Vụ lúa Đông Xuân: Khuyến cáo lịch thời vụ, giống, biện pháp canh tác và sâu bệnh (Lượt xem: 1353)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Nông nghiệp - Nông thôn >> Khuyến Nông - Khuyến Ngư

Cập nhật: 15/09/2023

Trong nhiều năm trở lại đây thì vụ lúa Hè Thu vừa qua được đánh giá là thắng lợi nhất đối với nông dân Sóc Trăng. Năng suất lúa đạt cao, giá bán liên tục tăng đã giúp nông dân tăng lợi nhuận từ 5 - 7 triệu đồng/ha. Niềm hứng khởi này đã tạo động lực cho nông dân trong tỉnh chuẩn bị tốt khâu làm đất để xuống giống vụ lúa Đông Xuân với hy vọng tiếp tục trúng mùa, được giá.

Vụ lúa Đông Xuân: Khuyến cáo lịch thời vụ, giống, biện pháp canh tác và sâu bệnh
 Nông dân sạ lúa Đông Xuân sớm.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện tượng El Nino tiếp tục duy trì tới đầu năm 2024 với xác suất khoảng 80-90%. Tháng 11/2023, tổng lượng mưa ở mức thấp hơn từ 5-20% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Từ tháng 12/2023 đến tháng 1/2024 tổng lượng mưa phổ biến xấp xỉ trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Tổng lượng dòng chảy từ thượng lưu sông Mê Kông về hạ lưu và ĐBSCL từ tháng 11/2023 đến tháng 1/2024 có xu thế giảm dần và có khả năng ở mức thấp hơn từ 10-20% so với trung bình nhiều năm. Trong các tháng đầu mùa khô 2023-2024, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều. Như vậy, mùa mưa năm nay có khả năng kết thúc sớm trong tháng 11/2023, cùng với ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên khả năng mùa khô năm 2023-2024 chịu ảnh hưởng của mặn xâm nhập cao và gay gắt so với trung bình nhiều năm. Để sản xuất vụ lúa Đông Xuân thành công, nông dân cần gieo sạ theo lịch thời vụ khuyến cáo của ngành chuyên môn để lúa ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết, khí hậu, sâu bệnh.

Chuẩn bị đất để gieo sạ theo lịch khuyến cáo của ngành chuyên môn.

Lịch thời vụ của ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo:

* Đợt 1: Gieo sạ từ 1/9 đến hết tháng 10/2023 (xuống giống khoảng 62.000 ha), tập trung trên địa bàn toàn huyện Kế Sách, các xã Hồ Đắc Kiện, Thiện Mỹ, An Ninh, Thuận Hòa, thị trấn Châu Thành (huyện Châu Thành); các xã Thuận Hưng, Mỹ Thuận, Phú Mỹ, Mỹ Hương (huyện Mỹ Tú); các xã Thạnh Trị, Thạnh Tân, Tuân Tức, Lâm Tân, Lâm Kiết (huyện Thạnh Trị); một phần các xã Thạnh Phú, Thạnh Quới, Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên).

* Đợt 2: Gieo sạ trong tháng 11 và trước 20/12/2023 (xuống giống trên địa bàn toàn tỉnh khoảng 86.000 ha) ở các xã Thạnh Trị, Châu Hưng, Hưng Lợi, Phú Lộc, Tuân Tức (huyện Thạnh Trị); xã Tham Đôn, TT. Mỹ Xuyên (huyện Mỹ Xuyên); các xã Mỹ Phước, Mỹ Tú, Hưng Phú, Long Hưng, Thuận Hưng, Mỹ Thuận (huyện Mỹ Tú); các xã Phú Tâm, An Hiệp, Phú Tân (huyện Châu Thành); toàn huyện Trần Đề ; các phường của TP. Sóc Trăng, toàn huyện  Long Phú và toàn TX. Ngã Năm .

* Đợt 3: Gieo sạ dứt điểm trước 30/12/2023 (xuống giống khoảng 23.000 ha) ở các huyện Châu Thành (trừ các xã Phú Tâm, An Hiệp, Phú Tân), toàn huyện Kế Sách; các xã Phú Mỹ, Mỹ Thuận, Thuận Hưng, Mỹ Hương (huyện Mỹ Tú); các xã Thạnh Tân, Vĩnh Thành, Lâm Tân, Vĩnh Lợi (huyện Thạnh Trị); một phần các xã Thạnh Quới, Thạnh Phú, Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên).

Các địa phương có diện tích sản xuất nằm trong vùng có khả năng bị hạn, mặn xâm nhập như: Trần Đề, Long Phú, Mỹ Xuyên và TP. Sóc Trăng: cần tập trung gieo sạ trong tháng 10 & 11 dương lịch. Đối với những vùng trũng, ảnh hưởng của triều cường gây ngập úng thuộc các huyện: Mỹ Tú, TX. Ngã Năm, một phần huyện Thạnh Trị, một phần huyện Châu Thành, sau khi thu hoạch lúa Hè Thu cần xử lý đất sớm để gieo sạ vụ lúa Đông Xuân theo hình thức cuốn chiếu (thu hoạch đến đâu gieo sạ đến đó) để tránh ảnh hưởng của triều cường gây ngập không xuống giống được.

Huyện Mỹ Tú thuộc vùng trũng thấp, không chịu ảnh hưởng của mặn xâm nhập nhưng chịu tác động của triều cường gây ngập úng vào các tháng cuối năm, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất lúa. Mỹ Tú là vùng sản xuất lúa 3 vụ (lớn thứ 2 của tỉnh) với 22.990 ha nên việc sắp xếp, bố trí lịch thời vụ sao cho hạn chế thấp nhất ảnh hưởng do thời tiết và sự lây lan của các loài dịch hại từ vụ này qua vụ khác là điều rất cần thiết. Tại xã Mỹ Thuận là vùng sản xuất lúa 3 vụ. Sau khi thu hoạch lúa Hè Thu, nông dân khẩn trương chuẩn bị đất để sản xuất vụ lúa Đông Xuân. Theo anh Nguyễn Văn Xê ở ấp Tam Sóc D2, nói: “Vùng này không bị ảnh hưởng bởi nước mặn, do đó, chủ yếu là mình làm đất, be bờ cho thật kĩ để không cho nước từ bên ngoài tràn vô ruộng”.

Bên cạnh đó, nhiều nông dân còn linh hoạt chuyển đổi cơ cấu giống lúa để đạt năng suất cao “phần lớn vùng này sạ giống OM 34 là giống lúa triển vọng cho năng suất cao. Vụ Hè Thu năm rồi có một số bà con đã làm thử thì thấy năng suất cũng khá nên vụ này bà con tại đây xuống toàn bộ giống OM 34”, anh Lâm Hoàng Hưng (ảnh trên) ở ấp Tam Sóc D2, xã Mỹ Thuận, chia sẻ. Về phía ngành nông nghiệp địa phương, căn cứ vào khung lịch thời vụ chung được tỉnh khuyến cáo, đã kịp thời đưa ra lịch thời vụ xuống giống phù hợp với điều kiện thời tiết theo dự báo và đặc điểm của từng vùng. 

Theo lịch thời vụ mà ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo, trong Đợt 1 (gieo sạ từ 1/9 đến hết tháng 10/2023), các xã của huyện Mỹ Tú là Thuận Hưng, Mỹ Thuận, Phú Mỹ, Mỹ Hương sẽ xuống giống vụ lúa Đông Xuân. Theo đó, dự kiến từ đây đến cuối tháng 10, huyện sẽ có khoảng 9.000 ha xuống giống. Đợt 2 gieo sạ trong tháng 11 và trước 20/12/2023 gồm các xã Mỹ Phước, Mỹ Tú, Hưng Phú, Long Hưng, Thuận Hưng, Mỹ Thuận với khoảng trên dưới 14.000 ha. Đợt 3 (gieo sạ dứt điểm trước 30/12/2023) gồm các xã Phú Mỹ, Mỹ Thuận, Thuận Hưng, Mỹ Hương. Tổng diện tích toàn huyện đạt khoảng 23.200 ha. “Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện khuyến cáo nông dân xuống giống đồng loạt từng cánh đồng, gieo sạ né rầy, lựa chọn những giống lúa chủ lực, có năng suất cao. Trạm cử cán bộ của xã theo dõi, làm thông báo để bà con xử lý kịp thời, không để ảnh hưởng đến năng suất”, ông Nguyễn Văn Đầy - Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Mỹ Tú, cho hay. Đến nay, Mỹ Tú có khoảng 1.000 ha lúa Đông Xuân sớm đã xuống giống.

Cơ cấu giống lúa vụ Đông Xuân 2023 - 2024

Ngành chuyên môn khuyến cáo nông dân sử dụng giống xác nhận, ưu tiên sử dụng các giống lúa chất lượng cao, có khả năng chống chịu với những điều kiện bất lợi về thời tiết, dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu về thị trường tiêu thụ lúa gạo. 

Các nhóm giống lúa được khuyến cáo:

  1. Nhóm giống lúa chất lượng cao: OM 18, OM 5451,...
  2. Nhóm giống lúa thơm - đặc sản: các giống lúa thơm nhóm ST, Đài Thơm 8, OM 4900, OM 7347, RVT ...
  3. Nhóm giống lúa chống chịu phèn, mặn trung bình, khá: OM 4900, OM 6976, OM 7347, OM 9577, OM 576...

Đối với trường hợp diễn biến thời tiết, thủy văn cực đoan, có nguy cơ thiếu nước ngọt và mặn xâm nhập: Nông dân không nên xuống giống vụ Đông Xuân muộn, vì nguy cơ bị thiệt hại do mặn xâm nhập là rất lớn. Chủ động phòng trừ một số dịch hại có khả năng phát sinh trên trà lúa trong giai đoạn này.

Kỹ sư Huỳnh Ngọc Hạp (ảnh trên) - Phó Chi cục trưởng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo: Do trong năm trồng nhiều vụ lúa nên trên đồng dịch hại tồn lưu từ vụ này sang vụ khác, ảnh hưởng rất nhiều đến sự sinh trưởng, phát triển của cây lúa. Hiện nay, tuy Rầy nâu không phát triển nhiều nhưng là đối tượng truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và các bệnh khác trên cây lúa. Sâu cuốn lá nhỏ cũng phát triển rất mạnh. Do xuống giống liên tục nên khả năng ngộ độc hữu cơ trên lúa cũng rất cao, do đó nông dân nên sử dụng nấm Tricoderma để xử lý rơm rạ trước khi làm đất, thường xuyên bơm nước ra để thoát đi nguồn nước bị nhiễm độc hữu cơ, giúp lúa phát triển tốt. Ở vụ Đông Xuân thời tiết tương đối lạnh và có mưa nên cũng phát sinh mạnh bệnh đạo ôn, do đó nông dân nên thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện và xử lý bằng thuốc đặc trị. Thời tiết trong vụ Đông Xuân cũng tạo điều kiện cho các bệnh do vi khuẩn phát triển, trong đó có cháy bìa lá, thối gốc, do đó nông dân cũng cần quan sát kĩ để phòng trừ kịp thời, không để lây lan trên diện rộng. 

Với sự chuẩn bị chu đáo của nông dân và sự quan tâm của các ngành chuyên môn, tin rằng vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 của tỉnh Sóc Trăng sẽ tiếp tục là một vụ mùa thắng lợi về năng suất và giá bán, góp phần tăng lợi nhuận cho bà con nông dân, hoàn thành chỉ tiêu sản lượng lúa đã đề ra./.

Văn Đại, Ngọc Thơ


QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online