Chum “ló đất” và hũ gạo tiết kiệm - Hồ Thị Thắm (Lượt xem: 1520)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Cuộc thi " Viết về cánh đồng Quê Hương"

Cập nhật: 21/03/2017

Quê tôi, một tỉnh miền Trung, gọi “lúa” bằng cái tên khác là “ló”. Năm tuổi, mẹ không dạy tôi chữ cái, không dạy tôi số đếm hay các phép toán. Tôi đã học được nhiều điều hơn thế từ những hạt “ló đất” vương vãi trên cánh đồng, từ những hạt gạo trắngkết tinh củamồ hôi và bùn đen

Chum “ló đất” và hũ gạo tiết kiệm - Hồ Thị Thắm
“Ai bảo chăn trâu là khổ/Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao” (thơ Giang Nam)

          (Nguyên bản của tác giả)

      Mùa gặt tới, tôi thường theo bố mẹ ra đồng chăn trâu. Tôi bé xíu trong khi con trâu cao lớn, cặp sừng dài cong cân đối. Thấy cảnh tôi khóc lẽo đẽo theo sau đít trâu kìm không được sợi dây thừng, mọi người phì cười. Bố kéo con trâu lại phía tôithủ thỉ: “Concoi đôi mắt con trâu hiền khô, con kể chuyện cho nó nghe, nó sẽ nghe lời con mà không cần roi”. Lời bố nói quả là hiệu nghiệm, không những thế, tôi đã biết cách leo lưng trâu một cách gọn gẽ. Nó gặm cỏ thì tôi vuốt cổ rồi nhẹ nhàng đặt hai chân lên hai sừng, nó ghểnh cổ lên hất tôi ngồi lên lưng ngon lành. Ngồi mỏi, tôi lại nằm trên lưng trâu, Tôi kể cho trâu nghe nhiều chuyện tôi biết và có chuyện tôi tự nghĩ ra. Nắm lấy đuôi trâu, nó muốn giật cái đuôi mà không được, vểnh tai phe phẩy nghe tôi đọc thơ:

“Trâu ơi ta bảo trâu này

Trâu ăn no cỏ trâu cày với ta

Cấy cày vốn nghiệp nông gia

Ta đây trâu đấy ai mà quản công

Bao giờ cây lúa còn bông

Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn…”

Trên những con đường đất lớn,mọi người thường gánh từng bó lúachất thành từng đống, rồi mới xếp lên xe trâu chở về. Sau khi chằng chặt xe lúa, bố đánh xe trâu đi rồi,lúa rụng xuống cỏ rất nhiều. Mẹ nói đó là những hạt lúa chín, chắc hạt nhất nhưng lại dễ rụng nhất. Mẹ nắm cục đất ướt thấm chỗ lúa vương vãi, tôi cũng đòi mẹ làm theo. Mẹ vắt và đưa cho tôi một cục đất ướt bằng cục xôi. Bàn tay nhỏ xíu của tôi vê cục đất lăn trên đám cỏ lượm lặt những hạt lúa vương vãi. Tôi thích thú như khám phá được một trò chơi mới. Từ đó, tôi vừa dắt trâu vừa cầm một cái bì con cò lăn đất nhặt nhạnh. Từng cục đất mềm dần dần thấm lúa, cứ lớn dần, vò xót cả bàn tay, nặng trịch. Về nhà, mẹ cho những nắm xôi “ló đất” vào một cái rổ tre rồi xuống ao trước nhà đãi. Những hạt lúa thấm đất đen sì dần hiện ra vàng óng. Vốc tay vào cái rổ, có đủ loại “ló” xen lẫn cả sỏi và đá nhỏ. Đôi mắt tôi không dấu được sự vui sướng. Rồi mẹ chỉ tay về phía cái chum đất. Mẹ nói: “Cho con cái chum, “ló đất” phơi khô, con xúc vào cái chum đó để nuôi lợn, mai mốt bán lợn, mẹ sẽ mua quần áo, dép và cặp sách mới”.

Sinh nhật 5 tuổi, mẹ đưa tôi cái liễn đất – của hồi môn bà ngoại cho mẹ khi lấy chồng ra ở riêng. Cầm cái liễn trên tay, mẹ nói tôi bốc một nắm gạo đầu tiên bỏ vào và không quên dặn dò: “Mỗi bữa nấu cơm, con trích ra một nắm, nếu nhà hết gạo, chưa xay kịp, mình có sẵn để nấu, nếu gặp ai khó khăn, con có thể đem cho. Ngày xưa Bác Hồ, nhiều người cũng có hũ gạo tiết kiệm để chia sẻvới người khác”…. Rồi,lần lượt các em tôi đều được mẹ cho những chum “ló đất” và hũ gạo tiết kiệm của riêng mình.

Bố mẹ tôi quanh năm miệt mài trên cánh đồng giữa cái nắng ran cùng gió lào và rét căm với bão lũ. Chị em chúng tôi lớn lên từ cơm trắng kèm những con cá, con ốc và bát canh cua thấm đẫm mồ hôi của bố mẹ và bùn đen của cánh đồng làng. Những chum “ló đất”, những hũ gạo tiết kiệm đã đầy vơi theo những mong ước tuổi thơ nhưng bài học mẹ dạy chị em tôi thì còn mãi.Tiết kiệm và chia sẻ từ những cái nhỏ nhất trong khả năng mình cólà hành trang đầu tiên mẹ trang bị để chúng tôi bước vào cuộc đời.

Chị em tôi lần lượt ra trường vàcó công việc ở Sài Gòn.Tết Đinh Dậu trở về thăm quê, ngắm nhìn những đổi thay của quê hương, nhiều cảm xúc cũng lớp lang như những cây mạ nonđang dang những cánh lá xanh sắc, dựa sát vào nhau, cùng chống chọi với cái lạnh của khí trời. Con đường cao tốc đã trải mình băng qua cánh đồng, rồi đây nhà máy, khu dân cư sẽ mọc lên và những hạt “ló đất” sẽ được gói gém trong miền kí ức. Cái chum không còn, cái liễn đất trở thành một báu vật tuổi thơ đong đầy biết bao niềm tin, hy vọng.Từ bài học của mẹ trên cánh đồng quê, chúng tôi vẫn đang lượm lặt và cho đi những hạt “ló” của sự sẻ chia bởi cũng như miền Trung, nhiều miền quê vẫn đang phải gồng mình với thiên tai./.

Hưng Nguyên

 Họ tên: Hồ Thị Thắm

Địa chỉ: 179 Đường 30/4, phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương


TIN LIÊN QUAN

QUẢNG CÁO
    Book365
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online