Về miền ký ức - Huy Phong (Lượt xem: 3598)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Cuộc thi " Viết về cánh đồng Quê Hương"

Cập nhật: 28/03/2017

Một thời gian dài gắn bó với ruộng đồng nên tôi có nhiều kỷ niệm khó quên. Từ một thằng nhóc bảy tuổi chỉ biết nấu cơm, cho trâu ăn. Có hôm mải mê chơi đánh trận giả, chọi lon, đánh gòng với đám bạn ở chòi kế bên, quên mất việc nấu cơm. Khi ba thả cày, không có cơm ăn, ba đế cho mấy roi dóc đau điếng. Để trâu có đủ dinh dưỡng, khỏe hơn khi đang vụ mùa, ba tranh thủ giờ nghỉ trưa chèo ghe dọc theo rạch cắt thêm cỏ. Thể nào tôi cũng được ba mang về cho những trái bình bát, trái lưới chín vàng ươm, thơm lừng

Về miền ký ức - Huy Phong
Về miền ký ức
(Nguyên bản của tác giả)          

          Đã lâu lắm rồi tôi mới có dịp về thăm quê, thăm nơi chôn nhau cắt rốn của mình mấy chục năm về trước.

          Tôi thật sự ngỡ ngàng trước sự thay da đổi thịt của làng quê nghèo thưở nào. Những cánh đồng lúa trĩu hạt, vàng ươm có lẽ sẽ được thu hoạch trong nay mai. Nhìn quang cảnh hôm nay, tôi bỗng nhớ về ngày xưa cũng trên cánh đồng này. Nơi đã in dấu tuổi thơ tôi một thời khốn khó. Bởi mới bảy tuổi đầu tôi phải ra đồng phụ giúp ba trong việc đồng áng, chuẩn bị vụ mùa sắp tới. Mãn buổi cày, ba thả trâu ra tôi có nhiệm vụ dắt trâu cột vào gốc cây trước chòi ruộng cho chúng ăn rơm, uống nước. Ngày ấy. bọn trẻ ở quê như chúng tôi ít có đứa đi học đúng độ tuổi. Đứa nào gia đình có vài công đất sẽ đỡ khổ hơn. Không thì “ở đợ” chăn trâu cho chủ, mỗi năm được trả công gần chục giạ lúa phụ giúp gia đình. Ở xóm Bình Nguyên   (huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) quê tôi, đàn bà con gái sau vụ cấy thường ở nhà chăm lo con cái, đan lát bằng những nguyên liệu sẵn có như đan thúng, sàng, rổ rế, đương đệm…Đó cũng là nghề truyền thống tự bao đời. Những đêm trăng sáng, tiếng giã bàng thình thịch râm ran khắp xóm.

           Với sự biến đổi của thời cuộc, chiếc xe ngựa chở khách – cái cần câu cơm- của ba tôi lùi vào dĩ vãng vì không cạnh tranh nổi với xe lam, xe lôi máy…Có còn chăng là âm thanh của nhạc ngựa king coong- kinh coong…trong giấc mơ. Từ tiền bán xe ngựa, ba tôi mua được hơn ba mẫu ruộng trên cánh đồng Phước Chỉ cách nhà ở khoảng chín cây số đi bằng ghe. Ruộng mà ba tôi mua, tuy là ruộng thuộc, nhưng chủ cũ đã bỏ hoang nhiều năm, năng lát mọc ken dày. Thời gian và công sức gia đình bỏ ra rất nhiều, mãi hai ba năm sau mới có vụ thu hoạch đáng kể, mới có hạt lúa mang về đổ vô bồ.

          Một thời gian dài gắn bó với ruộng đồng nên tôi có nhiều kỷ niệm khó quên. Từ một thằng nhóc bảy tuổi chỉ biết nấu cơm, cho trâu ăn. Có hôm mải mê chơi đánh trận giả, chọi lon, đánh gòng với đám bạn ở chòi kế bên, quên mất việc nấu cơm. Khi ba thả cày, không có cơm ăn, ba đế cho mấy roi dóc đau điếng. Để trâu có đủ dinh dưỡng, khỏe hơn khi đang vụ mùa, ba tranh thủ giờ nghỉ trưa chèo ghe dọc theo rạch cắt thêm cỏ. Thể nào tôi cũng được ba mang về cho những trái bình bát, trái lưới chín vàng ươm, thơm lừng.

          Từ khi có lúa đổ bồ, anh em tôi mới thực sự được đến trường. Hành trang mang theo ngoài sách vở còn kèm theo lời nhắc nhở của ba bằng câu ca dao: “Ai ơi bưng bát cơm đầy./ Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần.” Đến mùa vụ, chúng tôi đi học một buổi, một buổi ra đồng phụ ba. Dù không có sức gánh mạ, nhưng tôi cũng biết dăm mạ cho công cấy. Lớn hơn một chút, tôi tập tành gánh mạ đỡ đần cho ba. Nhìn con trai liêu xiêu với gánh mạ trên vai, tôi thấy ba cười mà hình như có bụi bay vào mắt. Thời gian cứ trôi, thằng con trai mười sáu tuổi như tôi, lớn lên từ ruộng đồng có đủ sức thay ba làm những việc nặng nhọc hơn. Cũng từ đó ba tin tưởng giao cho việc chở lúa về nhà bằng ghe chèo. Hôm ấy, còn chuyến cuối cùng là xong nên ghe hơi “ khẳm” hơn so với các ghe trước. Tôi chèo đằng lái, thằng em chèo đàng mũi, thỉnh thoảng phải tát nước trong ghe ra vì ghe cũ nên nước rỉ vào. Khi qua khỏi kinh Nhà Thờ, tiếp giáp đoạn sông Vàm Cỏ Đông, tôi chèo ghe men theo bờ bên trái để tránh gió. Bởi nhìn trời, tôi biết sắp có mưa to gió lớn. Khi tới cửa Rạch Môn, tôi cho ghe qua sông. Đi khoảng 30-40 mét thì cơn giông bất ngờ ập đến, mưa như trút nước, sóng lớn thi nhau vỗ vào be ghe bành bạch. Đôi đành cho ghe quay ngươc vào bờ để tránh nguy hiểm có thể xảy ra. Lúc này chiếc ghe chỉ còn nổi trên mặt nước khoảng 1-2 phân. Cũng may, mưa tạnh dần và gió cũng dịu đi. Nếu không, chẳng biết điều gì sẽ xảy ra với anh em tôi đây?

          Qua rồi cái thời “con trâu đi trước, cái cày đi sau.”Giờ đây nông thôn đã đổi mới. Âm thanh đồng quê cũng khác, không còn nghe tiếng “ ví, thá” của bác nông dân điều khiển con trâu trên luống cày khi trời chưa kịp sáng. Không còn nghe tiếng “ tù và” gọi công hoặc hò đối đáp của những thợ cấy. Mùa thu hoạch không ai còn ôm từng bó lúa đập vào “ củi”  nghe xoành xoạch mà là tiếng động cơ của chiếc máy gặt đập liên hợp trên những cánh đồng lớn…Người nông dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Cơ giới hóa nông nghiệp, giảm bớt sức lao động của con người sớm hoàn thành việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

                                                                          HUY PHONG

Họ và tên thật: NGUYỄN VĂN LÁNG

Địa chỉ:  KP1/141A  Nội ô Thị Trấn Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh


TIN LIÊN QUAN

QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online