Giám sát của MTTQ, giải pháp căn cơ thực hiện tốt chính sách (Lượt xem: 1569)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Pháp luật - Cải cách hành chính

Cập nhật: 21/11/2017

Ngày 15/6/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị trong giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. Thực hiện Nghị quyết này, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng và các tổ chức thành viên đã chủ động, tích cực thực hiện nhiều chương trình giám sát đến tận xã, phường, thị trấn, vừa giám sát thực hiện các chủ trương chính sách, vừa phản biện những vấn đề theo luật quy định hoặc do địa phương đề ra.

Giám sát của MTTQ, giải pháp căn cơ thực hiện tốt chính sách
Buổi họp báo của MTTQ

       Những năm qua, MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng và các tổ chức chính trị xã hội đã tích cực triển khai thực hiện Quyết định số 217 và 218 của Bộ Chính trị về giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, qua đó vừa tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, vừa tạo đồng thuận xã hội, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị vững mạnh. Tuy là những phần việc mới mẻ, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nhưng MTTQ Việt Nam ba cấp trong tỉnh đã giám sát trên nhiều lĩnh vực, cách thức tổ chức sáng tạo, những kiến nghị được đưa ra cũng thiết thực và sâu sát đời sống xã hội. Tính từ năm 2014 đến nay, Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chủ trì phối hợp các tổ chức thành viên của Mặt trận xây dựng nhiều chương trình phối hợp về giám sát và tổ chức triển khai thực hiện. Các lĩnh vực, nội dung giám sát của MTTQ đều xuất phát và tập trung vào việc giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân, như khiếu nại tố cáo, an sinh xã hội, hỗ trợ hộ nghèo vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc. Ông Mai Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Với 4 hình thức giám sát là: Nghiên cứu văn bản thực hiện công tác giám sát, thành lập đoàn giám sát trực tiếp, tham gia giám sát cùng các cơ quan chức năng, thông qua hoạt động của MTTQ ở cơ sở… Chúng tôi thực hiện quyền giám sát của Mặt trận để phát hiện những hành vi tiêu cực, lãng phí trong đầu tư các chương trình an sinh xã hội ở cộng đồng”.

Vừa qua, trong giám sát thực hiện các chính sách về an sinh xã hội như hỗ trợ vốn, bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, hộ chính sách và học sinh sinh viên … Ủy ban MTTQ chủ trì và phối hợp giám sát tập trung vào những việc thiết thực, liên quan đến đời sống, việc làm của người dân, như: thực hiện các chính sách về bồi thường giải phóng mặt bằng, về an toàn thực phẩm, an toàn giao thông; công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân... nhất là giám sát thực hiện các chính sách an sinh xã hội về y tế, lao động việc làm. Ở các xã phường, qua công tác giám sát, đã góp phần đưa các chính sách an sinh xã hội đi vào đời sống, việc cấp bảo hiểm y tế đúng đối tượng đã giúp người dân, nhất là hộ nghèo, có điều kiện chăm lo sức khỏe bản thân và gia đình, những đối tượng được ưu tiên tạo điều kiện và hưởng chính sách như vay vốn, nhà tình thương cũng được quan tâm và thực hiện đúng trình tự. Ông Võ Hồng Cang, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Khánh Hòa, thị xã Vĩnh Châu, cho biết: “Ủy ban MTTQ phường Khánh Hòa đã tổ chức giám sát UBND phường trong thực hiện chính sách bảo hiểm y tế toàn dân. Ngoài cấp phát cho đúng đối tượng thì cũng có trường hợp trùng lắp, sai họ tên, năm sanh… Chúng tôi đã kịp thời kiến nghị lên UBND phường để chỉnh sửa cho chính xác”.

 

 

Hội nghị kiểm tra, giám sát công tác Mặt trận cấp xã

Hiện nay, việc giám sát, phản biện xã hội ngày càng được hoàn thiện theo Nghị quyết số 403 giữa Quốc hội, Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, là cơ sở quan trọng để MTTQ Việt Nam triển khai hiệu quả hơn nữa hoạt động giám sát và phản biện xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi, công tác này cũng còn những khó khăn nhất định, bởi giám sát của MTTQ và các tổ chức thành viên là giám sát không có chế tài, chưa có ràng buộc trách nhiệm, cho nên khâu thực hiện sau giám sát chưa cao, nhất là trong các lĩnh vực đất đai, khiếu nại tố cáo, các chính sách về an sinh xã hội; mặt khác cũng chưa có hướng dẫn cụ thể để thực hiện quy định góp ý kiến vào bản kiểm điểm hằng năm của tập thể cấp ủy, chính quyền, chưa có quy định cụ thể để phát huy trách nhiệm, vai trò của Ban công tác Mặt trận khu dân cư trong việc nhận xét, lấy ý kiến hằng năm đối với cán bộ, đảng viên, vì vậy, thường thì công tác giám sát chỉ tập trung vào những lĩnh vực có dư luận quan tâm, những phát sinh khiếu nại thắc mắc mà người dân bức xúc. Ông Mai Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Trong năm 2017, MTTQ thực hiện giám sát trên nhiều lĩnh vực, trong đó đi sâu vào 2 nội dung cơ bản là: Giám sát trong khiếu kiện ở lĩnh vực đất đai; Giám sát việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo hiểm y tế cho hộ nghèo. Qua đó phát hiện những hạn chế trong thực thi nhiệm vụ và đã kiến nghị đến các cơ quan chức năng để kịp thời giải quyết những vụ việc còn bấp cập”.

Trong đánh giá và định hướng chung, Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức thành viên tiếp tục phát huy vai trò của mình, chủ động, tích cực làm tốt việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giám sát, phản biện xã hội hằng năm, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về công tác này. Qua đó, đề xuất thể chế hóa quy định những nội dung cần giám sát, phản biện xã hội; hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các lực lượng trong tổ chức thực hiện, trên cơ sở đó hằng năm bồi dưỡng, tập huấn sâu theo từng chuyên đề. Trong đó, MTTQ chú trọng kết hợp liên thông ba nhiệm vụ là giám sát, phản biện và góp ý xây dựng Đảng, chính quyền; tăng cường giám sát giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri và nhân dân, những vấn đề báo chí dư luận quan tâm, nhân dân bức xúc, góp phần phòng, chống tham nhũng, lãng phí, ngăn chặn các biểu hiện suy thoái, góp phần tăng cường sự đồng thuận xã hội trong thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Ông Mai Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, nhấn mạnh:“Để thực hiện tốt hơn nữa vai trò giám sát, phản biện xã hội, thời gian tới, MTTQ sẽ tăng cường phối hợp cùng các ngành hữu quan, phối hợp cùng Ban Nội chính Tỉnh ủy, xây dựng quy chế hoạt động giữa Mặt trận cùng các cơ quan pháp luật để nâng cao trách nhiệm và tăng cường công tác giám sát ở cơ sở”.

 

 

Hội nghị ký kết công tác phối hợp

 

Thực tiễn cho thấy, chống tham nhũng lãng phí thật ra không đơn giản, song sẽ rất minh bạch nếu phát huy được quyền giám sát của nhân dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng, chính quyền, vì vậy vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên chính là cầu nối quan trọng, bởi thông qua giám sát của MTTQ những vấn đề người dân bức xúc, dư luận quan tâm sẽ được minh bạch, nên hoạt động giám sát của MTTQ khi thực hiện nghiêm túc, thường xuyên sẽ giúp người dân nâng cao lòng tin trong tham gia xây dựng hệ thống chính trị./.

 

Quang Nhuần


QUẢNG CÁO
    Book365
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online