Cù Lao Dung chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp để phát triển bền vững (Lượt xem: 4315)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Tin địa phương

Cập nhật: 22/10/2018

Đến với vùng đất Cù Lao Dung bốn bề sông nước, du khách sẽ được ngắm nhìn những vườn cây ăn trái trĩu quả, đặc biệt là những cánh đồng mía trãi dài 2 bên trục đường giao thông dưới tán những hàng dừa oằn trái, tô điểm cho cảnh quan nơi đây thêm phần tươi đẹp. Hiện nay huyện Cù Lao Dung có gần 3.000 hecta diện tích cây ăn trái, theo kế hoạch, đến năm 2020 diện tích vườn cây ăn trái của huyện sẽ tăng lên gần 4.000 hecta chủ yếu được chuyển đổi từ cây mía.

Cù Lao Dung chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp để phát triển bền vững
Huyện Cù Lao Dung có gần 3.000 ha diện tích cây ăn trái.

      Nhiều năm qua, mía là cây trồng chính ở huyện Cù Lao này chiếm hơn 2/3 diện tích  mía của toàn tỉnh Sóc Trăng. Mấy năm nay, cây mía không còn giữ được hương vị ngọt ngào mà trở nên đắng chát vì giá mía giảm sâu, có lúc còn 500 đồng đến 600 đồng 1 kg, người trồng mía bị lỗ vốn. Dù yêu quý cây trồng truyền thống này, nhưng bà con Cù Lao Dung phải nén lòng phá mía để chuyển đổi sang các loại cây trồng, vật nuôi khác. Nếu như 2015 diện tích mía ở đây là 7.200 hecta thì đến niên vụ mía 2018-2019 giảm xuống còn  5.100 hecta. Theo đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững của địa phương đến năm 2020, diện tích mía của huyện giảm xuống còn 3.500 hecta. Ông Lê Minh Đương, Phó Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung cho biết: “Huyện chỉ đạo cho Ngành Nông nghiệp tập trung hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho bà con. Trong 3.500 ha mía còn lại, khoảng 700 ha  áp dụng mô hình mía nước;  còn lại hơn 2.000 ha tiếp tục vận động bà con nhân rộng mô hình cánh đồng mía mẫu. Huyện phối hợp cùng Đại học Cần Thơ trực tiếp chuyển giao khoa học công nghệ, hướng dẫn bà con cải tạo lại đất, hỗ trợ máy móc để đưa cơ giới vào làm thay 1 số công đoạn thâm canh cây mía, giúp bà con giảm giá thành sản xuất”.

 

 

 

Đất trồng mía ở Cù Lao Dung được nông dân chuyển dần sang các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao. 

 

Khi giá thành sản xuất giảm, sức chống chọi với sức ép của thị trường của cây mía Cù lao Dung sẽ tốt hơn. Đối với 2.100 hecta đất mía được chuyển đổi sản xuất đã đem lại tín hiệu vui. Ông Trần Văn Phục, ấp Phước Hòa, thị trấn Cù Lao Dung có 1 hecta mía và 1,8 hecta nhãn da bò. Giá mía bấp bênh, ông phá mía, lên liếp trồng nhãn Ido. Giống nhãn này trái to, cơm dày, ngọt, thơm, vỏ mỏng, hạt nhỏ, được thị trường ưa chuộng, đầu ra thông thoáng. Mỗi năm 1hecta nhãn Ido thu được 40 tấn trái, ông  đạt mức lợi nhuận trên 400 triệu đồng. Hiệu quả kinh tế cao, ông tiếp tục chuyển 1,8 hecta nhãn da bò sang trồng nhãn Ido. Hiện 2,8 hecta vườn của ông có 1.500 gốc nhãn Ido. Ngoài nguồn thu từ trái, ông còn chiếc nhánh để bán giống, 1 năm từ 7.000 nhánh đến 20.000 nhánh cho nhà vườn trong và ngoài tỉnh.

 

Là ủy viên ban chấp hành Hội nông dân huyện, ông Trần Văn Phục được huyện hội giao nhiệm vụ phát triển thêm 1.000 công nhãn Ido. Bà con trong huyện hào hứng tham gia chương trình và ông tận tình hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cho mỗi vườn cây đươm nhiều hoa, sai trái ngọt. Hiện ông Phục đã cơ bản hoàn thành chỉ tiêu được giao. Điều ông Phục luôn trăn trở là làm thế nào để nâng cao giá trị hàng nông sản Việt Nam. Ông Phục chia sẻ: “Hiện nhà vườn Cù lao Dung chủ yếu chỉ sản xuất thô, khâu chế biến hàng nông sản của mình chưa phát triển nhiều. Vừa rồi, tôi có người bạn đi Châu Âu, vào siêu thị mua hộp nhãn sấy về tặng tôi với nhãn hiệu Trung Quốc, có trọng lượng 6kg, bán giá 1triệu 800 ngàn. Trong khi ở Việt Nam mình, nhãn sấy chỉ có giá khoảng 60.000 đồng/kg”. Ông Phục ước mơ quê mình sẽ xây dựng được vùng chuyên canh nhãn Ido canh tác theo tiêu chuẩn VietGap để có nguồn nguyên liệu lớn, an toàn vệ sinh thực phẩm, thu hút các doanh nghiệp xuất khẩu đến ký kết hợp đồng tiêu thụ, tăng sức cạnh tranh cho mặt hàng trái cây của tỉnh nhà. Ông và nhà vườn Cù Lao Dung đã và đang chung tay biến ước đó thành hiện thực.

 

 

Nhãn Ido cho giá trị kinh tế cao ở Cù lao Dung.

 

 Cũng  như ông Phục, nhiều nông dân ở Cù Lao Dung đã chuyển đổi gần 600 hecta đất trồng mía sang trồng cây ăn trái, nâng diện tích cây ăn trái của huyện Cù Lao Dung lên gần 3.000 hecta, rất  phong phú về chủng loại. Theo kế hoạch đến năm 2020 diện tích vườn cây ăn trái sẽ tăng lên gần 4.000 hecta chủ yếu được chuyển đổi từ cây mía. Chỉ tính  trong 7 tháng  của năm 2018, nông dân trong huyện đã chuyển trên 400 hecta mía sang nuôi thủy sản, chủ yếu là nuôi tôm thẻ chân trắng. Hiện diện tích nuôi tôm của huyện đạt trên 1.870 hecta và đang có xu hướng gia tăng. 

Hợp tác xã thủy sản Hưng Phú, xã An Thạnh Ba có 12 thành viên với diện tích nuôi tôm gần 83 hecta. Trong đó, khoảng 2/3 diện tích là chuyển từ đất trồng mía sang nuôi tôm. Điều kiện tự nhiên thuận lợi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, các vụ nuôi vừa qua ít bị rủi ro nên đã đem lại thu nhập cao cho thành viên hợp tác xã.

 

Mô hình canh tác hoa màu trên nền đất trồng mía ở Cù Lao Dung.

 

Năm 2016, hợp tác xã được công nhận quy trình nuôi đạt tiêu chuẩn Vietgap và được công ty xuất khẩu trong tỉnh ký hợp đồng thu mua cao hơn giá thị trường bên ngoài. Cuối tháng 9/2018, Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững đã phối hợp với Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên chức buổi lễ ký kết hợp đồng nuôi tôm theo  tiêu chuẩn ASC giữa Công ty cổ phần thủy sản Sóc Trăng (Stapimex) với Hợp Tác xã (HTX) Thủy sản Hưng Phú. ASC là tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt nhất áp dụng cho nuôi trồng thủy sản là bộ tiêu chuẩn dựa trên 4 nền tảng chính là môi trường, xã hội, an sinh động vật và an toàn thực phẩm. Liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn này đáp ứng nhu cầu ngày một tăng của khách hàng với các sản phẩm sạch và bền vững. Giá trị sản phẩm được nâng lên, thu nhập của hộ nuôi tôm từ đó gia tăng. Ông Nguyễn Văn Sang, Thành viên HTX Thủy sản Hưng Phú nói: “cái lợi của việc thành lập HTX, chúng tôi hợp đồng trực tiếp đầu vào thức ăn, giống, thuốc thủy sản…giảm được một phần chi phí. Được sự hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là Sở Nông nghiệp hỗ trợ quy trình nuôi tôm Vietgap, được Công ty Thủy sản sạch hợp đồng mua giá cao hơn thị trường từ 3.000 đến 5.000 đồng/kg tôm thương phẩm. Công ty Thủy sản Stapimex hợp đồng thực hiện quy trình nuôi tôm chuẩn ASC”. 

 

Trong đề án tái cơ cấu nông nghiệp đến năm 2020, huyện Cù Lao Dung chú trọng đến đa dạng hóa các loại cây trồng vật nuôi. Trong đó, mở rộng diện tích canh tác các loại rau màu thực phẩm, màu lương thực, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất. Chọn giống mới cho năng suất, chất lượng cao sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ. Ông Lê Minh Đương, Phó chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung cho biết thêm: “Đối với cây màu lương thực, huyện đang định hướng hỗ trợ cho bà con phát triển theo chuỗi giá trị để phát triển bền vững. Trong đó hỗ trợ cho bà con phát triển diện tích trồng bắp để cung cấp hạt bắp cho các công ty chế biến thức ăn, cung cấp thân bắp cho bà con nuôi bò sữa. Ngoài ra, huyện đang kết nối với công ty Xuân Thiện, Tập đoàn Xuân Thành đầu tư trực tiếp và ký bao tiêu cây siêu cao lương. Hiện huyện đang tiến hành trồng thử cây siêu cao lương khoảng 1,5 ha, nếu thành công sẽ vận động bà con chuyển diện tích trồng màu sang trồng loại cây này”.

 

 

Lễ ký kết sản xuất tôm nuôi theo chuẩn ASC.

 

Chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp phù hợp với tình hình mới, đáp ứng yêu cầu của thị trường để phát triển sản xuất và tăng thu nhập cho người  dân địa phương. Đó là mục tiêu đang được Đảng bộ huyện Cù Lao Dung nỗ lực thực hiện để vùng quê Cù Lao càng thêm trù phú, đời sống người dân ngày càng được nâng cao và trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút du khách gần xa./.

Mỹ Duyên


TIN CÙNG ĐỊA BÀN

QUẢNG CÁO
    Book365
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online