Giúp người từng lầm lỗi ổn định cuộc sống (Lượt xem: 1449)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Lực lượng vũ trang >> Công an Sóc Trăng

Cập nhật: 14/01/2024

Phát huy truyền thống nhân văn, nhân đạo của dân tộc, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện nhiều chủ trương, chính sách giúp người từng lầm lỗi hòa nhập cộng đồng, tạo điều kiện cho những người chấp hành xong án phạt tù sớm ổn định cuộc sống, không tái phạm tội và đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Quyết định số 22 ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, có hiệu lực từ ngày 10/10/2023 thực sự là một chính sách mới, giúp người từng lầm lỗi có điều kiện ổn định cuộc sống.

Giúp người từng lầm lỗi ổn định cuộc sống
Anh Thạch Thanh Tiền vay vốn để trồng trọt.

Quyết định số 22 ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thi hành ngày 10/10, đối tượng được vay vốn là cá nhân người chấp hành xong án phạt tù và người được đặc xá, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội và Công an xã, phường, thị trấn xác nhận với mức vay tối đa là 100 triệu đồng; đối với cá nhân để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm; đối với các sơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù mức vay tối đa là 2 tỷ đồng một dự án và không quá 100 triệu đồng/1người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh. Thời hạn vay tối đa là 120 tháng, với lãi suất cho vay bằng với lãi suất cho vay hộ nghèo.

Bà Trịnh Bích Tuyền - Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Ngay sau khi Quyết định số 22 có hiệu lực thì Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh và đã có văn bản chỉ đạo đến các đơn vị phối hợp triển khai. Về phía Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cũng chỉ đạo cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay phối hợp với UBND, Công an, các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác, và đặc biệt là Tổ tiết kiệm vay vốn để rà soát các đối tượng thụ hưởng. Đồng thời các hộ gia đình có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn thì hướng dẫn làm hồ sơ và giải ngân theo quy định.

Bà Trịnh Bích Tuyền đến khảo sát hiệu quả đồng vốn vay tại nhà  anh Thạch Thanh Tiền.

Trở về ấp An Phú, thị trấn Kế Sách, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng sinh sống, sau khi chấp hành xong án phạt tù, anh Thạch Thanh Tiền vừa được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kế Sách hỗ trợ vay vốn để cải tạo lại vườn để trồng cây ăn trái với quyết tâm sớm ổn định cuộc sống. “Được Ngân hàng cho vay vốn tôi rất là vui vì có điều kiện sửa sang lại vườn để trồng trọt. Tôi rất biết ơn chính quyền địa phương đã quan tâm hỗ trợ. Nhờ cán bộ giúp đỡ nên tôi mới biết đến chính sách của Nhà nước và đã vay được là 60 triệu đồng. Tôi phải làm lại từ đầu. Tôi khuyên mọi người là đừng vì 1 phút nông nổi mà phải trả 1 cái giá rất đắc, dẫn đến hậu quả không thể nào lường trước được. Hãy sống thật lành mạnh và yêu thương mọi người xung quanh mình”, anh Tiền chia sẻ.

Ngân hàng Chính sách xã hội cho người chấp hành xong án phạt tù  vay vốn.

Những người chấp hành xong án phạt tù đủ điều kiện theo quy định, không những được tạo điều kiện vay vốn phát triển sản xuất, tạo việc làm mà còn thường xuyên nhận được sự động viên từ các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng Công an tại địa phương, nhằm giúp người chấp hành xong án phạt tù sớm vượt qua khó khăn, hòa nhập cộng đồng. “Chúng tôi xem đây là công tác thường xuyên. Hằng tháng, chúng tôi đến gặp gỡ những người chấp hành xong án phạt tù để trao đổi, động viên, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hướng dẫn, tư vấn pháp luật và tạo nguồn vốn để họ sản xuất kinh doanh”, Thiếu tá Huỳnh Quốc Bảo, Phó trưởng Công an thị trấn kế Sách, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, cho biết.

Bà Phạm Thị Cẩm An - Phó Chủ tịch UBND thị trấn, huyện Kế Sách, cho hay: Từ khi có Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ thì Công an thị trấn có tham mưu cho Uỷ ban. UBND thị trấn phối hợp với Ngân hành Chính sách và các ban, ngành, đoàn thể đến trực tiếp tuyền truyền, rà soát đối với 3 trường hợp, qua đó đã xét 2 trường hợp được Ngân hàng chính sách giải ngân cho 2 trường hợp.

Anh Trần Lâm vay vốn để chăn nuôi.

Anh Trần Lâm ở ấp Tân Qui A, xã Tân Hưng, huyện Long Phú cũng được vay vốn từ Ngân hàng Chính sánh xã hội theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ với số tiền 10 triệu đồng để chăn nuôi. Sau khi chấp hành xong án phạt trở về địa phương, anh Lâm đã phải làm lại từ đầu để lo cho 3 đứa con còn nhỏ và cha mẹ, già. Anh Lâm chia sẻ: Tôi rất vui mừng khi được Nhà nước hỗ trợ cho vay tiền để có điều kiện làm ăn ổn định cuộc sống. Công an xã cũng đến nhà động viên cố gắng làm ăn để nuôi 3 đứa con ăn học. Tôi đã sai lầm 1 lần duy nhất thôi chứ không có lần thứ 2 nữa.

Anh Lý Phước Sự ở ấp Phú Ninh, xã An Ninh, huyện Châu Thành cũng từng có lầm lỗi trong quá khứ. Năm 2019, anh Sự được Ngân hành Chính sách xã hội cho vay 60 triệu đồng từ nguồn ngân sách địa phương ủy thác để làm nghề mua bán phế liệu. Nhờ đồng vốn vay đã giúp anh Sự dần ổn định cuộc sống. Ánh chia sẻ: Lúc trước tôi cũng có làm nghề mua ve chai nhưng thiếu vốn. Nhờ chính sách Nhà nước giúp đỡ vay vốn, mình đi mua ve chai được nhiều, mình lời nhiều để nuôi vợ con. Cuộc sống gia đình đỡ lo hơn lúc trước. 

Cũng từng có lầm lỗi trong quá khứ, nay đã tái hòa nhập cộng đồng ở ấp Phú Ninh A, xã An Ninh, huyện Châu Thành, anh Lý Chia chí thú làm ăn và cuộc sống ổn định. Ngoài chăn nuôi bò, anh Chia còn làm thêm thợ hồ để trang trải cuộc sống trong gia đình hằng ngày. Đến nay, anh Chia đã hoàn trả gần xong số vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội vào năm 2019. Anh bộc bạch: Trước đây gia đình cũng thiếu hụt, nhờ ở cấp trên hỗ trợ cho vay 50 triệu đồng, tôi xây dựng chuồng trại và mua 3 con bò về nuôi, cũng thấy ổn định phần nào. Khi hoàn trả vốn xong, nếu tiếp tục được hỗ trợ vay vốn thì tôi vay để xây chuồng rộng hơn mua thêm bò nuôi để phát triển kinh tế gia đình hơn nữa.

Anh Lý Chia vay vốn để chăn nuôi bò.

Bà Trần Thị Phương Dung - Bí thư Đoàn xã An Ninh, nói: Đối với người chấp hành xong án phạt tù, Đoàn có xuống vận động, tuyên truyền hướng dẫn để người từng lầm lỗi cởi mở hơn và tái hòa nhập với xã hội. Đối với 2 trường hợp trên đã được hỗ trợ vay vốn và thực hiện tốt nhiệm vụ đóng lãi và gửi tiết kiệm hằng tháng. Vợ chồng đồng lòng làm ăn phát triển kinh tế gia đình; gần gũi, giao hảo với bà con láng giềng. Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh,công ty, doanh nghiệp cũng tạo điều kiện cho người từng lầm lỗi có việc làm ổn định, có nguồn thu nhập đảm bảo cuộc sống, góp phần ngăn chặn những người chấp hành xong án phạt tù bị túng quẫn dẫn đến tái phạm pháp.

“Tính đến nay, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Sóc Trăng đã giải ngân vốn vay hỗ trợ sản xuất cho 25 hộ gia đình có đối tượng chấp hành xong án phạt tù, với nguồn vốn giải ngân là gần 1,2 tỷ đồng. Tính từ nừ năm 2018 đến nay, từ nguồn ngân sách địa phương ủy thác thì Chi nhánh đã thực hiện giải ngân cho gần 60 đối tượng, với gần 2,5 tỷ đồng, nguồn vốn đã phát huy hiệu quả, các đối tượng cũng chí thú làm ăn để phát triển kinh tế gia đình”, bà Trịnh Bích Tuyền - Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Chính sách Xã hội Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng nói và cho biết, trong thời gian tới, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Sóc Trăng tiếp tục là đầu mối để phối hợp với Công an tỉnh, Công an huyện, tham mưu cho UBND cùng cấp thực hiện chuyển nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác để tiếp tục hỗ trợ vốn vay cho người chấp hành xong án phạt tù; đồng thời phối hợp với các đơn vị có liên quan tuyên truyền sâu rộng để chính sách được lan tỏa trong cộng đồng. 

Qua sự giúp đỡ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với người tái hóa nhập cộng đồng, Thượng tá Lâm Văn Cần (ảnh trên) - Trưởng phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Công an tỉnh Sóc Trăng mong muốn người tái hòa nhập cộng đồng phải xây dựng cho mình được niềm tin, nghị lực, ý chí vững vàng để tránh sa ngã, vi phạm pháp luật, vươn lên trong cuộc sống, chấp hành nghiêm chính sách pháp luật của Nhà nước. Rút kinh nghiệm từ quá trình học tập, cải tạo, khi về tái hóa nhập cộng đồng phải tuyên truyền, vận động cho gia đình người thân tránh sa ngã, vi phạm pháp luật. Sau khi được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội thì phải có kế hoạch sử dụng đồng vốn có hiệu quả nhất.   

Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ là một chính sách thể hiện sâu sắc tính nhân văn, nhân đạo, đáp ứng kịp thời đòi hỏi của thực tiễn. Việc các cấp chính quyền, các ngành chức năng liên quan trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ là yếu tố quan trọng, không chỉ giúp người chấp hành xong án phạt tù có việc làm, kế sinh nhai mà còn giúp họ có điều kiện phát triển bình đẳng, tái hòa nhập cộng đồng bền vững; góp phần giải quyết vấn đề an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau của Đảng và Nhà nước ta./.

An ninh Sóc Trăng


QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online