Đỗ Phạm Thúy Anh - giấc mơ Đại học và câu chuyện về ngày đoàn viên (Lượt xem: 3773)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Đời sống - Xã hội >> Tiếp bước đến trường

Cập nhật: 01/07/2021

Mười tám tuổi, cũng là gần ngần ấy năm em Đỗ Phạm Thúy Anh sống xa cha mẹ, thiếu vắng tình thương, sự ấm áp của một mái nhà đúng nghĩa. Cha mẹ Thúy Anh phải rời quê lên Sài Gòn mưu sinh, mỗi năm, cả nhà chỉ được sum họp vào dịp Tết Nguyên đán. Chính vì lẽ đó, nỗi khát khao được sống cùng mẹ cha và em gái cứ lớn dần lên trong lòng Thúy Anh để cùng nhau chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, chuyện học hành, chuyện mưu sinh hằng ngày. Đó cũng là động lức giúp em phấn đấu học tập, trở thành học sinh giỏi của lớp 12A2, trường THPT Hòa Tú, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, đưa em tiến gần đến ước mơ trở thành sinh viên của trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.

Đỗ Phạm Thúy Anh - giấc mơ Đại học và câu chuyện về ngày đoàn viên
Em Đỗ Phạm Thúy Anh (đứng) là học sinh giỏi của lớp 12A2, trường THPT Hòa Tú, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, năm học 2020-2021. 

     Gửi Thúy Anh cho bà ngoại nuôi nấng khi em chỉ mới 17 tháng tuổi. Cái nghèo, cái khó đã khiến cha mẹ em phải rứt ruột xa đứa con thơ lên Sài Gòn tìm kế sinh nhai. Ngần ấy năm tha hương cầu thực, sự cố gắng của cha mẹ Thúy Anh nơi xứ người, cũng chỉ mong sao có thêm thu nhập gửi về cho con hằng tháng, để vun vén chuyện học hành, để chắt chiu hy vọng cho tương lai con rồi sẽ xán lạn hơn cuộc đời nghèo khó của mình.

    Thương con, thương cháu, bà Dương Thị Mai - bà ngoại của Thúy Anh lại gánh trách nhiệm chăm lo cho đứa cháu thơ từ ngày mới lọt lòng. Bao năm qua, bà đã dùng hết tình yêu thương, sự quan tâm để bù đắp cho đứa cháu nhỏ sớm thiếu vắng vòng tay yêu thương, chở che của cha mẹ. Sự lớn khôn, trưởng thành nơi Thúy Anh luôn có bóng dáng tần tảo của người bà thân thương đã dành cả đời mình để chăm lo cho cháu.

      Bà Mai (ảnh) tâm sự: ngày xưa vì quá nghèo khó, nhà không có điều kiện nên con gái tôi, là mẹ của Thúy Anh chẳng được học hành đến nơi, đến chốn, nên phải bôn ba nơi đất khách, quê người tìm lấy chén cơm. Nếu bây giờ, vì nghèo mà chuyện học của Thúy Anh lại phải dở dang, chẳng khác nào tôi lặp lại câu chuyện đời mình.  

    “Thương con một táo, thương cháu một giạ”, Thúy Anh không chỉ là niềm hy vọng của cha mẹ em trên hành trình đi tìm tương lai bằng con chữ, em còn là chỗ dựa tinh thần cho ông bà ngoại, giúp ông bà thực hiện ước mơ đổi thay sự nghèo khó của bao thế hệ gia đình.

     Nhà ngoại có ao đất dành để thả nuôi tôm sú, nguồn lợi thu được bao năm qua vừa để chăm lo cuộc sống hàng ngày, vừa lo cho Thúy Anh được đến trường. Thế nhưng, những năm gần đây mùa màng thất bát, gia đình gặp phải không ít khó khăn. Riêng thu nhập từ công việc của cha mẹ Thúy Anh ở Sài Gòn, nhín nhút hằng tháng mới có thể gửi về cho con ít tiền để trang trải chuyện học. Đứa em nhỏ của Thúy Anh mới vào lớp 1, những khoản lo cho tương lai của 2 đứa con giữa lòng Sài Gòn đông đúc, guồng quay cơm áo, gánh nặng mưu sinh cứ chất nặng đôi vai người làm cha mẹ. Thương cha mẹ đầu tắt mặt tối nơi xứ người, giờ giấc đi làm thường không cố định, Thúy Anh chỉ có thể hỏi thăm sức khỏe cả nhà qua chiếc điện thọai mỗi ngày; thương ông bà ngoại đã lớn tuổi lại phải nhọc nhằn nặng gánh mưu sinh... bao tâm tư, Thúy Anh chỉ biết giấu chặt trong lòng.

     Trước kỳ thi tốt nghiệp THPT cận kề, dù đang đối mặt với không ít khó khăn nhưng cả gia đình đã cố gắng dốc sức chuẩn bị mọi điều tốt đẹp nhất cho Thúy Anh, để em không bị phân tâm trước kỳ thi quan trọng này. Thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của ông bà, cha mẹ, Thúy Anh tâm tình: “Kỳ thi tốt nghiệp này sẽ mở ra bước ngoặt mới cho em và gia đình. Những năm qua, vì nghèo khó, cha mẹ em phải bôn ba đi làm ăn xa, em không được sống trong một gia đình trọn vẹn, nhiều lúc nhớ mẹ, nhớ cha, nhớ đứa em nhỏ, em bật khóc. Nhưng em biết mình may mắn khi có được tình thương, sự chở che của ngoại; cha mẹ dù ở xa nhưng vẫn luôn dõi bước theo em trên con đường học tập. Đó là sự động viên lớn nhất giúp em vượt qua mặc cảm, buồn tủi để phấn đấu học tập, em biết, đậu đại học không chỉ là ước mơ của em, mà còn là còn là ước mơ của cả gia đình”.  

      Thúy Anh (ảnh) hiểu được rằng, bao năm qua, gia đình đã phải cố gắng rất nhiều để việc học của em không phải dở dang, gãy đổ.

     Đến thăm ngôi trường THPT Hòa Tú, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng - nơi Thúy Anh đang theo học, chúng tôi được thầy cô kể cho nghe câu chuyện về cô học trò ngoan hiền, được mọi người yêu quý.

     Thầy Trịnh Đức Nguyên, Giáo viên chủ nhiệm lớp 12A2, chia sẻ: ấn tượng về Thúy Anh là tấm gương của sự nỗ lực không ngơi nghỉ để đạt được thành tích học tập xuất sắc, là người bạn hòa đồng luôn quan tâm, giúp đỡ các bạn trong học tập và trong các hoạt động của trường.       

     Những năm học cấp 2, học lực của Thúy Anh chỉ đạt mức khá. Từ năm lớp 10, ý thức được chuyện học là điều duy nhất có thể thay đổi được những khó khăn của gia đình, nên dù cho không có mẹ cha kề cận động viên, nhắc nhở, Thúy Anh dặn lòng phải chuyên tâm, không được xao lãng chuyện học hành. Sự bền bỉ, miệt mài của Thúy Anh là minh chứng tiếp thêm động lực để các bạn học sinh trong lớp tin rằng, chỉ cần không từ bỏ mọi cố gắng, nỗ lực nào cũng sẽ đơm hoa, kết trái.

     Ngày Thúy Anh còn nhỏ, bà ngoại là người tập cho em những bước đi chập chững vào đời, thì cũng chính bà là người đã dìu dắt Thúy Anh đến với ước mơ bên giảng đường đại học; cha mẹ dù ở xa nhưng cũng dành mọi điều tốt đẹp nhất để vun vén tương lai cho em, bù đắp sự thiếu vắng tình thương cho đứa con thơ vì cảnh nghèo bủa vây phải xa quê hương tìm cái ăn, cái mặc. Chưa từng nếm trải những vất vả của chuyện áo cơm, hay phải lo lắng chuyện tiền nong thiếu hụt, nhưng không có nghĩa là Thúy Anh thờ ơ trước khó nhọc của mẹ cha, sự vất vả của ông bà ngoại để vun đắp ước mơ cho em. Càng quyết tâm trong việc học, Thúy Anh tin tưởng rằng bản thân em sẽ gầy dựng ước mơ của mình, để một ngày không xa, em có thể san sẻ nỗi nhọc nhằn với mẹ cha, lo lắng cho ông bà ngoại về sau.

 

Chương trình Tiếp sức đến trường đã kịp thời hỗ trợ cho Thúy Anh, giúp em có điều kiện trang trải chi phí học tập sắp tới. 

    Để tiếp thêm động lực cho Thúy Anh và gia đình trước ngày thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đã cận kề, Chương trình Tiếp bước đến trường đã tìm đến chia sẻ và hỗ trợ Thúy Anh số tiền 5.000.000 đồng, giúp em có thêm chi phí trang trải cho những dự định sắp tới. Mong rằng với sự động viên, tiếp sức này, Thúy Anh sẽ có thêm niềm tin, phấn đấu hết mình để bứt phá trong kỳ thi cuối cấp THPT, trở thành tân sinh viên của ngôi trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh như em mơ ước. Mong rằng một ngày gần nhất, cả nhà em sẽ được sum vầy, để câu chuyện mỗi ngày của gia đình đều là ngày Tết đoàn viên./.

Mỹ Phương - Lâm Huy


QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online