Phòng bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm nuôi (Lượt xem: 1756)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Nông nghiệp - Nông thôn >> Khuyến Nông - Khuyến Ngư

Cập nhật: 22/07/2023

Tính đến nay, Sóc Trăng đã thả nuôi được 35.538,6 ha tôm nước lợ. Ngành chuyên môn ghi nhận đã có 3,39% diện tích bị thiệt hại, phần lớn là do nhiễm bệnh hoại tử gan tụy cấp là loại bệnh khá nguy hiểm vì chỉ sau thời gian ngắn nhiễm bệnh tôm có khả năng sẽ chết hàng loạt. Để phòng bệnh này, đòi hỏi người nuôi phải chủ động các giải pháp nhằm hạn chế nguy cơ thiệt hại.

Phòng bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm nuôi
 Thu mẩu định kỳ 2 tuần 1 lần để xét nghiệm mật độ vibrio tổng số.  

Ở khu vực ấp Cảng Buối, phường Khánh Hòa, TX. Vĩnh Châu, anh Phạm Huỳnh Hà là một trong những hộ thực hiện đúng khung lịch thời vụ ngành chuyên môn khuyến cáo và thả nuôi tôm khá sớm. Tuy nhiên, khi tôm chưa đạt được kích cỡ như mong muốn, gia đình anh phải tiến hành thu hoạch sớm ngay khi phát hiện dấu hiệu của bệnh hoại tử gan tụy cấp. Anh Hà cho hay, rút kinh nghiệm từ vụ nuôi đầu tôm bị bệnh hoại tử gan tụy cấp, anh phải bán tôm với giá thấp để tránh thất thoát nhiều hơn về năng suất. Khi bắt đầu đợt thả nuôi lần thứ 2, anh đã có sự chuẩn bị kĩ lưỡng hơn cho ao nuôi tôm.

Ao nuôi tôm phủ bạc.

Tại HTX Hòa Nghĩa thuộc xã Hòa Đông, TX. Vĩnh Châu hiện đã có 100% diện tích đã thả nuôi tôm. Trước khi thả giống tôm, HTX đã vận động các thành viên chuẩn bị thật kĩ từ khâu chọn giống, cải tạo ao đến việc đảm bảo các yếu tố môi trường,... Việc xử lí nước để cung cấp cho ao nuôi tôm theo hình thức xoay vòng nước và ưu tiên sử dụng men vi sinh. Ban Giám đốc HTX cập nhập thường xuyên, liên tục thông tin về diễn biến tình hình dịch bệnh đang xảy ra tại vùng nuôi đến từng thành viên để có sự phòng ngừa ngay từ đầu. Nhờ vậy, dịch bệnh trên tôm nuôi được quản lý tốt, tôm phát triển khỏe mạnh. “HTX khuyến cáo thành viên lựa con giống chất lượng, nuôi theo mô hình khép kín, tuần hoàn, sử dụng vi sinh, chăm sóc, quản lý kĩ thức ăn hơn. Năm nay tình hình khó khăn, giá tôm thấp, nếu nuôi không kĩ thì thành viên trong HTX sẽ lỗ vốn”, ông Ngô Thanh Tuấn (ảnh dưới) - Giám đốc HTX Hòa Nghĩa, cho hay.

Đến nay, TX. Vĩnh Châu đã thả nuôi tôm nước lợ được khoảng 13.100 ha, đạt 54% so kế hoạch và đã ghi nhận khoảng 488 ha tôm nuôi bị thiệt hại, trong đó có 114 ha tôm nuôi mắc bệnh hoại tử gan tụy cấp. Mặc dù so với cùng kỳ năm trước, diện tích thiệt hại có thấp hơn, nhưng bệnh xuất hiện ở hầu hết các xã, phường, tập trung nhiều là ở Hòa Đông, Vĩnh Phước, Khánh Hòa. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho tiến độ thả nuôi tôm chậm hơn nhiều so cùng kỳ, cùng với đó là giá tôm thương phẩm và diễn biến dịch bệnh trên tôm đã khiến người nuôi lo lắng. “Trạm đã thu được 20 mẩu tôm thiệt hại để xét nghiệm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Trong 20 mẩu này có 7 mẩu dương tính với bệnh hoại tử gan tuỵ cấp, chiếm 35% tổng số mẩu đã thu”, ông Nhan Trung Nghĩa - Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y TX. Vĩnh Châu thông tin và cho biết thêm: “Về quy trình khai báo dịch bệnh tại địa phương đã được thực hiện nhiều năm qua. Khi phát hiện tôm nuôi bị thiệt hại, người dân phải báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc nhân viên thú y các xã, phường, sau đó nhân viên Thú y sẽ báo về Trạm Thú y thị xã để thành lập đoàn xuống xác minh, lấy mẩu xét nghiệm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Nếu có kết quả dương tính sẽ tiến hành ngay các bước dập dịch để tránh dịch bệnh lây lan ra diện rộng”.

Ông Nhan Trung Nghĩa - Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y TX. Vĩnh Châu.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng cũng đã triển khai 5 Chương trình giám sát chủ động và bị động trên tôm. Định kỳ, các kết quả quan trắc môi trường và dịch bệnh sẽ được gửi về các Trạm Chăn nuôi và Thú y, Phòng Kinh tế, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, thị xã, thành phố để thông báo cho Tổ hợp tác, Hợp tác xã, giúp người nuôi chủ động hơn trong sản xuất và phòng, chống dịch bệnh. Tính đến nay, kết quả thu mẩu qua các chương trình giám sát đối với bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm cho thấy: có 5 mẫu dương tính qua chương trình giám sát bị động dịch bệnh tại vùng nuôi; 5 mẫu dương tính qua chương trình giám sát dịch bệnh trên tôm giống; 1 mẫu dương tính qua chương trình giám sát cơ sở an toàn dịch bệnh. Diện tích tôm thiệt hại do nhiễm bệnh hoại tử gan tụy cấp là 208,05 ha. 

Bênh cạnh "khuyến cáo người nuôi tôm chủ động triển khai các biện pháp từ yếu tố đầu vào. Khi cải tạo ao nuôi, hộ nuôi phải loại bỏ bùn đáy ao từ vụ nuôi trước và các giáp xác mang mềm bệnh còn tồn đọng trong ao nuôi. Khi cải tạo ao bạc, phải vệ sinh (rửa) bạc thật kĩ, phơi nắng và xử lí bằng Clorin 35% để xử lý các mềm bệnh còn tồn tại trong các vụ nuôi trước; công trình ao nuôi phải được rào lưới xung quanh và phải có hệ thống cấp, thoát nước riêng để thuận lợi trong quá trình xử lí nước, tránh lây lan mầm bệnh", ông Trần Tuấn Phong - Trưởng Phòng quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng còn yêu cầu: “Người nuôi tôm trước khi lấy nước cấp vào ao nuôi phải được xử lí kĩ, diệt khuẩn, lọc qua lưới dày để hạn chế trứng của giáp xác theo nước xâm nhập vào ao nuôi. Về con giống phải được mua ở cơ sở có uy tín và phải xét nghiệm bằng PCR để chọn lọc được con giống khoẻ mạnh”.

Ông Trần Tuấn Phong - Trưởng Phòng quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng.

Về quá trình chăm sóc, quản lý tôm nuôi, bên cạnh chủ động các giải pháp để hạn chế sự lây lan mầm bệnh giữa các ao nuôi với nhau (dụng cụ chày lưới phải sử dụng riêng cho từng ao, sau khi sử dụng xong phải diệt khuẩn bằng Clorin); hạn chế người lạ vào khu vực nuôi; khi thời tiết bất lợi phải tăng cường dinh dưỡng, khoáng, vitamin C để tăng sức đề kháng cho tôm… Trưởng Phòng quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng còn khuyến cáo chủ cơ sở nuôi tôm phải nắm bắt thông tin tình hình dịch bệnh xung quanh, bản tin dự báo thời tiết, cảnh báo dịch bệnh của cơ quan chức năng để chủ động triển khai các biện pháp phòng bệnh. Đồng thời, định kỳ thu mẩu tôm, nước, bùn để xét nghiệm kiểm tra xác định sớm mầm bệnh trong ao. Đối với mô hình nuôi thâm canh và bán thâm canh thì thu mẩu định kỳ là 2 tuần 1 lần để xét nghiệm mật độ vibrio tổng số, nếu qua cao vượt 10³CFU/ml thì phải có biện pháp can thiệp giảm mật độ vibrio tổng số xuống, diệt khuẩn và cấy vi sinh định kỳ. Trong quá trình thu mẩu định kỳ nếu phát hiện vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus mà mang gen gây bệnh đối với bệnh gan tuỵ cấp mà tôm không chết thì chủ dộng tăng cường sức khoẻ cho tôm, quản lý theo dõi sức khoẻ tôm hàng ngày, tránh gây biến động về môi trường trong ao nuôi, còn nếu tôm bị thiệt hại thì phải tiêu huỷ tôm bệnh, tôm đạt kích cỡ thì tiến hành thu hoạch, xử lý diệt khuẩn nước và bùn đáy ao nuôi, tôm chưa đạt kích cỡ thì dùng Clorin và các hoá chất được phép sử dụng để xử lý mầm bệnh, hạn chế lây lan ra môi trường bên ngoài.

Kiểm tra tôm nuôi.

Theo dự báo của ngành chuyên môn, trong vài tuần tới, diện tích thả nuôi tôm nước lợ ở tỉnh Sóc Trăng sẽ tăng mạnh; việc cung ứng nguồn tôm nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu cho các đơn hàng tiêu dùng vào những tháng cuối năm sẽ tăng mạnh. Để có vụ nuôi tôm thành công, việc người nuôi “khởi động vụ tôm trong thận trọng” là rất cần thiết, không chỉ giúp ngành tôm của tỉnh trụ vững trước những biến động về giá thành sản xuất, rủi ro dịch bệnh mà còn phấn đấu vì mục tiêu kế hoạch sản lượng tôm nuôi đạt trên 205.000 tấn như đã đề ra trong năm 2023./.

Hoàng Phong  - Ngọc Thơ


QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online