Hiệu quả trong cơ cấu nông nghiệp ở Mỹ Xuyên (Lượt xem: 6190)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Tin địa phương

Cập nhật: 02/11/2018

Qua 4 năm thực hiện Đề án cơ cấu lại Ngành Nông nghiệp, tình hình sản xuất nông nghiệp của huyện Mỹ Xuyên tiếp tục phát triển khá toàn diện. Nhiều mô hình sản xuất được nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao. Sản phẩm từ mô hình có khả năng cạnh tranh mạnh trên thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.

Hiệu quả trong cơ cấu nông nghiệp ở Mỹ Xuyên
Mô sản xuất theo hướng an toàn sinh học, đạt tiêu chuẩn VietGAP.

     Là huyện thuần nông, Mỹ Xuyên có diện tích tự nhiên gần 37.400 ha, trong đó diện tích nông nghiệp 32.566 ha. Từ năm 2015 đến nay, các mô hình  tôm-lúa-màu; lúa-màu và lúa thơm-tôm sạch... được lãnh đạo địa phương và ngành chuyên môn chỉ đạo triển khai, người dân thực hiện đạt được kết quả rất phấn khởi. Nếu như năm 2014, giá trị trên diện tích đất sản xuất từ 116 triệu đồng/1 ha thì đến nay đã tăng lên 164 triệu đồng/1 ha. Ông Nguyễn Văn Điếu ở ấp Hòa Lời, xã Ngọc Đông có lợi nhuận trên 200 triệu đồng trên 1,7 ha đất canh tác, nhờ áp dụng thành công mô hình tôm-lúa-màu từ năm 2015 đến nay. Ông chia sẻ: “Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại địa phương, gia đình tôi chọn mô hình chăn nuôi kết hợp trồng lúa, trồng màu. Sau mùa nuôi tôm thì dưới ao sạ lúa, trên bờ bao trồng màu. Mô hình này bền vững, có nguồn thu nhập ổn định”.

Ao nuôi tôm.

      Về thủy sản, năm 2018 toàn huyện Mỹ Xuyên thả nuôi tôm sú được gần 21.000 ha, tổng sản lượng trên 34.600 tấn, đạt 121,6% kế hoạch năm. Nhờ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp đúng hướng, triển khai thí điểm nhiều mô hình hiệu quả nên nông dân mạnh dạn tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã để giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận. Ông Ngô Công Luận, Giám đốc hợp tác xã Nông ngư 14 tháng 10, ấp Hòa Nhờ A, xã Hòa Tú 2, huyện Mỹ Xuyên cho biết: “Hợp tác xã Nông ngư 14 tháng 10 có 23 thành viên, ngoài nuôi tôm, chúng tôi còn trồng màu, trồng cỏ để nuôi bò. Hợp tác xã có diện tích 49 ha, trong đó diện tích nuôi tôm là 29,3 ha. Hợp tác xã được chứng nhận VietGAP vào năm 2015, nuôi tôm theo quy trình VietGAP, khi bán được giá cao hơn tôm không nuôi theo quy trình, từ đầu năm đến nay tổng thu của Hợp tác xã trên 7 tỉ đồng”.

Mô hình trồng màu trên bờ bao ao nuôi tôm.

      Trên cây lúa, nông dân Mỹ Xuyên đã ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất và thu hoạch. Toàn huyện Mỹ Xuyên xây dựng được 4 mô hình cánh đồng lớn ở các xã Đại Tâm, Tham Đôn, Thạnh Quới và Thạnh Phú, với tổng diện tích 2.000 ha lúa chất lượng cao, đáp ứng theo nhu cầu của thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc liên kết “4 nhà” trong sản xuất. Theo đó năng suất bình quân đạt 5,9 tấn/ha. Ông Trầm Sanh, Ấp Đại Nghĩa Thắng, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên chia sẻ: “Nhờ cán bộ Khuyến Nông của tỉnh tập huấn 3 đợt, hướng dẫn về khoa học, kỹ thuật trong sản xuất. Hàng tuần cán bộ còn đến kiểm tra tình hình sản xuất lúa trong cánh đồng mẫu, nên năm nay lúa trong mô hình khá hơn phía ngoài”. Ông Lâm Sơn Hiển, Chủ tịch UBND xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên cho biết: “Nhờ thực hiện Đề án cơ cấu Ngành Nông nghiệp mà đời sống của người dân xã Đại Tâm, nhất là đồng bào Dân tộc Khmer được nâng lên, số hộ nghèo hiện nay giảm còn 5,15%. Bên cạnh đó, nông dân đã biết chuyển đổi giống, cây trồng vật nuôi, tham gia vào tổ hợp tác, hợp tác xã. Thời gian tới xã Đại Tâm tập trung chỉ đạo mở rộng diện tích sản xuất rau màu theo hướng an toàn; duy trì mô hình cánh đồng mẫu lớn; vận động người dân tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã; chỉ đạo nâng chất tổ hợp tác, hợp tác xã để làm cho đời sống người dân ngày càng được nâng lên”.

                  

Đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp.

    Ở huyện Mỹ Xuyên, xã Đại Tâm và Tham Đôn là vùng chuyên canh trồng màu của huyện, chủ lực là dưa leo, bầu, bí, hành, hẹ, bắp và các loại rau cải… được trồng quanh năm, bình quân lợi nhuận từ 25 đến 30 triệu đồng/1 ha, có đầu ra ổn định nên nhiều nông hộ có thu nhập khá. Ông Trần Quốc Quang, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Xuyên cho biết: “Huyện ủy Mỹ Xuyên đã ban hành Chương trình hành động số 09 ngày 21/12/2015, để thực hiện Đề án cơ cấu lại Ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới. Về cây lúa, tập trung sản xuất lúa thơm, lúa đặc sản, các mô hình sản xuất lúa sinh thái VietGAP; về trồng màu, sản xuất theo hướng an toàn sinh học, đạt tiêu chuẩn VietGAP; về chăn nuôi, phát triển mô hình chăn nuôi bò sữa, bò thịt; đối với lĩnh vực thủy sản, tập trung theo hướng an toàn sinh học, đạt tiêu chuẩn VietGAP. Mục tiêu từ đây đến năm 2020, huyện cố gắng phát triển để đạt giá trị sản xuất trên 170 triệu đồng/ha”. 

     Đề án cơ cấu lại Ngành Nông nghiệp đã tạo điều kiện cho nông dân huyện Mỹ Xuyên lựa chọn mô hình sản xuất phù hợp với gia đình mình từ các loại giống cây trồng vật nuôi cho hiệu quả kinh tế. Sự phối hợp, liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông để tìm đầu ra sản phẩm ổn định đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân./.

Thiện Nhận- Đài TT huyện Mỹ Xuyên


TIN CÙNG ĐỊA BÀN

QUẢNG CÁO
    Book365
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online