Ký ức những vạt đât cày - Hàm Chương (Lượt xem: 5578)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Cuộc thi " Viết về cánh đồng Quê Hương"

Cập nhật: 28/03/2017

Tuổi thơ tôi gắn bó với luống cày như thể con trâu tìm thấy sự bình yên bên lũy tre làng mát dịu. “Ba người bốn lưỡi mười chân. Hai lưng ở trần một lưng bận áo” là câu đố dân gian nếu không có sự hỗ trợ của internet hoặc của người lớn thì đố trẻ con thế hệ a còng giải được. Đó là hình ảnh bác nông dân với hai con trâu đang cày ruộng.

Ký ức những vạt đât cày - Hàm Chương
Ký ức những vạt đât cày

(Nguyên bản của tác giả)

Nói đến cánh đồng quê hương Nam bộ, thường người ta hay hình dung đến những ruộng lúa xanh ngắt tuổi đương thì hoặc cánh đồng vàng ươm đang vào vụ gặt. Nhưng với riêng tôi, những thớ đất cày luôn hằn sâu trong nếp nghĩ. Tuổi thơ tôi gắn bó với luống cày như thể con trâu tìm thấy sự bình yên bên lũy tre làng mát dịu. “Ba người bốn lưỡi mười chân. Hai lưng ở trần một lưng bận áo” là câu đố dân gian nếu không có sự hỗ trợ của internet hoặc của người lớn thì đố trẻ con thế hệ a còng giải được. Đó là hình ảnh bác nông dân với hai con trâu đang cày ruộng.

Buổi cày thường bắt đầu từ lúc khuya, khi gà gáy rộ lần hai là lúc anh Thành của tôi thức dậy. Anh lục tục chuẩn bị vác cày đi, còn ba tôi mở cổng chuồng lùa đôi trâu ra. Máng ách rồi ông đánh trâu theo đường lớn mà đến ruộng. Vì trâu không đi theo bờ ruộng được nên ba phải dắt đi vòng. Anh Thành tới nơi, để cày ở góc ruộng tự khi nào rồi quay về nhà ngủ tiếp. Sở dĩ phải cày khuya vì khi nắng lên, trâu và chủ rất mệt năng suất lao động không cao.

          Ngoài tên được đặt để gọi cho tiện khi chăn dắt như: Pháo, Xe, Bỉnh... thì người ta còn đặt tên cho trâu theo mỗi bên ách mà chúng phải mang mỗi khi cày bừa hay kéo xe. Con bên trái là con Thá, con bên phải là con Dí. Như một phản xạ có điều kiện, khi nghe Dí, con bên phải chồm lên quẹo trái, con Thá đi chậm, và ngược lại. Khi người cày lên tiếng “Họ…” là muốn chúng dừng lại. Có khi đến mùa cày, trâu nhà trùng vai, ba tôi phải tìm chỗ có dư trâu khác vai mà đổi nhau để sử dụng.

          Mùa cày thường phải cày hai lần. Lần đầu cày lật, cày vòng thá lật đất ra hay còn gọi là cày bỏ ải. Cày bỏ ải có tác dụng làm cho cỏ chết, tiêu diệt các mầm bệnh. Ngoài ra, cày bỏ ải cũng giúp cho đất tơi xốp, cây trồng dễ hấp thu chất dinh dưỡng. Đấy là đối với kỹ thuật trồng trọt của người lớn, còn với bọn nhóc như chúng tôi, mùa cày bỏ ải là mùa mang lại nhiều kí ức không thể phai mờ. Vào những buổi chiều sau khi đi học về, chúng tôi thường ra đồng lật những thớ đất cày để bắt dế. Những chú dế lửa, dế than đem lại cho chúng tôi những tràn cười sảng khoái. Nhưng cũng không ít lần vì chúng mà tôi bị má đánh đòn. Cái tội mê đi bắt dế mà không chịu học bài. Vì những chú dế đá có cái đầu bóng lưỡng, hai sợi râu dài cong cớn, gáy te te mà bị đòn cũng đáng lắm chứ. Nhiều lúc ba còn “chăm dầu vào lửa”, dưới thớ đất cày không chỉ có dế, còn có khi có rắn, rít, bò cạp rất nguy hiểm. Nhưng thời đó, chúng tôi làm gì có smartphone, làm gì có games cho chúng tôi chơi. Những buổi chiều gió, chúng tôi hẹn hò trên đồng trống đám đất cày bỏ ải nhà sau nhà nội để thả diều. Những cánh diều bay vút lên trời cao mang bao ước mơ, hoài bão về một tương lai xa xôi. Có khi mê chơi mà quên cả bàn chân rướm máu vì giẫm phải gai mắc cỡ. “Cuộc chơi” của chúng tôi kết thúc khi những vạt đất cày được cày lần thứ hai sau khi cỏ chết, cày vòng dí úp đất vào để gieo giống. Thời điểm đó cũng là lúc đầu mùa mưa, sắp hè, chúng tôi phải tạm quên đi những vạt cày thơm đất mới để chuẩn bị cho kỳ thi kết thúc năm học.

Ngày nay, khu vui chơi giải trí đủ loại thay thế cho những đồng cày thuở ấy. Chúng ta không phải lấy làm lạ vì sao bọn trẻ ngày nay hay gọi những chiếc điện thoại là “dế cưng”. Còn tôi, mỗi lần nhìn ra nhà xe cảm thấy không khỏi chạnh lòng nhớ đến chuồng trâu trong kí ức tuổi thơ. Những vạt cày đánh dấu từng vệt, từng vệt rất đậm trong tâm trí tôi. Tất nhiên nó sẽ lật lên bất cứ khi nào chạm đến cụm từ “Cánh đồng quê hương”. Ở đó, có những con trâu, cái cày, những chú dế, những cánh diều đầy ắp yêu thương của một thời bé dại.

Họ và tên: Nguyễn Văn Vạn

Bút danh: Hàm Chương

Địa chỉ: Số 47, Ấp Voi, xã An Thạnh, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh


TIN LIÊN QUAN

QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online