Để phát triển bền vững nghề nuôi cá Bống kèo (Lượt xem: 6116)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Nông nghiệp - Nông thôn >> Khuyến Nông - Khuyến Ngư

Cập nhật: 14/06/2021

Bên cạnh con Tôm sú, Tôm thẻ chân trắng được một số địa phương thuộc vùng sinh thái nước lợ chọn nuôi mang lại hiệu quả, thì những năm gần đây nhờ khai thác tốt tiềm năng của địa phương, nông dân Sóc Trăng còn phát triển đa dạng các đối tượng nuôi khác nhau, trong đó có mô hình nuôi cá Bống kèo. Phát triển mạnh từ năm 2007, nhưng sau nhiều năm phải đối mặt với những thiệt hại từ rủi ro dịch bệnh mà diện tích nuôi cá Bống kèo đã bắt đầu giảm dần diện tích nuôi theo từng năm. Ngành chuyên môn và bà con nông dân đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm “vực dậy” nghề nuôi cá Bống kèo.

Để phát triển bền vững nghề nuôi cá Bống kèo
Trong quá trình cho cá ăn, người nuôi nên trộn một số khoáng chất, vitamin, men tiêu hóa để cá được hấp thu và tiêu hóa tốt.

   Hiện nay, Sóc Trăng có khoảng 500 ha nuôi cá Bống kèo. Theo ước tính với mật độ thả giống từ 50 đến 100 con/m², mỗi ha ao nuôi cá Bống kèo đạt năng suất trung bình khoảng 5 tấn, cá biệt có ao đạt từ 6 đến 7 tấn/ha. Cá Bống kèo chủ yếu được tiêu thụ nội địa với 2 hình thức cung ứng chủ yếu là cá tươi và cá đã qua chế biến làm khô nên nhìn chung, đầu ra sau thu hoạch đối với con cá Bống kèo không phải là vấn đề khó khi thực hiện mô hình.

   Tuy nhiên từ cuối năm 2019, tình hình dịch bệnh trên cá Bống kèo xảy ra trên diện rộng đã gây thiệt hại và giảm hiệu quả kinh tế cho người nuôi. Đơn cử như tại thị xã Vĩnh Châu là địa phương được biết đến vì có diện tích nuôi cá Bống kèo thâm canh lớn nhất tỉnh Sóc Trăng, nhưng 2 năm trở lại đây, diện tích thả nuôi cá Bống kèo tại địa phương này tiếp tục giảm dần.  

Cá Bống kèo.

     Ông Lý Chí Hiếu, Trưởng Trạm Khuyến nông thị xã Vĩnh Châu, cho rằng: “Trong năm 2020, nhìn chung tình hình nuôi cá Bống kèo của bà con Vĩnh Châu rất khó khăn. Chủ yếu do bà con đã thả nuôi với mật độ rất cao so với khuyến cáo, đa số từ 100 đến 200 con/m²; trong quá trình nuôi, bà con chưa chú trọng việc chuẩn bị ao lắng cũng như chuẩn bị nguồn nước để thay cho ao nuôi cá. Bà con thường phòng bệnh cho cá Bống kèo bằng kháng sinh nên khi cá gặp phải bệnh thì điều trị hầu như không còn hiệu quả,…”.  

   Nhằm hạn chế rủi ro thiệt hại do dịch bệnh trên cá Bống kèo, hình thức nuôi luân canh và xen canh giữa cá Bống kèo với con Tôm thẻ hoặc Tôm sú đang là giải pháp được nhiều hộ nuôi tại Vĩnh Châu áp dụng. Bên cạnh nuôi nghịch vụ để tăng thêm giá trị lợi nhuận, anh Trương Minh Tường ở ấp Bưng Thum, phường Khánh Hòa, thị xã Vĩnh Châu đã sử dụng 3,3 ha làm khu nuôi cá Bống kèo với 8 ao thả nuôi 2 vụ cá, 1 vụ tôm. Nhờ sự linh hoạt trong chuyển đổi canh tác phù hợp với nhu cầu thị trường và điều kiện thời tiết mà trung bình mỗi năm, anh Tường thu được năng suất từ 4 đến 5 tấn cá/ao, lợi nhuận mỗi ao là 120 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí.

   Anh Trương Minh Tường (ảnh), chia sẻ: "Nuôi 1 vụ tôm và 1 vụ cá có thể thay đổi được thời vụ. Tháng khó nuôi của tôm mình chuyển qua nuôi cá. Ngược lại, những tháng khó nuôi cá mình chuyển qua nuôi tôm. Mầm bệnh nuôi tôm lưu trong đất lâu ngày, khi xoay vòng qua nuôi cá có thể cải tạo được mầm bệnh của tôm. Môi trường ao nuôi sau này sẽ được tốt hơn".

   Qua khảo sát nắm tình hình cũng như việc thu mẫu kiểm tra của các nhà khoa học, ngành chuyên môn; bệnh trên cá Bống kèo chủ yếu xảy ra trong 3 trường hợp, gồm: Bệnh đốm đỏ/xuất huyết trên thân, vây đuôi và vây hậu môn; bệnh trắng đuôi và bệnh tuột nhớt. Nguyên nhân gây bệnh trên cá Bống kèo chủ yếu do mật độ thả nuôi quá dày, môi trường nước bị ô nhiễm và thiếu oxy kéo dài. Khuyến cáo những giải pháp để nuôi cá Bống Kèo hiệu quả, Thạc sĩ Lâm Ánh Tiên, Phó trưởng Phòng kĩ thuật, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng, cho rằng: "Đầu tiên, bà con cần tiến hành thay khoảng 30% lượng nước trong ao nuôi cá. Có thể từ 5-10 ngày sẽ thay nước 1 lần để cho nước trong ao nuôi được sạch. Sau khi thay nước, chúng ta sẽ áp dụng biện pháp diệt khuẩn trong ao nuôi cá, sau đó khoảng 3 ngày sẽ cấy lại vi sinh để hấp thu được chất độc trong đáy ao nuôi. Từ khi thả nuôi đến giai đoạn cá lớn phải thường xuyên xử lý ao nuôi. Ngoài ra, trong quá trình cho cá ăn, người nuôi nên trộn một số khoáng chất, vitamin, men tiêu hóa để cá được hấp thu và tiêu hóa tốt".

Thạc sĩ Lâm Ánh Tiên, Phó trưởng Phòng kĩ thuật, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng.

   Hiện nay, sản xuất nông nghiệp đứng trước áp lực về giá cả, cung vượt cầu, việc đa dạng các đối tượng vật nuôi là rất cần thiết, thay vì nuôi chuyên canh con tôm bà con nông dân chuyển sang hình thức nuôi luân canh và xen canh giữa cá Bống kèo với con Tôm thẻ hoặc Tôm sú. Nếu trang bị thật kỹ các giải pháp kỹ thuật theo khuyến cáo, nhiều khả năng nghề nuôi cá Bống kèo sẽ còn phát triển lớn mạnh tại Sóc Trăng. Góp phần quan trọng trong việc tạo sinh kế ổn định cho người dân nông thôn và nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích đất sản xuất./.

Bình Trọng - Ngọc Thơ

 


QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online