi đến 2m. Có 4 thành phần chính là thân ghe, mui ghe, mũi và đuôi ghe. Phần thân làm từ cây gỗ to. Phần mui ghe có trụ đỡ và các mảng vách gỗ ghép lại. Có cửa trước, cửa sau và cửa sổ hai bên hông. Mũi ghe Cà Hâu tương tự như mũi ghe Ngo, với hình dáng cong vút, nhô cao, nhưng có phần rộng rãi và cứng cáp hơn. Phần đuôi ghe được gắn thêm bánh lái để điều khiển, hỗ trợ cho tay chèo. Hiện nay, tại chùa Tum Núp, xã An Ninh, huyện Châu Thành vẫn còn lưu giữ chiếc ghe Cà Hâu có tuổi đời đã 2 thế kỷ.

Hàng thế kỷ trôi qua, hiện tỉnh Sóc Trăng còn khoảng 10 chiếc ghe Cà Hâu, trong đó 4 chiếc Cà Hâu được phục dựng lại tham gia trình diễn tại lễ hội Oóc-om-bóc và trưng bày tại chùa. Ghe Cà Hâu là hình ảnh đại diện cho tư duy thẩm mĩ của mỗi ngôi chùa. Trên chiếc ghe thường được trang trí hình ảnh biểu trưng của nhà chùa với nhiều họa tiết, hoa văn đặc trưng của đồng bào Khmer. Do đó, người được chọn thực hiện công việc này thường là người đôi tay tài hoa, có nhiều năm kinh nghiệm, am hiểu về văn hóa truyền thống. Anh Sơn Bình Định ở xã Thạnh Quới, huyện Mỹ Xuyên, nói: Ghe Trà Cuôn thì con Rồng là hình tượng đặc trưng. Năm rồi mình vẽ rồng hết thân ghe. Năm nay, mình chỉ vẽ đuôi với đầu rồng, còn lại vẽ hoa văn phù hợp với hoa văn ở trên.

Đông đảo du khách trong và ngoài nước đến xem trình diễn ghe Cà Hâu và thả Đèn nước.

Để vẽ trang trí cho một chiếc ghe Cà Hâu có vẻ đẹp rực rỡ phải mất thời gian từ 20 ngày đến 1 tháng. Người thợ phải chăm chút tỉ mỉ từng chi tiết; kết nối, phối hợp hài hòa giữa các màu sắc với từng nét vẽ. Do đó, Ghe Cà Hâu còn là một công trình nghệ thuật, thể hiện tài năng, chứa đựng tâm huyết của những người thợ.  

Kể từ năm 2016, ghe Cà Hâu đã được đưa vào trình diễn trong Lễ hội Oóc-om-bóc - đua ghe tỉnh Sóc Trăng hàng năm. Năm nay, trên mặt sông Maspero, hình ảnh của những chiếc ghe Cà Hâu và Đèn nước lung linh tỏa sáng đã khiến cho người chứng kiến không khỏi trầm trồ trước vẻ đẹp của chiếc ghe huyền thoại. “Đây là một trong những nghi thức lâu đời, mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer trong mỗi thôn xóm để tạ tội với nước và đất qua quá trình 1 năm bà con sinh sống, lao động, sản xuất làm ô uế đất và nước. Điều này cho thấy đồng bào Khmer đã có sự giáo dục bảo vệ môi trường trên 2.000 năm rồi”, ông Thạch Văn Mến - Nguyên Trưởng Phòng Dân tộc huyện Trần Đề, nói.

Lung linh Đèn nước trên mặt sông Maspero, TP. Sóc Trăng.

Cũng theo ông Thạch Văn Mến, hồi trước chỉ làm bằng những vật liệu đơn giản sẵn có xung quanh như thân cây chuối, thân cây trúc, chứ không có làm quy mô như bây giờ, chỉ có lồng đèn, nước, hoa, rồi thả đi, với ý niệm cầu nguyện Quốc thái Dân an. Ngày nay do cuộc sống sung túc hơn nên ghe Cà Hâu được người ta làm thành biểu tượng như chánh điện hay các sala rồi thả xuống nước.

Ngày nay, chiếc Đèn nước đã có nhiều cải tiến. Người thợ thường sử dụng nhiều vật liệu mới, các thiết bị điện tử và mất khoảng nửa tháng tỉ mẩn từng chút để làm nên những chiếc đèn nước vừa đẹp vừa gọn nhẹ, mô phỏng theo kiến trúc ngôi chánh điện hoặc hình dáng ngọn tháp để kinh thư trong chùa, dễ dàng khi vận chuyển, tiết kiệm rất nhiều thời gian. Riêng với những chiếc đèn làm bằng gỗ, từng chi tiết được chạm khắc, từng đường nét được tỉ mẩn vẽ nên bằng đôi tay khéo léo của người thợ, vẫn là một vẻ đẹp rất riêng biệt.

Đích đến của những đoàn rước Đèn nước là ngôi chùa địa phương. Mọi người cùng tề tựu, thắp hương, cúng dường, nghe sư đọc kinh cầu nguyện, thể hiện lòng biết ơn và tạ lỗi với đất, với nước và mong một năm mới với mùa vụ mới thắng lợi.

Chị Kim Dương lưu lại trên điện thoại của mình những hình ảnh chiếc ghe Cà Hâu và chiếc Đèn nước.

Lần đầu tiên được xem trình diễn ghe Cà Hâu và thả Đèn nước, chị Kim Dương chia sẻ: Bên Canada không có Lễ hội trình diễn ghe Cà Hâu và thả Đèn nước như thế này. Dự xem tôi thấy rất vui, đèn trang trí rất đẹp. Tôi rất thích vì nó giống như ngôi chùa nhỏ trên chiếc tàu, sáng trưng trên mặt sông. Tôi sẽ trở lại để xem trình diễn ghe Cà Hâu và thả Đèn nước.

Đèn nước và ghe Cà Hâu được trình diễn lung linh vào mỗi dịp Oóc-om-bóc hàng năm trên mặt sông Maspero làm sống dậy ký ức trong lòng nhiều người, để lại ấn tượng sâu sắc cho người dân, du khách trong và ngoài nước. Bên cạnh quảng bá Lễ hội, còn góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của tỉnh Sóc Trăng./.

Phương, Lâm Huy


TIN CÙNG ĐỊA BÀN

QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online