Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân- kỳ 2 (Lượt xem: 463)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Pháp luật - Cải cách hành chính

Cập nhật: 10/05/2017

thst.vn giới thiệu phần tiếp theo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân

 Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân- kỳ 2
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Quốc hội ban hành Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

 Chương II

GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI

Mục 1. HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT TỐI CAO CỦA QUỐC HỘI

Điều 11. Các hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội

1. Xem xét báo cáo công tác của Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, cơ quan khác do Quốc hội thành lập và các báo cáo khác quy định tại Điều 13 của Luật này.

2. Xem xét văn bản quy phạm pháp luật quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4 của Luật này có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.

3. Xem xét việc trả lời chất vấn của những người bị chất vấn quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 4 của Luật này.

4. Xem xét báo cáo giám sát chuyên đề.

5. Xem xét báo cáo của Ủy ban lâm thời do Quốc hội thành lập để điều tra về một vấn đề nhất định.

6. Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

7. Xem xét báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về kiến nghị giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội.

 

 

Điều 12. Chương trình giám sát của Quốc hội

1. Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến chương trình giám sát hằng năm của Quốc hội trên cơ sở đề nghị của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước, trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp giữa năm của năm trước.

Chậm nhất là ngày 01 tháng 3 của năm trước, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gửi đề nghị, kiến nghị về nội dung giám sát của Quốc hội đến Ủy ban thường vụ Quốc hội. Đề nghị, kiến nghị giám sát phải nêu rõ sự cần thiết, nội dung, phạm vi, đối tượng giám sát.

Tổng thư ký Quốc hội tổ chức tập hợp, tổng hợp đề nghị, kiến nghị giám sát và báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội. Ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận và lập dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội để trình Quốc hội.

2. Quốc hội xem xét quyết định chương trình giám sát hằng năm theo trình tự sau đây:

a) Ủy ban thường vụ Quốc hội trình bày tờ trình về dự kiến chương trình giám sát hằng năm của Quốc hội;

b) Quốc hội thảo luận;

c) Quốc hội ra nghị quyết về chương trình giám sát hằng năm của Quốc hội.

3. Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành kế hoạch và tổ chức thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội, trừ trường hợp quy định tại Điều 16 của Luật này. Trường hợp cần thiết, trong thời gian Quốc hội không họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội có thể điều chỉnh chương trình giám sát của Quốc hội và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

4. Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thực hiện chương trình giám sát hằng năm của Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội đầu năm sau. Quốc hội có thể thảo luận về kết quả thực hiện chương trình giám sát hằng năm của Quốc hội.

Điều 13. Xem xét báo cáo

1. Quốc hội xem xét các báo cáo sau đây:

a) Báo cáo công tác hằng năm của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước và cơ quan khác do Quốc hội thành lập;

b) Báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước và cơ quan khác do Quốc hội thành lập;

c) Báo cáo của Chính phủ về kinh tế - xã hội; Báo cáo của Chính phủ về thực hiện ngân sách nhà nước, quyết toán ngân sách nhà nước; Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; Báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng; Báo cáo của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án; Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới;

d) Báo cáo về việc thi hành pháp luật trong một số lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật;

đ) Báo cáo khác theo nghị quyết của Quốc hội hoặc theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

2. Thời điểm xem xét báo cáo được quy định như sau:

a) Tại kỳ họp cuối năm, Quốc hội xem xét, thảo luận báo cáo quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều này. Tại kỳ họp giữa năm, các cơ quan này gửi báo cáo đến đại biểu Quốc hội; khi cần thiết, Quốc hội xem xét, thảo luận;

b) Tại kỳ họp cuối nhiệm kỳ, Quốc hội xem xét, thảo luận báo cáo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;

c) Thời điểm xem xét báo cáo quy định tại điểm d khoản 1 Điều này theo quy định của pháp luật;

d) Thời điểm xem xét báo cáo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này theo nghị quyết của Quốc hội hoặc đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

3. Theo sự phân công của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội thẩm tra các báo cáo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

4. Quốc hội xem xét, thảo luận báo cáo theo trình tự sau đây:

a) Người đứng đầu cơ quan có báo cáo trình bày báo cáo;

b) Chủ tịch Hội đồng dân tộc hoặc Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra;

c) Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về báo cáo; trường hợp cần thiết, báo cáo có thể được đưa ra thảo luận tại Tổ đại biểu Quốc hội;

d) Người đứng đầu cơ quan có báo cáo có thể trình bày bổ sung những vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm;

đ) Quốc hội xem xét, quyết định việc ra nghị quyết về công tác của cơ quan có báo cáo.

5. Nghị quyết về công tác của cơ quan có báo cáo phải có những nội dung cơ bản sau đây:

a) Đánh giá kết quả đạt được, những hạn chế, bất cập và nguyên nhân của hạn chế, bất cập; trách nhiệm của cơ quan có báo cáo và người đứng đầu;

b) Thời hạn khắc phục hạn chế, bất cập;

c) Trách nhiệm thi hành của cơ quan, cá nhân;

d) Trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết về giám sát.

Điều 14. Xem xét văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội

1. Quốc hội xem xét văn bản quy phạm pháp luật của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước; xem xét nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Quốc hội xem xét văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban thường vụ Quốc hội, nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội theo đề nghị của Chủ tịch nước.

Chủ tịch nước, Chính phủ, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan trung ương của tổ chức thành viên của Mặt trận hoặc đại biểu Quốc hội có quyền gửi đề nghị về văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội đến Ủy ban thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội xem xét, quyết định. Trường hợp pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội thì Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan trung ương của tổ chức thành viên của Mặt trận hoặc đại biểu Quốc hội có quyền gửi đề nghị đến Chủ tịch nước để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Ủy ban pháp luật có trách nhiệm thẩm tra đề nghị về văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái với Hiến pháp.

Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp thẩm tra đề nghị về văn bản có dấu hiệu trái luật, nghị quyết của Quốc hội thuộc lĩnh vực Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội phụ trách.

2. Quốc hội xem xét văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội theo trình tự sau đây:

a) Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc Chủ tịch nước trình bày tờ trình;

b) Đại diện cơ quan thẩm tra trình bày báo cáo thẩm tra;

c) Người đứng đầu cơ quan đã ban hành văn bản báo cáo, giải trình;

d) Quốc hội thảo luận;

đ) Quốc hội ra nghị quyết về việc xem xét văn bản quy phạm pháp luật.

3. Nghị quyết của Quốc hội phải xác định văn bản quy phạm pháp luật trái hoặc không trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; trường hợp văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội thì quyết định bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản đó.

Điều 15. Chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội

1. Trước phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội ghi vấn đề chất vấn, người bị chất vấn vào phiếu chất vấn và gửi đến Ủy ban thường vụ Quốc hội.

2. Căn cứ vào chương trình kỳ họp, ý kiến, kiến nghị của cử tri, vấn đề xã hội quan tâm và phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội quyết định nhóm vấn đề chất vấn và người bị chất vấn.

3. Hoạt động chất vấn tại kỳ họp Quốc hội được tiến hành theo trình tự sau đây:

a) Đại biểu Quốc hội nêu chất vấn, có thể cung cấp thông tin minh họa bằng hình ảnh, video, vật chứng cụ thể;

b) Người bị chất vấn phải trả lời trực tiếp, đầy đủ vấn đề mà đại biểu Quốc hội đã chất vấn, không được ủy quyền cho người khác trả lời thay; xác định rõ trách nhiệm, biện pháp và thời hạn khắc phục hạn chế, bất cập (nếu có);

c) Trường hợp đại biểu Quốc hội không đồng ý với nội dung trả lời chất vấn thì có quyền chất vấn lại để người bị chất vấn trả lời;

d) Những người khác có thể được mời tham dự phiên họp và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề thuộc trách nhiệm của mình.

Thời gian nêu chất vấn, thời gian trả lời chất vấn được thực hiện theo quy định của Nội quy kỳ họp Quốc hội.

4. Quốc hội cho trả lời chất vấn bằng văn bản trong các trường hợp sau đây:

a) Chất vấn không thuộc nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp;

b) Vấn đề chất vấn cần được điều tra, xác minh;

c) Chất vấn thuộc nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp nhưng chưa được trả lời tại kỳ họp.

Người bị chất vấn phải trực tiếp trả lời bằng văn bản. Văn bản trả lời chất vấn được gửi đến đại biểu Quốc hội đã chất vấn, Ủy ban thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Quốc hội chậm nhất là 20 ngày kể từ ngày chất vấn, trừ tài liệu mật theo quy định của pháp luật.

Sau khi nhận được văn bản trả lời chất vấn, nếu đại biểu Quốc hội không đồng ý với nội dung trả lời thì có quyền đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội đưa ra thảo luận tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội, kỳ họp Quốc hội gần nhất hoặc kiến nghị Quốc hội xem xét trách nhiệm đối với người bị chất vấn.

5. Quốc hội ra nghị quyết về chất vấn. Nghị quyết về chất vấn có nội dung cơ bản sau đây:

a) Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của người bị chất vấn, những hạn chế, bất cập và nguyên nhân liên quan đến vấn đề chất vấn;

b) Thời hạn khắc phục hạn chế, bất cập;

c) Trách nhiệm thi hành của cơ quan, cá nhân;

d) Trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết về chất vấn.

6. Phiên họp chất vấn được phát thanh, truyền hình trực tiếp, trừ trường hợp do Quốc hội quyết định.

7. Chậm nhất là 20 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp, người đã trả lời chất vấn có trách nhiệm gửi báo cáo về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, các vấn đề đã hứa tại các kỳ họp trước đến đại biểu Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội. Báo cáo về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, các vấn đề đã hứa được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Quốc hội.

8. Tại kỳ họp cuối năm của năm giữa nhiệm kỳ và kỳ họp cuối năm của năm cuối nhiệm kỳ, Quốc hội xem xét, thảo luận báo cáo tổng hợp của các thành viên Chính phủ, báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước và những người bị chất vấn khác về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về chất vấn và các vấn đề đã hứa tại các kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội.

 

Điều 16. Giám sát chuyên đề của Quốc hội

1. Căn cứ chương trình giám sát của mình, Quốc hội ra nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập Đoàn giám sát phải xác định rõ đối tượng, phạm vi và nội dung, kế hoạch giám sát, thành phần Đoàn giám sát và cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát.

Đoàn giám sát do Chủ tịch Quốc hội hoặc Phó Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng đoàn, một số Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội làm Phó Trưởng đoàn, các thành viên khác gồm Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, đại diện Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương nơi Đoàn tiến hành giám sát và một số đại biểu Quốc hội. Đại diện Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận, các chuyên gia có thể được mời tham gia Đoàn giám sát.

2. Đoàn giám sát có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Xây dựng, đề cương báo cáo để cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát báo cáo;

b) Thông báo nội dung, kế hoạch, đề cương báo cáo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội địa phương nơi tiến hành giám sát chậm nhất là 20 ngày kể từ ngày Quốc hội ra nghị quyết thành lập Đoàn giám sát; thông báo chương trình và thành phần Đoàn giám sát chậm nhất là 10 ngày trước ngày Đoàn tiến hành làm việc với cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát;

c) Thực hiện đúng nội dung, kế hoạch giám sát; phân công các thành viên Đoàn giám sát tiến hành giám sát trực tiếp tại địa phương hoặc cơ quan, tổ chức;

d) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát báo cáo bằng văn bản, cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung giám sát, giải trình những vấn đề mà Đoàn giám sát quan tâm;

đ) Xem xét báo cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, trưng cầu giám định, mời chuyên gia tư vấn, thu thập thông tin, tiếp xúc, trao đổi với người có liên quan về những vấn đề mà Đoàn giám sát xét thấy cần thiết;

e) Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì Đoàn giám sát có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan áp dụng các biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật và khôi phục lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bị vi phạm; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý, xem xét trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật;

g) Khi kết thúc hoạt động giám sát, Đoàn giám sát báo cáo kết quả giám sát để Quốc hội xem xét tại kỳ họp gần nhất.

Trước khi báo cáo Quốc hội, Đoàn giám sát báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát của Đoàn.

3. Quốc hội xem xét báo cáo của Đoàn giám sát theo trình tự sau đây:

a) Đoàn giám sát báo cáo kết quả giám sát;

b) Đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát được mời dự họp và báo cáo giải trình;

c) Quốc hội thảo luận.

Trong quá trình thảo luận đại diện Đoàn giám sát có thể bổ sung các vấn đề liên quan;

d) Quốc hội ra nghị quyết về chuyên đề giám sát.

4. Nghị quyết giám sát chuyên đề có những nội dung cơ bản sau đây:

a) Đánh giá kết quả đạt được, những hạn chế, bất cập và nguyên nhân hạn chế, bất cập liên quan đến chuyên đề giám sát; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát và người đứng đầu cơ quan, tổ chức có liên quan;

b) Thời gian khắc phục hạn chế, bất cập;

c) Trách nhiệm thi hành của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

d) Trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết.

5. Nghị quyết giám sát chuyên đề được gửi đến cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

6. Tại kỳ họp cuối năm của năm giữa nhiệm kỳ và kỳ họp cuối năm của năm cuối nhiệm kỳ, các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát báo cáo Quốc hội việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề. Trong trường hợp cần thiết, Quốc hội quyết định việc giám sát lại.

Điều 17. Xem xét báo cáo của Ủy ban lâm thời

1. Khi xét thấy cần thiết, theo đề nghị của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội hoặc của ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội quyết định thành lập Ủy ban lâm thời để điều tra về một vấn đề nhất định. Việc xác định ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội được thực hiện theo quy định tại Điều 33 của Luật tổ chức Quốc hội.

2. Việc xem xét đề nghị thành lập Ủy ban lâm thời theo trình tự sau đây:

a) Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội đề nghị thành lập Ủy ban lâm thời. Tờ trình phải nêu rõ lý do, nội dung, đối tượng điều tra, dự kiến thành phần, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban lâm thời;

b) Quốc hội thảo luận, ra nghị quyết thành lập Ủy ban lâm thời.

3. Ủy ban lâm thời có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Xây dựng kế hoạch điều tra;

b) Thông báo nội dung, kế hoạch điều tra cho cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng điều tra chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày Quốc hội ra nghị quyết thành lập Ủy ban lâm thời; thông báo chương trình và thành phần Ủy ban lâm thời chậm nhất là 05 ngày trước ngày Ủy ban lâm thời tiến hành làm việc với cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng điều tra;

c) Thực hiện đúng nội dung điều tra; phân công các thành viên Ủy ban lâm thời tiến hành hoạt động điều tra tại địa phương hoặc cơ quan, tổ chức;

d) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng điều tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan báo cáo bằng văn bản, cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung điều tra; giải trình những vấn đề Ủy ban lâm thời quan tâm;

đ) Trưng cầu giám định, mời chuyên gia tư vấn, thu thập thông tin, gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi với những người có liên quan về những vấn đề mà Ủy ban lâm thời xét thấy cần thiết;

e) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật, tẩu tán tài sản, tiêu hủy tài liệu, vật chứng liên quan đến nội dung điều tra;

g) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác được quy định trong nghị quyết của Quốc hội thành lập Ủy ban lâm thời;

h) Khi kết thúc hoạt động điều tra, Ủy ban lâm thời báo cáo Quốc hội xem xét kết quả điều tra tại kỳ họp gần nhất.

Trước khi báo cáo Quốc hội, Ủy ban lâm thời báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội về kết quả điều tra.

4. Quốc hội xem xét báo cáo kết quả điều tra của Ủy ban lâm thời theo trình tự sau đây:

a) Chủ nhiệm Ủy ban lâm thời trình bày báo cáo kết quả điều tra;

b) Quốc hội thảo luận.

Trong quá trình thảo luận, đại diện Ủy ban lâm thời có thể báo cáo bổ sung các vấn đề liên quan;

c) Cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng điều tra có thể được mời dự phiên họp Quốc hội và phát biểu ý kiến giải trình;

d) Quốc hội ra nghị quyết về kết quả điều tra.

Điều 18. Lấy phiếu tín nhiệm

1. Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ sau đây:

a) Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước;

b) Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội;

c) Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ;

d) Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước.

2. Việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện tại kỳ họp Quốc hội theo trình tự sau đây:

a) Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội quyết định danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm;

b) Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín;

c) Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội thông qua nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

3. Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá tín nhiệm thấp thì có thể xin từ chức.

Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội trở lên đánh giá tín nhiệm thấp thì Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm.

4. Ngoài quy định tại Điều này, thời hạn, thời điểm, quy trình lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn được thực hiện theo nghị quyết của Quốc hội.

Điều 19. Bỏ phiếu tín nhiệm

1. Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị;

b) Có kiến nghị của ít nhất hai mươi phần trăm tổng số đại biểu Quốc hội theo quy định tại Điều 33 của Luật tổ chức Quốc hội;

c) Có kiến nghị của Hội đồng dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội;

d) Người được lấy phiếu tín nhiệm mà có từ hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội trở lên đánh giá tín nhiệm thấp.

2. Việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn được thực hiện tại kỳ họp Quốc hội theo trình tự sau đây:

a) Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm;

b) Người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm trình bày ý kiến của mình;

c) Quốc hội thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội;

d) Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội;

đ) Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín;

e) Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội thông qua nghị quyết xác nhận kết quả bỏ phiếu tín nhiệm.

3. Người được bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá không tín nhiệm thì có thể xin từ chức; trường hợp không từ chức thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức đối với người đó.

4. Ngoài quy định tại Điều này, quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn được thực hiện theo nghị quyết của Quốc hội.

Điều 20. Xem xét báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về kiến nghị giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội

1. Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát không thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội thì Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội có quyền kiến nghị với Ủy ban thường vụ Quốc hội để báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

2. Quốc hội xem xét báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về kiến nghị giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội theo trình tự sau đây:

a) Đại diện Ủy ban thường vụ Quốc hội trình bày báo cáo;

b) Cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát có thể báo cáo giải trình;

c) Quốc hội thảo luận;

d) Quốc hội ra nghị quyết về vấn đề được kiến nghị.

Điều 21. Thẩm quyền của Quốc hội trong việc xem xét kết quả giám sát

Căn cứ vào kết quả giám sát, Quốc hội có thẩm quyền sau đây:

1. Yêu cầu Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành văn bản quy định chi tiết Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội;

2. Bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật của Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội;

3. Miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng Kiểm toán nhà nước, người đứng đầu cơ quan khác do Quốc hội thành lập; phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;

4. Bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn;

5. Yêu cầu cơ quan, cá nhân có thẩm quyền miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc cách chức, xử lý đối với người có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng;

6. Ra nghị quyết về chất vấn; ra nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề và các nội dung khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

 


QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online