Khuyến cáo Lịch thời vụ - Cơ cấu giống - Biện pháp canh tác, quản lý dịch bệnh vụ lúa Hè Thu năm 2023 ở Sóc Trăng (Lượt xem: 1482)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Nông nghiệp - Nông thôn >> Khuyến Nông - Khuyến Ngư

Cập nhật: 24/04/2023

Đến giữa tháng 4/2023, tỉnh Sóc Trăng đã cơ bản thu hoạch dứt điểm vụ lúa Đông Xuân 2022 - 2023 và nông dân đang chuẩn bị xuống giống vụ Hè Thu. Hàng năm, mùa mưa tại tỉnh Sóc Trăng thường bắt đầu từ tháng 6 và kết thúc vào cuối tháng 11, đầu tháng 12. Việc xuống giống lúa vào đầu mùa mưa sẽ thu hoạch tập trung vào tháng 8 và tháng 9, mưa, bão xuất hiện nhiều, thu hoạch sẽ gặp khó, năng suất, chất lúa không đạt sẽ ảnh hưởng nhiều đến giá bán, lợi nhuận. Để đảm bảo cho nông dân sản xuất hiệu quả, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo một số giải pháp kỹ thuật canh tác, giống lúa phù hợp và biện pháp quản lý dịch hại trên lúa Hè Thu.     

Khuyến cáo Lịch thời vụ - Cơ cấu giống - Biện pháp canh tác, quản lý dịch bệnh vụ lúa Hè Thu năm 2023 ở Sóc Trăng
Nông dân Sóc Trăng gieo sạ lúa Hè Thu.

Theo Kế hoạch, vụ Hè Thu năm 2023 tại tỉnh Sóc Trăng sẽ đạt diện tích là 138.000 ha. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng, Thủy văn Quốc gia, năm nay, mùa mưa khu vực Nam Bộ có khả năng bắt đầu sớm hơn so với trung bình nhiều năm (trong tháng 4 đến tháng 5, tổng lượng mưa phổ biến cao hơn từ 10 đến 25%; tháng 6 đến tháng 8, tổng lượng mưa phổ biến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ).

Khung lịch xuống giống vụ Hè Thu 2023 (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng).

Đợt 1: Từ ngày 1/4 đến cuối tháng 4 dương lịch.

Diện tích: Khoảng 27.000 ha (ở các huyện Mỹ Tú, Châu Thành và TX. Ngã Năm là những vùng chủ động được nguồn nước tưới tiêu, có nguồn nước ngọt).

Đợt 2: Từ 1 - 31/5 dương lịch.

Diện tích: Khoảng 75.000 ha (xuống giống tập trung ở các vùng trong tỉnh).

Đợt 3: Từ 1 - 30/6 dương lịch.

Diện tích: Khoảng 36.000 ha (xuống giống ở các khu vực còn lại, vùng đất cao, ảnh hưởng mặn không xuống giống được do chưa chủ động được nguồn nước, phụ thuộc vào nguồn nước mưa thuộc các huyện Trần Đề, Mỹ Xuyên, Thạnh Trị và TP. Sóc Trăng).

Riêng khu vực Long Phú - Tiếp Nhựt gồm huyện Trần Đề và một số địa bàn thuộc huyện Long Phú (thị trấn Long Phú, xã Long Phú, Long Đức, một phần các xã Phú Hữu, Tân Thạnh, Châu Khánh và Tân Hưng) khoảng 34.000 ha, xuống giống từ 15/5 đến 15/6 dương lịch.

Trung tâm Giống Nông nghiệp Sóc Trăng khuyến cáo Bộ giống sử dụng trong vụ Hè Thu năm 2023.

Giống chủ lực: Đài Thơm 8, OM 5451, OM 18, các giống lúa nhóm ST.

Vùng khó khăn: OM 4900, OM 576, các giống lúa thơm nhóm ST.

Vùng ngọt: OM 5451, OM 380, OM 18, Đài Thơm 8.                 

Các giống lúa chống chịu phèn, mặn trung bình, khá: OM 6976, OM 4900, Đài thơm 8, OM 18, các giống lúa thơm nhóm ST.

Nhóm giống lúa thơm - đặc sản: Các giống lúa nhóm ST, Đài Thơm 8, OM 4900.

Khuyến cáo: Bên cạnh ưu tiên sử dụng các giống lúa cấp xác nhận, nông dân cần kết hợp cơ giới hóa trong gieo sạ và cấy nhằm giảm lượng giống, giảm chi phí đầu tư ban đầu.

Nông dân cần đẩy lịch thời vụ Đông Xuân 2022-2023 sớm hơn để tránh hạn, mặn cuối vụ.

Một số đối tượng dịch hại thường xuất hiện và gây hại trong vụ lúa Hè Thu:

Chủ yếu là ốc bươu vàng, rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, bệnh đạo ôn, bệnh cháy bìa lá,…

Biện pháp quản lý tốt ốc bươu vàng: Nông dân cần bắt ốc bằng tay, nên bắt ốc sớm và liên tục từ lúc sạ đến 2-3 tuần sau sạ, bắt vào lúc sáng sớm hay chiều mát. Vét rãnh trên ruộng để khi tháo nước, ốc gom xuống rãnh dễ thu gom. Cắm cọc rải rác trên ruộng để ốc lên đẻ trứng rồi thu gom trứng. Đặt lưới mắt cáo bằng kim loại hay bằng lưới nylon hay bằng tre nứa ở cống, bộng dẫn nước để ngăn chặn ốc lây lan đồng thời dễ thu gom.

Biện pháp quản lý tốt bọ trĩ (hay còn gọi là bù lạch): Nông dân cần tăng cường bón phân chăm sóc, không để ruộng khô nước; khi bị bọ trĩ gây hại với tỷ lệ trên 15% dảnh hoặc mật độ trên 2.500 con/m² thì dùng các loại thuốc sinh học để phun trừ nhằm bảo vệ thiên địch không bùng phát các loại sâu, rầy khác giai đoạn sau.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh dự báo 2 đợt rầy nâu di trú trong vụ Hè Thu năm 2023.

Đợt 1: Từ ngày 20 - 30/5

Đợt 1: Từ ngày 25/6 đến ngày 5/7/2023.

Khuyến cáo: Nông dân cần xác định lịch gieo sạ cụ thể cho từng vùng theo phương châm “Đồng loạt - Tập trung - Né rầy”. Đối với những nơi không đủ điều kiện gieo sạ theo lịch né rầy thì khi từng khu vực đủ điều kiện, nông dân cần gieo sạ tập trung và thực hiện biện pháp dùng nước che chắn cho lúa non dưới 20 ngày tuổi trong thời gian có rầy di trú đến, để hạn chế rầy nâu truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá.

Thạc sĩ Trần Vĩnh Nghi - Phó Chi cục trưởng - Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo. 

Trên cơ sở dự báo tình hình Khí tượng, Thủy văn của các cơ quan chuyên môn, năm 2023 mùa mưa đến sớm, bắt đầu cuối tháng 4, do đó các huyện Trần Đề, Long Phú, Mỹ Xuyên và thành phố Sóc Trăng cần tuyên truyền, vận động nông dân cày xới đất sớm, khi nguồn nước ngọt đầy đủ thì bơm nước rửa mặn, phèn để xuống giống sớm và kết thúc gieo sạ trong tháng 6, tránh mưa, bão làm ảnh hưởng năng suất cuối vụ Hè Thu, đồng thời đẩy lịch thời vụ Đông Xuân 2022-2023 sớm hơn để tránh hạn, mặn cuối vụ.

Tập trung xuống giống sớm trong tháng 4 đối với các vùng trũng như TX. Ngã Năm, huyện Mỹ Tú, 1 phần huyện Châu Thành, 1 phần huyện Thạnh Trị, nhằm tránh bị ngập nước sẽ ảnh hưởng đến thu hoạch lúa cuối vụ.

Lưu ý: Sau khi thu hoạch lúa Đông Xuân, nông dân tiến hành cày xới, sử dụng chế phẩm Trichoderma để phân hủy rơm rạ, tránh ngộ độc hữu cơ ở vụ sau. Đảm bảo thời gian cách ly giữa 2 vụ từ 15 - 20 ngày. Không nên sạ chay (sạ không làm đất), làm đất kĩ trước khi gieo sạ để quản lý cỏ dại và mầm bệnh lưu tồn từ vụ lúa trước lan truyền cho vụ sau.

Tăng cường sử dụng phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học góp phần tăng hiệu quả sử dụng đất, bảo tồn đa dạng sinh học. Áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như: 3 giảm - 3 tăng, 1 phải - 5 giảm, tưới ngập - khô xen kẽ, công nghệ sinh thái, hướng hữu cơ, GAP… nhằm giảm giá thành sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất.

Tính đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã xuống giống được gần 30.000 ha lúa Hè Thu năm 2023. Nhiều năm qua, thực tế tình hình sản xuất lúa Hè Thu tại tỉnh Sóc Trăng cho thấy, việc tránh được tác động từ mưa, bão khi thu hoạch sẽ bảo toàn được năng suất lúa, đồng thời giúp xuống giống sớm vụ Đông Xuân nhằm hạn chế ảnh hưởng mặn xâm nhập vào cuối vụ./.  

Bình Trọng - Ngọc Thơ


QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online