Triển khai biện pháp chủ động phòng chống thiên tai (Lượt xem: 3663)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Tin địa phương

Cập nhật: 30/10/2018

Từ ngày 16 đến ngày 26/10/2018, văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh Sóc Trăng đã phối hợp cùng các địa phương, tổ chức 6 cuộc tập huấn kiến thức về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho Bí thư, Trưởng Ban Nhân dân ấp, cán bộ ban ngành đoàn thể xã, ấp tại 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới thuộc các huyện Cù Lao Dung, Châu Thành, Trần Đề, Thạnh Trị và thị xã Ngã Năm.

Triển khai biện pháp chủ động phòng chống thiên tai
Triều cường gây ngập úng vườn cây ăn trái ở huyện Cù Lao Dung.

      Mỗi cuộc tập huấn có 50 đại biểu tham dự và được phổ biến phương châm 4 tại chỗ đó là: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Đồng thời, hướng dẫn cách chằng, néo nhà cửa để ngăn ngừa tốc mái, đổ sập.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, các tháng còn lại của năm 2018 có khả năng xuất hiện khoảng 2-3 cơn bão, áp thấp nhiệt đới và có khoảng 1 cơn bão ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Đối với triều cường, dự báo từ ngày 23 đến 27 tháng 11 và từ ngày 23 đến 26 tháng 12/2018 sẽ tiếp tục xuất hiện triều cường ở mức cao tại Nam bộ. Các đợt triều cường này nước sẽ dâng cao ở khu vực hạ nguồn sông Cửu Long và có khả năng trên mức báo động 3. Trong đợt triều cường cuối tháng 8 đầu tháng 9 âm lịch vừa qua, toàn tỉnh có 16 đoạn bờ bao bị vỡ, 6 đoạn bị sạt lở, trên 26 km đường giao thông bị nước tràn và 150 căn nhà và hơn 1.000 ha lúa bị ngập, trong đó có 83 ha mất trắng. 1444 ha mía bị ngập, làm giảm năng suất khoảng 10 %, 70 ha nuôi thủy sản cũng bị ảnh hưởng. Ước tổng thiệt hại của đợt triều cường này gây ra trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng là khoảng 4,8 tỉ đồng. Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chánh văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Hiện nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh tập trung rà soát lại hệ thống bờ bao, đê bao, cống, đập. Nơi nào không đảm bảo, xin chủ trương bồi trúc, gia cố lại để ứng phó với triều cường. Vấn đề đáng lo như ở địa bàn Cù Lao Dung, có đến vài ngàn km bờ bao cặp theo vườn rẫy của hộ dân không được kiên cố, trường hợp mức nước dâng cao thì việc ứng phó sẽ gặp nhiều khó khăn, vì với chiều dài lớn như vậy thì không thể rà soát, nâng cấp đồng bộ được”.

 

 

Nông dân Cù Lao Dung thu hoạch mía bị ngập úng do ảnh hưởng triều cường.

 

Người dân chịu tác động bất lợi của biến đổi khí hậu đến sản xuất và đời sống xã hội ngày càng rõ nét. Mưa bão, triều cường ngày càng diễn biến phức tạp. Sóc Trăng đã và đang huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để đạt hiệu quả cao nhất trong việc ứng phó với thiên tai. Trong đó, việc nâng cao ý thức “Dựa vào nguồn lực tại chỗ, không trông chờ ỷ lại và cùng chung tay ngăn ngừa thiệt hại khi bão, lũ xảy ra” đóng vai trò quan trọng. Ông Thạch Út, Bí thư, Trưởng Ban Nhân dân ấp Tăng Long, xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung nói: “Ban Nhân dân ấp cũng thường xuyên vận động hộ dân gia cố bờ bao phần đất vườn, rẫy của mình. Hộ nào neo đơn, thiếu lao động thì ấp vận động lực lượng thanh niên xung kích hỗ trợ”.

Cuộc tập huấn kiến thức về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn do văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sóc Trăng tổ chức đã trang bị cho cán bộ tại 5 xã  đạt chuẩn nông thôn mới thuộc các huyện Cù Lao Dung, Châu Thành, Trần Đề, Thạnh Trị và thị xã Ngã Năm những kiến thức cơ bản về các biện pháp phòng chống thiên tai. Trên cơ sở đó, tuyên truyền, vận động nhân dân đề cao, cảnh giác và sẵn sàng phòng chống khi có bão lũ xảy ra. Ông Trương Minh Bền, Bí thư, Trưởng Ban Nhân dân ấp An Phú, xã An Thạnh Tây, huyện Cù Lao Dung cho biết: “Hàng năm chúng tôi phát động nhân dân gia cố bờ bao, cống bọng ở những nơi xung yếu để bảo vệ hoa màu, tài sản của nhân dân khi nước lũ lên. Nhờ có sự chủ động trước nên đợt triều cường vừa qua, trên địa bàn ấp, không có đoạn bờ nào bị vỡ. Theo tôi, hằng năm chúng ta tổ chức các lớp tập huấn phòng, chống giảm nhẹ thiên tai là rất hữu ích và cần thiết, nhằm giúp người dân nâng cao ý thức, chủ động xử lý tại chỗ khi có thiên tai xảy ra”.

Nông dân Cù Lao Dung xót xa nhìn vườn cây bị ngập nước đợt triều cường 30/8 (âl) vừa qua.

Những năm qua, thời tiết, thiên tai diễn biến bất thường, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Điều này đòi hỏi các ngành, các cấp chính quyền và nhân dân không được chủ quan, phải luôn chủ động phương án phòng ngừa, ứng phó với thiên tai. Đây là biện pháp tốt nhất để đối phó với thiên tai nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của gia đình mình và của cộng đồng./.

Mỹ Duyên


TIN CÙNG ĐỊA BÀN

QUẢNG CÁO
    Book365
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online