Ý nghĩa và nghi thức Lễ cúng Trăng trong Lễ hội Oóc om bóc (Lượt xem: 2890)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Lễ hội Oóc-om-bóc - Đua Ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng

Cập nhật: 03/10/2017

Cúng Trăng là Nghi thức chính của Lễ hội Oóc om bóc, một sinh hoạt tín ngưỡng mang ý nghĩa “Tạ ơn- Cầu xin”, góp phần hình thành nên tên gọi độc đáo của lễ hội.

 Ý nghĩa và nghi thức Lễ cúng Trăng trong Lễ hội Oóc om bóc
Nghi thức Lễ cúng Trăng trong Lễ hội Oóc om bóc của đồng bào Khmer.

      Đồng bào Khmer Nam bộ từ thuở khai khẩn đất hoang, dựng làng lập xóm,  chủ yếu sống bằng nghề nông, theo thời tiết hai mùa mưa nắng mà trồng màu và lúa nước. Hai mùa này ảnh hưởng quy luật tự nhiên theo chu kỳ của Mặt Trăng quay quanh Trái Đất, nên để tưởng nhớ công ơn thần Mặt Trăng điều hòa thời tiết, giúp ruộng rẫy trúng mùa, bà con lấy lúa nếp mới thu hoạch đem giã thành cốm dẹp làm lễ vật dâng cúng; nên Óoc om boc còn gọi là Lễ cúng Trăng hay Lễ đút cốm dẹp. Ngoài ra Lễ cúng còn gắn với truyền thuyết về Đức Phật qua sự tích Con Thỏ và Mặt Trăng. Dù xuất phát từ truyền thuyết hay tín ngưỡng, phong tục thì Lễ cúng Trăng là tấm lòng thành kính biết ơn của đồng bào Khmer dành cho đấng siêu nhiêu đã ban cho con người nguồn sống ấm no tốt lành. Nhà nghiên cứu Châu Ôn, giảng viên Viện Phật học Phật giáo Nam tông Khmer ĐBSCL, lý giải: “Tập tục cúng Trăng là của nông dân Khmer, vì trong suốt một năm canh tác đất bị cày xới, cây cối bị chặt phá... bà con sợ mang tội với trời đất, nên phải cúng Trăng để tạ lỗi và xin cho việc canh tác mùa màng trong năm tiếp theo được thuận lợi, trúng mùa, mọi người mạnh khỏe, bình an”.

Lễ cúng được tổ chức ở nơi rộng rãi, bàn lễ được trang trí đơn sơ, vật cúng giản dị nhưng nhiều ý nghĩa. Ngoài lễ vật bắt buộc phải có là cốm dẹp, còn lại đều là nông sản do bà con tự trồng như: Dừa tuơi, khoai môn, khoai mì, khoai lùn, chuối xiêm, thêm một số hoa quả và nước ướp hoa thơm, thường là 11 thứ. Khi lễ vật dọn xong, tất cả các thành viên trong gia đình hay xóm làng ngồi trang nghiêm, chắp tay huớng về mặt Trăng. Vị cao niên được gọi là A Cha-  người  đức cao vọng trọng, có uy tín, đứng ra làm chủ lễ đốt nhang, nến, rót trà, khấn vái nói lên lòng biết ơn của bà con đối với Thần Mặt Trăng và xin Thần tiếp nhận lễ vật dâng cúng, tiếp tục ban phước cho mọi người có cuộc sống ấm no, yên lành. Kết thúc lễ cúng là nghi thức không thể thiếu là đút cốm dẹp. Nhà nghiên cứu Châu Ôn giải thích:“ Khi cúng Trăng rồi phải xin vật cúng đút cho con cháu, các cháu ước điều gì thì hãy hướng ánh mắt về Mặt Trăng cầu nguyện, A Cha sẽ giải thích các cháu muốn được như điều vừa ước nguyện thì phải ra sức học tập, lao động để điều mong ước thành hiện thực”.

Toàn cảnh lễ cúng Trăng

Ngày trước Lễ cúng diễn ra ở từng nhà, vài thập kỷ gần đây, nhiều nơi tổ chức lễ cúng trong chùa với sự chứng kiến của các sư và đông đảo phật tử nhằm tăng thêm phần thiêng liêng, long trọng. Lễ diễn ra đúng đêm rằm cũng là ngày cuối cùng của hội đua ghe Ngo. Riêng du khách gần xa nếu không có điều kiện, thời gian nán lại thêm 1 ngày  nữa ở Sóc Trăng để vào những xóm làng có đồng đồng bào Khmer sinh sống  xem tận mắt Lễ cúng Trăng, thì vẫn có thể thưởng thức nghi thức độc đáo này vào buổi phục dựng trong những đêm hội lễ tại TP Sóc Trăng. Theo lịch của Ban Tổ chức, phục dựng Lễ cúng Trăng trong Lễ hội Oóc om bóc – Đua ghe Ngo Sóc Trăng lần thứ 3 – Khu vực ĐBSCL 2017 sẽ thực hiện tại Chùa Khleang, bắt đầu từ 19 giờ 30 phút, ngày 1/11/2017./.

Quốc Khởi


QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online