Nhớ cánh đồng quê tôi - Lê Thị Hồng Hoa (Lượt xem: 2104)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Cuộc thi " Viết về cánh đồng Quê Hương"

Cập nhật: 21/03/2017

Tôi còn nhớ rất rõ mùa lúa chín năm nào khi tôi vừa lên bảy, lên tám, nhà liền vườn liền ruộng nên đến kỳ gặt hái là bọn trẻ chúng tôi thường theo người lớn chạy ra đồng xem gặt lúa. Ba tôi thường bện hai tấm đăng cùng cái Bóng ( giống như cái đăng và cái đó của người bắt cá) đem theo ra ruộng để đuổi chim. Ba vạch một khoảng lúa đặt hai tấm đăng hình chữ V và ở giữa chặn lại là một cái Bóng xong rồi ba má lại đầu kia cắt lúa. Mùi lúa chín thơm vàng, trĩu bông, tròn hạt phơi dưới màu nắng dịu của mùa xuân, có vài cơn gió nhẹ thoảng qua như quyến rũ đàn chim từ khắp nơi đến ăn lúa

Nhớ cánh đồng quê tôi - Lê Thị Hồng Hoa
Nhớ cánh đồng quê tôi

(Nguyên bản của tác giả)

      Quê tôi thuộc xã Phú Long, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, nơi mà người dân sống chủ yếu dựa vào cây lúa, quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Kể từ ngày xa quê, lên thành thị học tập, làm việc rồi lập gia đình nơi phồn hoa đô hội, tôi ít có dịp trở về quê hương. Cho đến hôm nay sau những năm tháng dài vật lộn với công việc, tôi mới có cơ hội thả hồn nhớ về  kỷ niệm thuở ấu thơ….

      Tôi nhớ nhất là cánh đồng lúa bạt ngàn, mùa Đông Xuân ( nhất là sau tết) là mùa lúa thuận lợi nhất cho nhà nông bởi trời không mưa, đất khô ráo dễ gặt hái, mang lúa về nhà khỏi phải phơi sấy. Ngày xưa chưa có cơ giới hoá, người nông dân chủ yếu dựa vào sức mình và sức kéo của trâu bò nên rất cực nhọc nhưng rất vui vì vậy vị trí con trâu rất quan trọng với nhà nông:

 “Con trâu là đầu cơ nghiệp”

 Mọi người cùng với con trâu quây quần bên đồng ruộng:

”Trên đồng cạn dưới đồng sâu

Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa”

      Tôi còn nhớ rất rõ mùa lúa chín năm nào khi tôi vừa lên bảy, lên tám, nhà liền vườn liền ruộng nên đến kỳ gặt hái là bọn trẻ chúng tôi thường theo người lớn chạy ra đồng xem gặt lúa. Ba tôi thường bện hai tấm đăng cùng cái Bóng ( giống như cái đăng và cái đó của người bắt cá) đem theo ra ruộng để đuổi chim. Ba vạch một khoảng lúa đặt hai tấm đăng hình chữ V và ở giữa chặn lại là một cái Bóng xong rồi ba má lại đầu kia cắt lúa. Mùi lúa chín thơm vàng, trĩu bông, tròn hạt phơi dưới màu nắng dịu của mùa xuân, có vài cơn gió nhẹ thoảng qua như quyến rũ đàn chim từ khắp nơi đến ăn lúa. Bọn trẻ chúng tôi tha hồ leo lên cây gáo, cây xoài trên bờ đê hay leo lên lưng trâu nghêu ngao ngắm cảnh. Tôi nhìn những cánh cò lả lơi trên khoảng không gian rộng lớn của cánh đồng mà nghe hồn thư thả vô cùng. Khoảng 10 giờ trưa ba má bắt đầu đuổi chim, từ đầu bên kia ba má vừa đi vừa hô “hui, hui” dùng cây đập phịch phịch, lùa chim dần dần, đến đích thì giở Bóng lên… nào ốc cao, vỏ vẻ…chạy trốn vào Bóng cả chục con. Ba má đem về cho chị tôi nhặt lông, làm thịt. Có sẵn bầu non trên giàn chị bầm thịt mấy con vỏ vẻ xào bầu rất ngọt, còn mấy con ốc cao thì rô ti với nước dừa xiêm sau nhà. Một bữa cơm dân dã mà ngon lành vô cùng.

 

Cánh đồng lúa chín  

      Khi đã gặt xong thì trâu kéo lúa về sân để ba và anh tôi đập vào đêm trăng sáng. Chúng tôi thích làm sao khi cánh đồng đã gặt hái xong, đây là lúc cho bọn tôi thả diều, những cánh diều chao liệng trên tầng không như những cánh tay thiên thần vươn tới trời xanh chở bao nhiêu mơ ước của chúng tôi bay cao bay xa…Xong mùa lúa là nhà nông đem rơm phũ lên góc rạ đốt đồng vừa để lấy phân tro vừa để dọn sạch cỏ rác cho mùa sau, nhìn khói đốt đồng bay quấn quýt la đà từng cụm mang hương thơm của mùi rạ mới toả đi muôn nơi, khiến tôi nhớ đến món cá lóc đồng nướng trui gói bánh tráng và rau cần ống vừa ngọt vừa thơm ngon nứt mũi. Vui nhất là vào những ngày mười bốn, rằm tháng giêng, lúa thóc đã xong, trúng mùa, bội thu. Chú Bảy, chú Năm cùng ba tôi ra trước sân nhà uống trà nói chuyện. Ba tôi nói thơ Vân Tiên rất hay, còn chú Bảy đờn giỏi, chú Năm ca giọng cổ rất mùi. Thế là bộ ba đờn ca, hàn huyên tâm sự đến khuya, nhìn cảnh thóc lúa đầy sân, cảnh gia đình xóm giềng sum vầy đầm ấm chia vui mà hạnh phúc dâng tràn.


Cánh đồng còn trơ gốc rạ

      Bây giờ tất cả chỉ còn trong ký ức mà thôi. Ở thành phố chật hẹp, xe cộ đông đúc, hằng ngày hít mãi mùi khói bụi làm gì có được bầu không khí trong lành thoáng đãng như ở miền quê, làm sao nhìn được cánh đồng lúa bạt ngàn xa tít, làm sao cánh diều được tự do chao liệng mà không sợ vướng vào dây điện, cột đèn hay những toà nhà cao tầng! Không biết bây giờ ở quê ra sao? Nghe nói có nhiều máy móc tối tân thay cho bàn tay lao động của con người, như máy gặt đập liên hợp, máy cày, máy xới, có xe cộ lúa về sân, hình bóng con trâu đã khuất dần sau hàng ngàn máy móc đó . Có còn ai ngồi trên lưng trâu thổi sáo? Có còn ai đuổi chim, còn ai leo lên cây gáo cây xoài hoặc thả diều trên cánh đồng thơm mùi rạ mới hay những trò chơi điện tử, game online, bida, bắn cá....đã thay thế những trò chơi dân dã tự lâu rồi…

 

Cánh đồng ruộng ngày nay

                                     

Họ tên: LÊ THỊ HỒNG HOA

Địa chỉ: Phú Long, Châu Thành, Đồng Tháp


TIN LIÊN QUAN

QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online