Nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng của các Doanh nghiệp nhỏ và vừa (Lượt xem: 1981)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Doanh nghiệp - Người tiêu dùng >> Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Cập nhật: 20/07/2016

Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã có nhiều chuyển biến tích cực trong hoạt động, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế chung của tỉnh và giải quyết tốt việc làm cho người lao động. Tuy nhiên hiện nay phần lớn Doanh nghiệp nhỏ và vừa đều gặp khó khăn về huy động vốn mở rộng sản xuất kinh doanh.

Nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng của các Doanh nghiệp nhỏ và vừa
Lãnh đạo tỉnh ủy - UBND tỉnh Sóc Trăng gặp gỡ đối thoại cùng doanh nghiệp.

         Tính đến cuối tháng 5/2016, trên địa bàn toàn tỉnh có 2.336 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó khoảng 99% là doanh nghiệp nhỏ và vừa và hàng ngàn hộ kinh doanh. Các doanh nghiệp và hộ kinh doanh đã có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, giải quyết tốt việc làm cho người lao động. Điều đáng mừng là với nhiều hỗ trợ thiết thực từ các chính sách của Nhà nước và địa phương, môi trường đầu tư và kinh doanh ngày càng thuận lợi hơn. Tuy nhiên theo các doanh nghiệp hiện nay, khó khăn lớn nhất vẫn là huy động vốn để đầu tư mở rộng sản xuất và kinh doanh.

Theo báo cáo, lãi suất cho vay trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2016, đã được các tổ chức tín dụng nghiêm túc thực hiện theo quy định lãi suất cho vay bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Hiện, lãi suất cho vay nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu thấp nhất là 6,0%/năm, cao nhất là 7,0%/năm; đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường khác từ 6,0%-11,39%/năm; đối với lĩnh vực phi sản xuất từ 5,45%-12,36%/năm. Riêng cho vay lãi suất thỏa thuận đối với các nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh, dịch vụ đầu tư và phát triển, các tổ chức tín dụng trên địa bàn cho vay với lãi suất phổ biến từ 9,0% - 11,0%/năm. Đối với nhu cầu vốn để phục vụ đời sống, cho vay thông qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng – cho vay trả góp hộ tiểu thương, thì lãi suất phổ biến từ 9,5%-16%/năm.

Tổng dư nợ tính đến cuối tháng 5 là hơn 23.000 tỉ đồng, trong đó tổng dư nợ ngắn hạn gần 15.000 tỉ đồng, tổng dư nợ trung hạn hơn 8.000 tỉ đồng. Bà Mã Thị Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Hiện nay khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp nhỏ và vừa là khâu quản trị doanh nghiệp, năng lực thường bị hạn chế. Phương án sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp mang tín khả thi không cao, thường xuyên thiếu vốn lưu động và tài sản để đảm bảo thì không đủ, thiếu nguồn vốn để đổi mới thiết bị sản xuất, chưa có chính sách sử dụng người tài ở lại doanh nghiệp lâu dài và công tác tiếp thị còn rất là hạn chế”.

Ngân hàng AgriBank - đơn vị được ủy thác " Quỹ bảo lãnh tín dụng hộ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ" tỉnh Sóc Trăng

Ngân hàng thì có sẵn nguồn vốn để các doanh nghiệp vay, doanh nghiệp cũng có nhu cầu cần vay vốn, nhưng vấn đề là nội lực của các doanh nghiệp vẫn chưa đáp ứng được điểu kiện để ngân hàng cấp vốn vay. Nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường mang tính tự phát, theo phong trào, tính chất gia đình, thiếu kế hoạch, thiếu chiến lược cụ thể, chưa tạo nên sự khác biệt và có tính cạnh tranh cao. Bên cạnh đó, sự am hiểu về pháp lý còn hạn chế, trình độ nhân lực thấp, công nghệ lạc hậu, đa phần kinh doanh có tính chất ngắn hạn, thương vụ, yếu trong việc tiếp thị và tìm kiếm thị trường. Sức chịu đựng rủi ro thấp, khả năng chống đỡ kém trước biến động của kinh tế vĩ mô. Mặt khác, công tác hạch toán kế toán và báo cáo tài chính của một bộ phận doanh nghiệp còn yếu về trình độ và thiếu chính xác so với thực tế, vì vậy không đủ làm cơ sở cho các ngân hàng thương mại đánh giá chính xác về hiệu quả sản xuất kinh doanh. Việc công khai tài chính của doanh nghiệp còn thiếu minh bạch, phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa không có hệ thống kế toán tiêu chuẩn và báo cáo không được kiểm toán hằng năm, do đó mức độ tin cậy còn thấp. Ngoài ra, các dự án, phương án đầu tư của nhiều doanh nghiệp có tính khả thi thấp, chạy theo mục tiêu lợi nhuận ngắn hạn nên không có sức thuyết phục đối với ngân hàng; khả năng lập dự án của các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất hạn chế…

Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ như hỗ trợ cho doanh nghiệp vay vốn với lãi suất ưu đãi so với thị trường, nhưng do doanh nghiệp còn hạn chế về thông tin, cũng như sự hiểu biết các chính sách của Nhà nước, nên đó là rào cản lớn khi tiếp cận nguồn vốn này. Do vậy, để nâng cao khả năng tiếp cận các nguồn vốn nay, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần sớm hoàn thiện cơ chế quản lý, kế hoạch kinh doanh, tài chính, đầu tư công nghệ, nâng cao trình độ quản lý để tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm; lựa chọn các phương án kinh doanh hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chủ chốt, có thế mạnh, có khả năng tạo ra dòng tiền bền vững không đầu tư dàn trải, mạo hiểm và cần thực hiện nghiêm túc chế độ kế toán, nên sử dụng dịch vụ kiểm toán độc lập nếu cần thiết chứng minh sự minh bạch tài chính của mình. Đặc biệt, cần quan tâm đến công tác phân tích, lập kế hoạch, chiến lược kinh doanh, tăng cường quản lý tài chính… vừa chủ động tìm kiếm, nắm bắt, hiện thực hóa cơ hội, đồng thời củng cố các điều kiện để tiếp cận các nguồn vốn vay. Doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cần chủ động tham gia các khóa đào tạo về lập phương án sản xuất kinh doanh, một mặt giúp doanh nghiệp hoạch định được chiến lược, một mặt năng cao tính khả thi cho các phương án để có thể tiếp cận các nguốn vốn vay dễ dàng hơn. Song song đó, các doanh nghiệp cũng nên tham gia các hiệp hội, các câu lạc bộ nhằm cải thiện mối liên kết với những doanh nghiệp khác hoặc với các tổ chức tín dụng, đồng thời cũng chia sẻ được nhiều thông tin hữu ích về các dịch vụ và kinh nghiệm quản lý. Mối liên kết khăng khít trong các hiệp hội cũng sẽ giúp các doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro trong hoạt động của mình. Bà Mã Thị Thanh, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, cho rằng: “Đối với doanh nghiệp thì phải tự nâng cao trình độ quản trị, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh phải mang tín khả thi, đổi mới công nghệ, làm công tác tiếp thị cho thật tốt để quảng bá sản phẩm và bảo hộ hàng hóa của mình. Phải sử dụng người tài, người lao động như thế nào để họ gắn bó lâu dài, công tác báo cáo tài chính phải minh bạch để giúp cho việc xếp hạng tín dụng được tốt hơn, từ đó doanh nghiệp mới đảm bảo được uy tín với ngân hàng trong việc cho vay vốn”.

UBND tỉnh Sóc Trăng họp mặt doanh nghiệp đầu năm.

Hoạt động từ năm 2014, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Sóc Trăng là một tổ chức tài chính Nhà nước, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Quỹ là cầu nối giữa doanh nghiệp với các tổ chức tín dụng, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận với các nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng thông qua hình thức cấp chứng thư bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vay vốn tại các tổ chức tín dụng trong tỉnh. Ông Hoàng Văn Cuông - Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Tất cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các HTX trên địa bàn tỉnh đều được quỹ Cầu nối doanh nghiệp với các tổ chức tín dụng bảo lãnh khi có nhu cầu vay vốn. Phí bảo lãnh thì doanh nghiệp phải trả cho Quỹ bảo lãnh 0,8%/ tổng số vốn được Quỹ đứng ra bảo lãnh. Còn điều kiện được bảo lãnh là: Doang nghiệp hay HTX phải có dự án kinh doanh, có phương án sản xuất hiệu quả. Doanh nghiệp phải có tài sản thế chấp, phải có tối thiểu 15% vốn tự có để tham gia phương án sản xuất kinh doanh. Trước đây Quỹ bảo lãnh được ủy thác qua Ngân hàng PTNT&NT tỉnh thực hiện cấp bảo lãnh, tới đây Quỹ này sẽ được chuyển đổi ủy thác sang Ngân hàng Phát triển Việt Nam”

Trong bối cảnh Việt Nam vừa gia nhập Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Châu Âu (EVFTA). Các doanh nghiệp Việt Nam bên cạnh những cơ hội hợp tác mở rộng kinh doanh, cũng phải đối mặt với vô vàn những thách thức và rủi ro. Để doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có thể tiếp cận tốt nguồn vốn vay ngân hàng, mở rộng cơ sở sản xuất, kinh doanh và tiến sâu vào hội nhập Quốc tế, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Sóc Trăng vẫn đang làm nhiệm vụ cầu nối giữa doanh nghiệp với các tổ chức tín dụng, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn vốn vay. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhu cầu vui lòng liên hệ:

Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Sóc Trăng. Địa chỉ: Số 01 Bis- Hồ Hoàng Kiếm- P.2- TP. Sóc Trăng. Điện thoại: 079.2821480 

Email: baolanhtindungsoctrang@gmail.com

Website: http://quybaolanhtindung.soctrangsme.vn

Hạ Linh


QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online