Bánh gừng trong đời sống người Khmer (Lượt xem: 3958)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Tin địa phương

Cập nhật: 21/11/2018

Nhắc đến ẩm thực của đồng bào Khmer, nhiều người đã quen thuộc với bánh ống (món bánh làm từ bột gạo), có hình thuôn như ống tre và mang màu xanh dịu mát. Còn một món bánh chủ yếu xuất hiện trong dịp Tết Chôl Chnăm Thmây, Đôn Ta, hay trong đám cưới, không phổ biến như bánh ống, nhưng cũng đặc sắc không kém, đó là món bánh gừng.

Bánh gừng trong đời sống người Khmer
Làm bánh gừng của đồng bào dân tộc Khmer.

     Bánh gừng được làm từ nếp. Hạt nếp được chọn lọc kỹ càng, vo sạch, để ráo rồi quết sao cho thật nhuyễn thành bột. Sau đó đem phơi khô. Lòng trắng trứng đánh nổi rồi cho bột vào khuấy sền sệt, nhồi thành khối bột mịn. Qua bàn tay khéo léo của người thợ, khối bột dần được tạo hình thành từng chiếc bánh có hình dáng như củ gừng. Bà Trần Thị Sầm Nang, ấp Cần Giờ 1, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên nói: “Tôi thường nghe ông bà nói, phong tục của dân tộc Khmer khi ăn Tết Đôn Ta, Chôl Chnăm Thmây hay đám cưới thì phải có bánh gừng, để gia đình, con cháu được sung túc, phát triển giống như gừng đẻ nhiều nhánh vậy”.

   Không mang hương vị của gừng nhưng từ hình dáng bánh và ý nghĩa đặc biệt của món bánh mà bánh gừng có mặt trong những dịp Lễ, Tết quan trọng của đồng bào Khmer. Trong đám cưới, luôn có sự hiện diện của bánh gừng, như một lời cầu chúc cho đôi vợ chồng trẻ. Chiếc bánh cưới cũng được người thợ chăm chút tỉ mỉ hơn. Bà Trần Thị Sầm Nang, ấp Cần Giờ 1, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên cho biết thêm: “Bánh gừng làm để chưng trên bàn thờ tổ tiên thì phải làm cho đẹp, nhánh ngọn ra phải đều, khi chiên lên thì bánh phải cứng và căn phồng”.

Bánh gừng phải được chiên cho nổi phồng lên.

Chiếc bánh sau khi tạo hình như củ gừng sẽ được đem chiên ngập trong dầu với lửa vừa đủ cho bánh nổi lên. Sau khi vớt bánh ra thì bánh được áo qua một lớp đường rồi để ráo. Bánh thành phẩm được dâng lên chùa, đặt trên bàn thờ trong các dịp lễ Tết truyền thống hoặc được kết thành hình đẹp mắt trong đám cưới của đồng bào Khmer. Ngày xưa hầu như nhà nào cũng tự làm bánh gừng dâng cúng và dùng trong đám tiệc. Nhưng khi đời sống hiện đại bận rộn hơn, số nhà tự làm bánh gừng cũng ít dần đi, người ta thường đặt mua từ những thợ làm bánh như bà Sầm Nang. Bà Trần Thị Sầm Nang cho biết thêm: “Một năm gia đình tôi làm bánh gừng 2 lần vào Tết Đôn Ta và Chôl Chnăm Thmây. Ngày thường bà con có đám cưới, gả đến gia đình tôi đặt hàng thì gia đình tôi làm bán cho bà con”.

Các nhánh của chiếc bánh gừng làm cho nhọn, đều.

Giữa nhịp sống hiện đại và sự du nhập của nhiều món ngon, vật lạ từ khắp mọi nơi, bánh gừng vẫn có một chỗ đứng nhất định trong đời sống của đồng bào Khmer. Là chiếc bánh mang ý nghĩa về sự gắn kết, thủy chung, sự sinh sôi nảy nở. Bánh gừng là một phần trong phong tục văn hóa người Khmer. Hiện nay vẫn có những người thợ thiết tha với nghề làm bánh gừng, như một cách giữ gìn truyền thống./.

Mỹ Phương – Trọng Phước


QUẢNG CÁO
    Book365
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online