Nâng chất đàn bò - Nâng cao thu nhập cho hộ chăn nuôi ở Trần Đề (Lượt xem: 1025)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Nông nghiệp - Nông thôn >> Khuyến Nông - Khuyến Ngư

Cập nhật: 25/08/2023

Là địa phương có tổng đàn bò nhiều thứ 2 của tỉnh Sóc Trăng, thời gian qua, huyện Trần Đề luôn chú trọng đến việc cải thiện sản lượng sữa và thịt, nâng chất đàn bò để nâng cao thu nhập cho hộ chăn nuôi.

Nâng chất đàn bò - Nâng cao thu nhập cho hộ chăn nuôi ở Trần Đề
Anh Hồ Minh Liệt đang chăm sóc cho đàn bò của gia đình.

Do điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị chăn nuôi chưa đảm bảo yêu cầu, khiến số lượng và chất lượng đàn bò thịt của địa phương chưa đạt kỳ vọng. Tranh thủ sự hỗ trợ từ Dự án Phát triển chăn nuôi bò tỉnh Sóc Trăng, huyện Trần Đề đã rà soát, lựa chọn hộ có đủ khả năng đối ứng vốn để tham gia mô hình nuôi bò theo hướng VietGAHP. Tham gia mô hình này, anh Hồ Minh Liệt, ấp Tiên Cường 2, xã Thạnh Thới An được hỗ trợ 50% kinh phí để nâng cấp chuồng trại và được Ban Quản lý Dự án tư vấn lựa chọn, lai tạo con giống, hỗ trợ xây dựng thêm hố ủ phân và hầm biogas xử lý chất thải để môi trường chăn nuôi đảm bảo thông thoáng, sạch sẽ nên dịch bệnh trên đàn vật nuôi được kiểm soát tốt. Sau gần 2 năm, đàn bò đã cải thiện vượt trội về năng suất, chất lượng, theo đó giá bán cũng cao hơn so với phương thức chăn nuôi truyền thống. “Khi nuôi bò theo hướng VietGAHP thì sản lượng thịt cao hơn khoảng 20%. Nuôi bò có chứng nhận VietGAHP thì giá bán cũng cao hơn khoảng 20%”, anh Liệt chia sẻ.

Hố ủ phân của mô hình nuôi bò theo hướng VietGAHP.

Để tăng khả năng cạnh tranh của đàn bò sữa trên thị trường, huyện Trần Đề rất quan tâm đến công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trong tất cả các khâu để đàn bò đạt chất lượng và sản lượng sữa tốt nhất. Nhiều hộ chăn nuôi nò cho biết, hiệu suất cho sữa nhiều gấp đôi so với thời gian trước. Ông Châu Nhỏ ở ấp An Hòa 2, xã Thạnh Thới An có tổng đàn bò sữa là 30 con. Chuồng trại chăn nuôi được ông Nhỏ đầu tư quạt mát, máy phun sương đảm bảo thoáng mát trong những ngày thời tiết oi bức. “Ngoài nguồn thức ăn thô xanh, tôi còn bổ sung thêm thức ăn tinh, chất khoáng, vitamin để chất lượng sữa đạt tốt nhất", ông Nhỏ chia sẻ và cho biết thêm: "Nhờ cung cấp đủ dinh dưỡng, sản lượng sữa thu về tăng lên từ 60 kg lên 120 kg”. Nhờ quy trình chăn nuôi khoa học từ khâu chăm sóc, nuôi dưỡng đến vệ sinh chuồng trại nên hiện 8 con bò đang cho sữa đã giúp gia đình ông duy trì nguồn thu ổn định khoảng 50 triệu đồng/tháng.

Ông Châu Nhỏ đang chăm sóc cho đàn bò sữa của gia đình.

Tính đến cuối năm 2022, tổng đàn bò trên địa bàn huyện Trần Đề đã phát triển được gần 13.000 con (trong đó đàn bò thịt gần 10.500 con, đàn bò sữa là 2.500 con). Theo kế hoạch, trong năm 2023, huyện sẽ được Ban Quản lý Dự án phát triển chăn nuôi bò của tỉnh hỗ trợ chuyển giao thêm 85 con bò thịt và 15 con bò sữa, cùng nhiều mô hình, chính sách hỗ trợ khác. Bên cạnh rà soát, lựa chọn đúng đối tượng thụ hưởng để đầu tư hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện sẽ tập trung triển khai nhiều giải pháp để phát triển nghề chăn nuôi bò của địa phương theo hướng ưu tiên về “chất” thay vì “lượng”.

Để cải thiện sản lượng sữa và thịt, nâng chất đàn bò trên địa bàn, ông Trần Hoàng Dũng (ảnh trên) - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển chăn nuôi huyện Trần Đề cho hay: Đối với đàn bò thịt, đơn vị đang cải tạo dần đàn bò cái lai, cải tạo lại vóc dáng, trọng lượng để tăng sản lượng thịt. Ngoài ra, bà con cần lưu ý đến công tác chăm sóc, quản lý, nuôi dưỡng, gieo tinh để tránh ảnh hưởng đến chất lượng và sản lượng thịt. Đối với đàn bò sữa, do điều kiện thời tiết, khí hậu trên địa bàn khá nóng, bà con cần áp dụng nhiều biện pháp kết hợp như: dinh dưỡng, chăm sóc, nuôi dưỡng, chuồng trại… để tăng được sản lượng sữa, đồng thời cần quan tâm, thực hiện việc tiêm phòng bệnh đầy đủ cho đàn bò, để lượng sữa khi sản xuất ra sẽ được đơn vị thu mua chấp nhận.

Tại huyện Trần Đề, nghề chăn nuôi bò thịt và bò sữa đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho các hộ nuôi. Các chương trình, dự án hỗ trợ được triển khai đồng bộ, kịp thời là cơ sở quan trọng để bà con chăn nuôi an tâm đầu tư, nâng cấp chuồng trại, tiếp cận nhiều hơn các quy trình kỹ thuật chăn nuôi tiến bộ nhằm thúc đẩy nghề chăn nuôi bò của huyện phát triển hiệu quả, bền vững. Góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu được đề ra trong Dự án Phát triển chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030./.

Trọng Phước, Ngọc Thơ


QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online