Để Chương trình OCOP phát triển thực chất, hiệu quả (Lượt xem: 714)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Nông nghiệp - Nông thôn

Cập nhật: 16/05/2023

Sau hơn 3 năm triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP), hiện nay, Sóc Trăng là tỉnh có số lượng sản phẩm OCOP nhiều thứ 2 khu vực ĐBSCL. Thông qua khai thác giá trị gia tăng của nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, Chương trình đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn của tỉnh. Tuy nhiên, quá trình triển khai Chương trình hiện vẫn còn tồn tại một số hạn chế, nhất là khả năng cung ứng nguyên liệu và khâu tiêu thụ. Theo đó, ngành Nông nghiệp Sóc Trăng đã triển khai nhiều giải pháp, đảm bảo Chương trình OCOP phát triển thực chất, hiệu quả.

Để Chương trình OCOP phát triển thực chất, hiệu quả
Cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP từ trái Khóm.

Giai đoạn 2019 - 2022, Sóc Trăng đã phát triển được 1 sản phẩm OCOP 5 sao, 19 sản phẩm 4 sao và 169 sản phẩm 3 sao, vượt 2,9 lần so với chỉ tiêu đề ra. Mặc dù có sự đa dạng về chủng loại, nhưng đối với các sản phẩm được khai thác từ nông sản địa phương, diện tích vùng trồng vẫn còn khá hạn chế, chưa đảm bảo được nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến. Từ thực trạng này, trong giai đoạn mới, ngành Nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với các địa phương thống kê chính xác diện tích canh tác của các sản phẩm được lựa chọn để chuẩn hóa. Từ đó có sự đầu tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hình thành vùng nguyên liệu đủ lớn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường. Tại huyện Mỹ Tú, lãnh đạo địa phương đã xác định lợi thế từ vùng nguyên liệu Bồn Bồn với hơn 80ha, trong năm 2023, “địa phương đã vận động, hỗ trợ bà con trồng Bồn Bồn theo hướng an toàn, hữu cơ để có sản phẩm tốt nhất, chất lượng, đạt tiêu chuẩn OCOP đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng”, ông Nguyễn Thanh Điền - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho hay.


Mỹ Tú phát triển sản phẩm OCOP từ cây Bồn Bồn.

Tăng số lượng sản phẩm OCOP cũng đặt ra nhiều bài toán trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Để khuyến khích sự tham gia từ các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, ngoài việc quan tâm, cải thiện chất lượng để thăng hạng cho sản phẩm, ngành Nông nghiệp cùng một số sở, ngành của tỉnh Sóc Trăng cũng đặc biệt chú trọng đến hoạt động quảng bá, kết nối tiêu thụ đối với các sản phẩm OCOP và OCOP tiềm năng.

Giai đoạn 2023 - 2025, Sóc Trăng đặt mục tiêu mỗi huyện, thị xã, thành phố sẽ có ít nhất một cửa hàng kinh doanh sản phẩm OCOP. Tính đến nay, toàn tỉnh đã phát triển được 8 cửa hàng với vị trí thuận lợi là điều kiện tốt để quảng bá, mở rộng cơ hội tiêu thụ sản phẩm cho nhiều chủ thể. Bà Phan Thị Thuý - Chủ Cửa hàng sản phẩm OCOP nông sản an toàn ở huyện Mỹ Tú cho hay: Khách hàng từ TP. HCM về Cà Mau ghé cửa hàng thường lựa chọn từ 5 - 7 sản phẩm OCOP về làm quà. Đối với những sản phẩm bán chậm và gần hết hạn, cửa hàng sẽ gửi trả lại cho cơ sở. Cửa hàng chú trọng khâu kiểm đếm, nhập hàng, đảm bảo tất cả sản phẩm khi được bày bán đều có nhãn mác, có Giấy Chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm…


Cửa hàng sản phẩm OCOP của bà Phan Thị Thuý.

Giai đoạn 2023 - 2025, Sóc Trăng đặt mục tiêu có ít nhất 200 sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên; củng cố và nâng hạng ít nhất 50% sản phẩm đã được đánh giá, xếp hạng. Tỉnh hiện vẫn đang nỗ lực nâng chất, hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đã đạt chứng nhận; đồng thời triển khai thêm nhiều giải pháp để sản phẩm OCOP của tỉnh Sóc Trăng từng bước chiếm lĩnh thị phần và trở thành sự lựa chọn ưu tiên của người tiêu dùng.

Sóc Trăng quan tâm nâng chất sản phẩm OCOP đáp ứng nhu cầu thị trường. 

Để thực hiện hiệu quả mục tiêu này, “ngành Nông nghiệp tỉnh đã và đang phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, các địa phương để nâng cao chất lượng và chiều sâu của các sản phẩm OCOP hiện có. Hỗ trợ các chủ thể trong việc đầu tư thêm về mẫu mã, xây dựng vùng nguyên liệu đủ lớn để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế. Đặc biệt là tăng cường các giải pháp về xúc tiến thương mại quảng bá rộng rãi hơn các sản phẩm OCOP của tỉnh tại các triển lãm, hội chợ, các diễn đàn, hội thảo, sàn thương mại điện tử… để có nhiều người biết đến sản phẩm OCOP của Sóc Trăng, mang lại giá trị kinh tế cao hơn cho các sản phẩm chủ lực ở khu vực nông thôn”, ông Huỳnh Ngọc Nhã - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, cho biết.

Ông Huỳnh Ngọc Nhã (bìa phải ảnh).

Đến nay, Chương trình OCOP của tỉnh Sóc Trăng về cơ bản đã khẳng định được hiệu quả thiết thực trong việc lan tỏa thương hiệu cho sản phẩm đặc trưng ở từng địa phương. Bên cạnh kết quả đạt được, sự quan tâm của các sở, ngành, đơn vị có liên quan trong việc phát triển Chương trình ở giai đoạn sắp tới sẽ là cơ sở quan trọng để Chương trình OCOP của tỉnh Sóc Trăng phát triển thực chất, hiệu quả, từng bước hình thành phân khúc riêng cho thị trường hàng hóa ở nông thôn, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân theo mục tiêu cốt lõi mà chương trình đề ra./.

Ngọc Thơ - Trọng Phước

 


QUẢNG CÁO
    Book365
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online