Bên dòng sông quê hương - Lê Minh Tiến (Lượt xem: 2740)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Cuộc thi " Viết về cánh đồng Quê Hương"

Cập nhật: 28/03/2017

Ở làng tôi có một con sông chảy quanh làng nhìn từ xa nó như con rồng uốn lượn, bọn tôi đặt tên cho nó là sông Thìn. Nước sông trong và mát, tôi còn nhớhồi còn mới tập bơi tôi rất sợ,do tính rụt rè nhưng thấy tụi bạn bơi thoăn thoắt như cá mà cảm thấy thèm thuồng, cái cảm giác sặc nước tay khua khua rồi ho khụ khụ để tụi bạn nó cười phá lên mà vừa tức, vừa buồn cười.

Bên dòng sông quê hương -  Lê Minh Tiến
Bên dòng sông quê hương

 (Nguyên bản của tác giả)

Tiếng ve cứ kêu râm ran quanh khu trọ tôi sinh sống, tiếng ve đã gợi bao kỉ niệm của tôi về nỗi nhớ nơi chôn rau cắt rốn. Thấm cái đã gần mười năm trôi qua nhạt nhòa...

Mỗi lần ngồi buồn, tôi hồi tưởng mình lúc bé, khi còn là cu cậu 11, 12 tuổi rất hồn nhiên, vô tư, đang cùng những đứa bạn thân tắm mình dưới dòng sông, được vui đùa thỏa thích, được ngồi cùng nhau ăn sắn nướng hay cùng nhau bắt cua, ốc, cá và nhiều kỉ niệm vui buồn lẫn lộn.

Tôi còn nhớ những ngày hè năm đó, hồi đấy làng còn nghèo, sống dựa vào nông nghiệp là chủ yếu, nhà đứa nào, đứa đấy cũng đều có một con trâu để nuôi, để làm đầu cơ nghiệp. Buổi sáng, khi mặt trời ló rạng,mỗi đứa dắt một con trâu ra đồng, những lúc cho trâu ăn, chúng tôi bắt đầu ngồi cùng nhau, tán ngẫu, chơi cuội, chọi cỏ gà, trốn tìm.

Ở làng tôi có một con sông chảy quanh làng nhìn từ xa nó như con rồng uốn lượn, bọn tôi đặt tên cho nó là sông Thìn. Nước sông trong và mát, tôi còn nhớhồi còn mới tập bơi tôi rất sợ,do tính rụt rè nhưng thấy tụi bạn  bơi thoăn thoắt như cá mà cảm thấy thèm thuồng, cái cảm giác sặc nước tay khua khua rồi ho khụ khụ để tụi bạn nó cười phá lên mà vừa tức, vừa buồn cười.

Ở quê không có điều kiện mua áo phao, tôi được thằng Bờm dậy rằng cứ nhét xốp vào trong quần là sẽ nổi, chịu khó tập vài ngày quen không sợ nước biết bơi liền, rồi nó còn bảo: ''mày muốn biết bơi nhanh, thì lấy con chuồn chuồn cho cắn vào rốn, biết bơi liền'', tưởng thật tôi bắt cho nó cắn vào rốn mình, cái cảm giác nó đau thét lên, nhưng thầm nghĩ chỉ cần biết bơi cứ thử sức xem sao. Thằng Nam lại bảo, “nó trêu mày mà cũng tin” tôi gãi đầu trong sự ngơ ngác. Sau bao ngày luyện tập thì cuối cùng tôi cũng biết bơi và có biệt hiệu là “tiểu thủy ngư”.

Tôi còn nhớ một lần suýt chút nữa thì Nam đuối nước, hôm đó trời oi ả, đám bạn đi đá bóng xong rủ nhau ra tắm sông Thìn, do mệt nên Nam bị chuột rút, chân co quắp lại, vùng vẫy kêu cứu, may là thằng Bờm nhanh trí túm lấy tóc Nam rồi kéo vào bờ, Nam nằm thở hổn hển, khóc tu tu khi biết mình còn sống, còn có những người bạn đang tròn mắt nhìn Nam.

Hồi ấy mùa ốc, rất nhiều lũ bạn bảo rủ nhau bắt ốc đi bán, đứa nào đứa đấy cũng quả quyết '' tao sẽ bắt nhiều nhất''. Sáng sớm hôm sau, đám bạn hẹn nhau dắt trâu ra ngoài đồng rồi buộc lại, mỗi đứa cầm theo một cái túi cám con cò, tập trung ra sông Thìn, nhanh chóng cởi áo, xuống mò, thoáng cái mỗi đứa cũng được hơn cân ốc, rồi cùng nhau đem bán lấy tiền ăn quà trong sự sung sướng của trẻ thơ.

Mùa hè kèm theo những cơn mưa dông dữ dội, sau mỗi lần mưa, buổi tối ếch nhái rất nhiều ở quanh sông Thìn. Bờm rủ đám bạn thân cùng nhau đi săn nhái, ếch, nó bảo chỉ cần chuẩn bị que nứa buộc cái xiên ba que bằng sắt, đèn pin, túi. Tối vừa ăn cơm xong, các cu cậu khoái trí, ai cũng sẵn sàng cho chuyến đi mà giờ gọi là “khám phá, phiêu lưu”. Ra đến sông Thìn ,nghe tiếng “ếch ộp” khắp nơi mà vô định trong không trung, ngơ ngơ ngác ngác nhìn nhau rồi định vị “đối thủ”. Ếch, nhái hễ nghe tiếng động là chúng nhảy đi chỗ khác liền, nên phải cẩn thận, khi xiên cần dứt khoát.

Hôm đầu tiên, cả nhóm đều về tay trắng, ai cũng ấp ủ hôm sau đi tiếp, làm lại, lần này rút kinh nghiệm lần trước. Sau nhiều lần bị bắt trượt thì cuối cùng cũng bắt được con ếch đầu tiên, Nam hét toáng lên vì sung sướng, lần lượt tất cả cũng bắt được hai đến ba con, chiến lợi phẩm thu được chúng tôi đem về làm món cháo thập cẩm ếch nhái. Lần đầu được ăn món cháo do tự tay làm ra thật là hạnh phúc, đến giờ vẫn không quên được cái vị thơm của hành, vị ngọt của nhái đồng, hơi khê khê của cháo, tất cả cùng rất vui vẻ húp “soạt soạt” hết trơn cả nồi.

Thời gian mà, rồi cũng sẽ trôi qua đi, làng tôi giờ còn khá ít người làm nông nghiệp, trong làng không còn một bóng trâu nào nữa, có còn cũng không có cỏ cho trâu ăn. Cánh đồng giờ thành khu công nghiệp vào loại nhộn nhịp nhất khu vực, sông Thìn lấp đi để làm đường bê tông, đám bạn chăn trâu hồi xưagiờmỗi đứa một nơi, ít khi được gặp nhau, đôi lần gặp lại ôn hoài kỉ niệm xưarồi cười phá lên cho cái tuổi thơ thêm dữ dội của mình, cái tuổi thơ giờ nay chỉ còn trong dĩ vãng.

Người ta bây giờ quen hơn với “ô tô là đầu cơ nghiệp” chứ không phải con trâu, dù sao đó cũng là tín hiệu của thời cuộc hội nhập, trâu vắng đi, trâu thưa đi, trâu không còn là đầu cơ nghiệp nữa nhưng nó sẽ không bao giờ bị tuyệt chủng trong trí nhớ của những ai đã bước qua hai thế kỷ, vànhững ai đang mang trong mình dòng máu Việt Nam.

Lê Minh Tiến

Địa chỉ: xã Văn Phú - Thường Tín - Hà Nội 


TIN LIÊN QUAN

QUẢNG CÁO
    Book365
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online