LUẬT ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ - Kỳ 5 (Lượt xem: 2189)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Pháp luật - Cải cách hành chính >> Pháp luật và cuộc sống

Cập nhật: 18/08/2016

thst giới thiệu LUẬT ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ - Kỳ 5

LUẬT ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ - Kỳ 5
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Quốc hội ban hành Luật điều ước quốc tế.

Chương VI

THỦ TỤC ĐỐI NGOẠI

Điều 63. Cấp giấy ủy quyền, giấy ủy nhiệm

1. Bộ Ngoại giao cấp giấy ủy quyền đàm phán, ký điều ước quốc tế, giấy ủy nhiệm tham dự hội nghị quốc tế theo quyết định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ký giấy ủy quyền đàm phán, ký điều ước quốc tế, giấy ủy nhiệm tham dự hội nghị quốc tế.

3. Trong trường hợp quyết định ủy quyền hoặc quyết định ủy nhiệm chưa xác định rõ người được ủy quyền hoặc được ủy nhiệm, tên đầy đủ bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài của điều ước quốc tế thì chậm nhất là 05 ngày trước ngày đàm phán, ký điều ước quốc tế hoặc tham dự hội nghị quốc tế, cơ quan đề xuất có trách nhiệm thông báo bằng văn bản những thông tin này cho Bộ Ngoại giao để hoàn thành thủ tục cấp giấy ủy quyền hoặc giấy ủy nhiệm.

4. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm kịp thời trình Chủ tịch nước hoặc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định trong trường hợp có sự thay đổi về người được ủy quyền hoặc người được ủy nhiệm; Bộ Ngoại giao hoàn thành thủ tục đối ngoại về cấp giấy ủy quyền hoặc giấy ủy nhiệm theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này sau khi có quyết định của Chủ tịch nước hoặc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Điều 64. Thủ tục đối ngoại về việc phê chuẩn, phê duyệt, gia nhập điều ước quốc tế

1. Bộ Ngoại giao thông báo cho bên ký kết nước ngoài hoặc cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên về việc phê chuẩn, phê duyệt, gia nhập điều ước quốc tế trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của Quốc hội, Chủ tịch nước hoặc Chính phủ về việc phê chuẩn, phê duyệt, quyết định gia nhập điều ước quốc tế.

2. Chủ tịch nước ký văn kiện phê chuẩn điều ước quốc tế hai bên. Nội dung văn kiện phê chuẩn điều ước quốc tế hai bên bao gồm tên điều ước quốc tế, thời gian, địa điểm ký và các nội dung cần thiết khác.

Bộ Ngoại giao phối hợp với cơ quan đề xuất tiến hành thủ tục trao đổi văn kiện phê chuẩn với bên ký kết nước ngoài trong trường hợp điều ước quốc tế hai bên có quy định hoặc có thỏa thuận với bên ký kết nước ngoài về việc phải hoàn thành thủ tục trao đổi văn kiện phê chuẩn để điều ước quốc tế có hiệu lực.

3. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ký văn kiện phê chuẩn, phê duyệt, gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên gửi cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên.

Điều 65. Thủ tục đối ngoại về bảo lưu

1. Bộ Ngoại giao phối hợp với cơ quan đề xuất thông báo cho cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế về bảo lưu của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khi ký điều ước quốc tế đó.

2. Bộ Ngoại giao thông báo cho cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên về bảo lưu của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong văn kiện thông báo về việc phê chuẩn, phê duyệt hoặc gia nhập điều ước quốc tế có điều khoản mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố bảo lưu hoặc phải khẳng định lại bảo lưu đã tuyên bố khi ký điều ước quốc tế đó; thông báo cho cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên về việc chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc gửi thông báo đó cùng với các văn kiện phê chuẩn, phê duyệt hoặc gia nhập điều ước quốc tế.

3. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ký thông báo đối ngoại về bảo lưu của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài, rút bảo lưu hoặc rút phản đối bảo lưu gửi cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế.

Điều 66. Thủ tục đối ngoại về việc chấm dứt áp dụng tạm thời điều ước quốc tế

Bộ Ngoại giao thông báo cho bên ký kết nước ngoài quyết định của bên Việt Nam về việc chấm dứt áp dụng tạm thời điều ước quốc tế hoặc trả lời của bên Việt Nam đối với quyết định của bên ký kết nước ngoài về việc chấm dứt áp dụng tạm thời điều ước quốc tế trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 67. Thủ tục đối ngoại về việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế

1. Bộ Ngoại giao phối hợp với cơ quan đề xuất thông báo cho bên ký kết nước ngoài về việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế đó.

2. Trường hợp cơ quan đề xuất thông báo trực tiếp cho bên ký kết nước ngoài thì phải thông báo kết quả cho Bộ Ngoại giao ngay sau khi nhận được thông tin về hiệu lực của việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế.

Điều 68. Thủ tục đối ngoại về việc chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế

1. Bộ Ngoại giao phối hợp với cơ quan đề xuất thông báo cho bên ký kết nước ngoài về việc chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế hai bên mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết.

2. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ký thông báo về việc chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế nhiều bên gửi cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên.

 Điều 69. Đăng ký điều ước quốc tế

Trong trường hợp phải đăng ký điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao đăng ký tại Ban thư ký của Liên hợp quốc điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Chương VII

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC RÚT GỌN

Điều 70. Áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn

1. Trình tự, thủ tục rút gọn đối với đàm phán, ký, sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế được thực hiện theo quy định tại Chương này.

2. Không áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn đối với việc đàm phán, ký, sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế thuộc thẩm quyền phê chuẩn, quyết định gia nhập, chấm dứt hiệu lực của Quốc hội.

3. Trình tự, thủ tục đàm phán, ký, phê duyệt, sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ về vay nợ nước ngoài thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý nợ công.

Điều 71. Đồng thời đề xuất đàm phán và ký điều ước quốc tế

Trong trường hợp cơ quan đề xuất xác định nội dung và tập hợp đầy đủ tài liệu cần thiết trong hồ sơ đề xuất ký điều ước quốc tế theo quy định tại Điều 17 của Luật này trước khi đàm phán thì có thể đồng thời đề xuất đàm phán và ký điều ước quốc tế.

Điều 72. Đàm phán, ký điều ước quốc tế theo trình tự, thủ tục rút gọn

1. Trình tự, thủ tục rút gọn được áp dụng đối với việc đàm phán, ký điều ước quốc tế trong các trường hợp sau đây:

a) Điều ước quốc tế theo mẫu được quy định tại điều ước quốc tế giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với cùng một bên ký kết nước ngoài hoặc theo mẫu được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận;

b) Theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

2. Trình tự, thủ tục rút gọn đối với việc đàm phán, ký điều ước quốc tế được thực hiện như sau:

a) Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 9 của Luật này có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ lấy ý kiến;

b) Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến theo quy định tại khoản 2 Điều 13 của Luật này, cơ quan kiểm tra, cơ quan thẩm định điều ước quốc tế có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ lấy ý kiến, đề nghị kiểm tra, thẩm định;

c) Hồ sơ đề nghị kiểm tra điều ước quốc tế bao gồm tài liệu quy định tại các khoản 1, 2, 5 và 6 Điều 19 của Luật này;

d) Hồ sơ đề nghị thẩm định điều ước quốc tế bao gồm tài liệu quy định tại các điểm a, b, d và đ khoản 1 Điều 21 của Luật này;

đ) Hồ sơ trình về việc ký điều ước quốc tế bao gồm tài liệu quy định tại các khoản 1, 2 và 6 Điều 17 của Luật này;

e) Tờ trình về việc ký điều ước quốc tế phải có đánh giá tác động chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế - xã hội và các tác động khác của điều ước quốc tế, đánh giá sự tương thích của điều ước quốc tế đề xuất ký với điều ước quốc tế trong cùng lĩnh vực mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, đánh giá sự phù hợp giữa quy định của điều ước quốc tế với quy định của pháp luật Việt Nam.

Điều 73. Sửa đổi, bổ sung điều ước quốc tế theo trình tự, thủ tục rút gọn

1. Đối với những sửa đổi, bổ sung điều ước quốc tế chỉ mang tính kỹ thuật và trong trường hợp không ký kết điều ước quốc tế mới để sửa đổi, bổ sung, cơ quan đề xuất không nhất thiết phải lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan quy định tại điểm a khoản 5 Điều 54 của Luật này trước khi trình Chính phủ. Trong trường hợp được lấy ý kiến, cơ quan được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ lấy ý kiến.

2. Trong trường hợp điều ước quốc tế chỉ định cơ quan sửa đổi, bổ sung điều ước quốc tế thì cơ quan đó quyết định việc sửa đổi, bổ sung điều ước quốc tế, trừ trường hợp cơ quan có thẩm quyền quyết định chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế có quyết định khác.

3. Trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, cơ quan có thẩm quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung điều ước quốc tế thông báo ngay cho Bộ Ngoại giao và cơ quan có liên quan về nội dung đã được sửa đổi, bổ sung.

4. Hồ sơ trình về việc sửa đổi, bổ sung điều ước quốc tế theo trình tự, thủ tục rút gọn bao gồm các tài liệu quy định tại khoản 6 Điều 54 của Luật này, trừ ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan.

Điều 74. Gia hạn điều ước quốc tế theo trình tự, thủ tục rút gọn

1. Trong trường hợp việc gia hạn điều ước quốc tế chỉ mang tính chất kỹ thuật, cơ quan đề xuất không nhất thiết phải lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan quy định tại điểm a khoản 5 Điều 54 của Luật này.

2. Hồ sơ trình về việc gia hạn điều ước quốc tế theo trình tự, thủ tục rút gọn bao gồm các tài liệu quy định tại khoản 6 Điều 54 của Luật này, trừ ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan.

Điều 75. Từ chối áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn

Trong trường hợp từ chối áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn, cơ quan có thẩm quyền quyết định đàm phán, ký, sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế gửi trả lại hồ sơ và yêu cầu cơ quan trình thực hiện quy trình, thủ tục thông thường hoặc yêu cầu cơ quan trình bổ sung hồ sơ.


QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online