Đồng bào Khmer chung tay bảo vệ môi trường (Lượt xem: 2625)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Đời sống - Xã hội >> Dân tộc và phát triển

Cập nhật: 14/06/2021

Trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, tiêu chí số 17 về môi trường được đánh giá là nội dung khó thực hiện, bởi vì việc bảo vệ môi trường không đơn thuần chỉ là thu gom, xử lý chất thải, cải tạo và phục hồi môi trường mà còn phải chuyển đổi mô hình sản xuất, thay đổi hành vi, lối sống để giảm thiểu tác động đến môi trường và từng bước nâng cao chất lượng môi trường. Chính vì vậy, đã có nhiều giải pháp đồng bộ và toàn diện được triển khai lồng ghép vào trong sản xuất nông nghiệp như các mô hình canh tác thông minh, nông nghiệp hữu cơ, sinh học... để bảo vệ môi trường sống.

Đồng bào Khmer chung tay bảo vệ môi trường
Nhờ áp dụng phương thức canh tác hữu cơ đã giúp cho rẫy rau, màu nhà ông Chung Kim Hoàng xanh mướt.

   Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp đã được ngành chuyên môn chỉ ra nhiều hệ lụy, không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn đe dọa trực tiếp đến sức khỏe con người. Chính vì vậy, hiện nay việc áp dụng các chế phẩm sinh học đã và đang được các ngành, các cấp khuyến cáo rộng rãi, được nông dân quan tâm, từng bước ứng dụng vào trong sản xuất.

   Ông Chung Kim Hoàng ở ấp Đại Thành, xã Đại Tâm sau nhiều năm trồng rẫy dùng phân bón vô cơ và hóa chất trừ sâu thì nay đã chuyển hướng sang trồng theo quy trình hữu cơ, kết hợp nhà lưới. Hiện nay ông Hoàng đang vào vụ thu hoạch hẹ, giá bán ra tại rẫy trội hơn các hộ khác, dao động từ 20.000 - 25.000đ/kg, nhờ áp dụng mô hình tạo ra nông sản sạch, an toàn. Mặc dù trồng rau theo phương pháp hữu cơ sẽ vất vả hơn trồng rau thông thường, năng suất so sánh không chênh lệch nhiều, nhưng áp dụng phương thức canh tác hữu cơ đã giúp cho rẫy rau, màu nhà ông xanh mướt bắt mắt hơn, luân phiên thu hoạch mỗi ngày, có thu nhập ổn định, môi trường sống an toàn hơn.  

   Ông Chung Kim Hoàng, cho hay: “Trước đây tôi làm rẫy cũng xài phân hóa học, nhưng sau này làm theo chương trình hướng dẫn bên Khuyến nông, chuyển đổi sang xài phân hữu cơ và thuốc sinh học thì thấy rất có hiệu quả. Làm theo quy trình hữu cơ giúp cải tạo lại đất, rau an toàn, hiệu quả về lâu dài. Đất được cải tạo rất tốt, rau, màu cũng xanh hơn, môi trường cũng sạch mà người tiêu dùng cũng yên tâm”.

Ông Trầm Thanh Hải chăm sóc vườn ổi theo phương thức hữu cơ.

   Với suy nghĩ muốn phát triển kinh tế hiệu quả, bền vững phải tích cực đổi mới trong sản xuất nên ông Trầm Thanh Hải ở ấp Nghĩa Thắng, xã Đại Tâm dành thời gian tìm hiểu nhu cầu của người tiêu dùng. Tham khảo qua Truyền hình, sách báo, internet, ông Hải thấy có nhiều mô hình trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ có thể áp dụng với chất đất và khí hậu tại địa phương. Vì vậy hơn 1 năm nay, bên cạnh việc trồng rau ông đã tận dụng kết hợp trồng thêm 200 gốc ổi theo phương thức hữu cơ, chủ yếu là sử dụng phân gà ủ và bón phân vi sinh. Hiện vườn ổi nhà ông đang phát triển xanh tốt. Ông Trầm Thanh Hải cho hay: Mới trồng ổi năm đầu tiên, tôi xài phân hữu cơ để cho xốp đất, cây phát triển tốt, trái ngọt tự nhiên, xài phân hữu cơ cũng ít ảnh hưởng môi trường xung quanh và cây ít bị sâu bệnh”.

  Nghề chăn nuôi bò tại huyện Mỹ Tú tập trung chủ yếu ở các xã Phú Mỹ, Mỹ Thuận, Thuận Hưng. Chăn nuôi bò đã mở thêm sinh kế, góp phần cải thiện thu nhập người dân, đây còn là phương thức thoát nghèo được nhiều gia đình bà con dân tộc Khmer áp dụng hiệu quả. Tuy nhiên, việc lựa chọn mô hình chăn nuôi này cũng đồng nghĩa sẽ tạo nên sức ép đối với môi trường, việc xả thẳng chất thải chăn nuôi xuống kênh, rạch gây nhiễm bẩn nguồn nước. Để giải quyết vấn đề chất thải mà chính quyền địa phương và người dân quan tâm, Dự án hỗ trợ nông nghiệp khí Các bon thấp đã dược triển khai tại địa phương và đến nay đã cơ bản cải thiện tình trạng này. Theo đó, từ năm 2014 đến nay, Dự án đã hỗ trợ bà con chăn nuôi bò tại huyện Mỹ Tú lắp đặt trên 700 hầm biogas với kinh phí mỗi hầm là 3 triệu đồng. Quy trình xử lý chất thải này gồm 4 công đoạn khép kín là: Phân bò từ chuồng sẽ đưa xuống ống dẫn, sau đó chuyển sang bể lắng, rồi được đưa vào hầm ủ, khí gas hình thành sẽ chuyển lên nhà bếp và cuối cùng là lọc cặn xơ vào bể xả thải.

Ông Dương Kim Long (thứ 2, từ trái sang) và hầm khí biogas xử lý chất thải chăn nuôi của gia đình.

    Gia đình ông Dương Kim Long ở ấp Đai Úi, xã Phú Mỹ gắn bó với nghề chăn nuôi bò từ nhiều năm nay, trung bình mỗi năm ông Long duy trì đàn bò 5-6 con trong chuồng, nên lượng chất thải lớn, gặp khó trong việc xử lý. Dự án hỗ trợ nông nghiệp Các bon thấp của tỉnh đã hỗ trợ ông xây dựng hầm khí biogas xử lý chất thải chăn nuôi. Từ khi hầm khí sinh học đi vào hoạt động, không chỉ hạn chế ô nhiễm môi trường, mà gia đình ông còn có khí đốt phục vụ việc nấu nướng, tiết kiệm chi phí sinh hoạt trong gia đình.

Đại đức Danh Thanh Dũng, Chùa Trà Tim Giữa, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên.

   Một trong những chính sách thiết thực để bảo vệ môi trường ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tỉnh Sóc Trăng triển khai tích cực chính là chương trình xây dựng lò hỏa táng cải tiến ở các chùa phật giáo Nam tông Khmer. Chương trình này đã đầu tư, xây dựng trên 100 lò hỏa táng cho các chùa, không chỉ giúp những gia đình Khmer có điều kiện an táng người thân theo đúng phong tục, tập quán mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Hiện lò hỏa táng được xây dựng trong thời gian gần đây có buồng đốt kín, có lắp đặt ống khói cao và được bố trí trong khuôn viên chùa có trồng nhiều cây xanh làm khuếch tán khói, khí thải, bụi. Việc hỏa táng ngày nay rất được cộng đồng ủng hộ khi không gây hao tốn đất đai, không gây ô nhiễm môi trường và nhiều tiện ích khác.

     “Trước kia nếu không có lò hỏa táng thì đồng bào Khmer thường đem hỏa táng ở một khu đất trống, nhiều khi có mưa, gió hỏa táng không kịp bị ô nhiễm môi trường khói bụi và mùi bay đi khắp nơi. Từ khi được Nhà nước xây dựng lò hỏa táng cho Chùa, việc hỏa táng không ảnh hưởng đến sức khỏe, không gây ô nhiễm môi trường xung quanh” - Đại đức Danh Thanh Dũng, Chùa Trà Tim Giữa, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, cho biết thêm.

    Công tác bảo vệ môi trường ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Sóc Trăng đã và đang có những bước tiến rõ rệt, góp phần giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu. Những mô hình mà các ngành, các cấp trong tỉnh đã và đang triển khai sẽ giúp giảm được áp lực từ trong sinh hoạt và sản xuất, đây cũng là một trong những cách làm hiệu quả giúp nhiều địa phương trong tỉnh hoàn thành tốt tiêu chí về môi trường trong xây dựng Nông thôn mới./.

Ngọc Diễm -Trọng Phước

 

 


QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online